Thứ Hai, 25 tháng 9, 2023

Ngăn chặn nạn bắt nạt qua mạng

 

NGĂN CHẶN NẠN BẮT NẠT QUA MẠNG

Khu tập thể nhà tôi mấy hôm nay xôn xao câu chuyện V.A., vừa học xong lớp 8 - con gái nhà chị Hoa, vốn là một cô gái xinh xắn, hiền lành, thế nhưng gần đây, mặc dù là những ngày nghỉ hè, ở nhà cùng bố mẹ, nhưng mấy tuần liền không thiết ăn uống và hay buồn phiền.

Đây chỉ là một trong rất nhiều trẻ em hiện nay phải đối mặt câu chuyện bắt nạt qua mạng. Đây là một thực tế không mới đối với giới trẻ ngày nay. Nhiều phụ huynh cứ nghĩ nghỉ hè đồng nghĩa với thời gian ở nhà nhiều, sẽ tránh được bạo lực học đường.

 

Bạo lực qua mạng thì vô cùng tinh vi, “muôn hình vạn trạng”. Mới đây, câu chuyện một nữ sinh ở một địa phương làm bài thi Ngữ văn trong kỳ thi lớp 10 dài 21 trang, được chấm 9,75 điểm là một thí dụ.

Từ một thông tin lẽ ra đáng được giữ kín, nhưng không hiểu lý do gì đó, những người làm nghề giáo dục đã tiết lộ bài thi và điểm thi của em học sinh này, ngay lập tức trở thành tâm điểm để cộng đồng mạng nhảy vào bình luận.

Nhiều ý kiến nghiệt ngã và thiếu thiện chí được nêu ra. Không ai đong đếm được những tổn thương tâm lý hay những áp lực mà em học sinh 15 tuổi này phải chịu đựng, song chắc chắn một điều, nữ sinh này đã phải chịu đựng những lời nói, những ánh nhìn thiếu thiện cảm từ cộng đồng.

 

Sự quan tâm thường xuyên của người lớn có thể sẽ hạn chế, thậm chí kiểm soát được thời gian dùng mạng xã hội của trẻ. Khi thấy con có dấu hiệu bị bạo lực hoặc sử dụng công cụ mạng xã hội hay điện thoại để gây ra bạo lực với người khác, cha mẹ cần sớm vào cuộc để ngăn chặn.

Có như vậy câu chuyện bắt nạt qua mạng mới sớm giảm đi, tránh gây ra những hệ lụy xấu khôn lường.

 

Chẳng những ở Việt Nam mà các nước cũng đau đầu về vấn nạn này.

Kết quả nhiều khảo sát gần đây tại Hàn Quốc cho thấy xu hướng bắt nạt trên mạng đang ngày một gia tăng ở thanh thiếu niên.

 

Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc hôm 17/3 công bố kết quả một khảo sát trên hơn 9.600 học sinh từ tiểu học đến THPT ở Hàn Quốc về vấn đề này.

 Hơn 40% học sinh cho biết từng "trải nghiệm" bạo lực mạng với tư cách là thủ phạm, nạn nhân, hoặc cả hai. Con số này đã tăng 12,4 % so với năm ngoái.

 

Lạm dụng bằng lời nói là dạng thức phổ biến nhất của bắt nạt trên mạng, chiếm hơn 33%, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Các dạng thức khác gồm vu khống (16,1%), theo dõi (7,7%) và quấy rối tình dục (6,1%).

 

Khảo sát hàng năm của Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho thấy tình trạng tương tự: Những kẻ bắt nạt sử dụng lời nói nhiều hơn bạo lực thể chất để gây đau đớn cho nạn nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét