CÁC YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH TRÍ THÔNG MINH
Di truyền và môi trường ảnh hưởng như thế nào đến trí thông minh? Đây đã, đang và tiếp tục là một trong những câu hỏi gây tranh cãi nhất trong suốt lịch sử ngành tâm lý học.
Ngoài các bất đồng ý kiến về bản chất của trí thông minh, các nhà tâm lý học đã dành rất nhiều thời gian và công sức tranh luận về các yếu tố gây ảnh hưởng đến trí thông minh.
Bẩm sinh và Nuôi dưỡng – Cái nào quan trọng hơn?
Hiện nay, các nhà tâm lý học đã nhận thấy rằng cả di truyền lẫn môi trường đều đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định trí thông minh của con người.
Vấn đề bây giờ là làm sao để xác định mức độ ảnh hưởng của mỗi yếu tố.
Nghiên cứu trẻ sinh đôi cho thấy di truyền ảnh hưởng 40-80% đến điểm IQ của trẻ. Điều này cũng có nghĩa di truyền ảnh hưởng đến trí thông minh nhiều hơn môi trường.
Một điều cần lưu ý ở đây là không có một gen riêng lẻ nào quy định trí thông minh – tức không có sự tồn tại của 1 gen thông minh nào cả. Thay vào đó, nó là kết quả từ sự tương tác phức tạp nhiều loại gen với nhau.
Điều cần lưu ý tiếp theo chính là Gen di truyền và môi trường tương tác với nhau, giúp xác định chính xác biểu hiện của các gen dược di truyền.
Ví dụ, nếu một người được sinh ra từ cha mẹ cao lớn, có khả năng người này cũng sẽ cao lớn. Tuy nhiên, chiều cao cụ thể của người này có thể bị tác động bởi các yếu tố thuộc về môi trường sống như dinh dưỡng và bệnh tật.
Một đứa trẻ sinh ra thừa hưởng gen trội, sở hữu sự thông minh từ bố mẹ nhưng lớn lên trong môi trường thiếu thốn, suy dinh dưỡng và không nhận được giáo dục đầy đủ sẽ có thể điểm IQ không cao.
Các bằng chứng về sự ảnh hưởng của gen di truyền.
– Nghiên cứu trẻ sinh đôi cho thấy trẻ sinh đôi cùng trứng sẽ có IQ tương đồng với nhau hơn các cặp sinh khác trứng.
– Anh chị em được nuôi dưỡng trong cùng một gia đình có IQ tương đồng với nhau hơn các nhóm con nuôi được nuôi dưỡng trong cùng một môi trường (McGue và cộng sự, 1993)
Bên cạnh các đặc tính di truyền, các yếu tố sinh học khác như tuổi mang thai, tiếp xúc tiền sản với các chất có hại và suy dinh dưỡng tiền sản cũng có thể ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ.
Bằng chứng về sự ảnh hưởng của môi trường sống:
– Trẻ sinh đôi cùng trứng nhưng được nuôi dưỡng trong hai môi trường khác nhau thì điểm IQ sẽ chênh nhau nhiều hơn các cặp sinh đôi cùng trứng được nuôi dưỡng trong cũng một môi trường (McGue và cộng sự, 1993)
– Đi học đầy đủ cũng có tác động tới điểm IQ (Ceci, 2001)
– Trẻ bú sữa mẹ trong suốt 3-5 tháng đầu sẽ có điểm IQ cao hơn khi bước vào 6 tuổi so với những trẻ cũng tuổi nhưng không được bú sữa mẹ (Kramer và cộng sự, 2008)
Như vậy, các tác động nào từ môi trường sống ảnh hưởng tới sự thông minh của trẻ?
Chính là các yếu tố về gia đình, giáo dục, môi trường xã hội đa dạng và các nhóm đồng đẳng.
Ví dụ, nghiên cứu đã chỉ ra những đứa con cả trong gia đình thường sẽ có IQ cao hơn những đứa con giữa và con út. Tại sao? Nhiều chuyên gia khẳng định rằng con cả thường nhận được nhiều sự chú ý hơn từ cha mẹ.
Cha mẹ thường kỳ vọng vào con cả nhiều hơn, yêu cầu chúng làm nhiều việc hơn, trong khi những đứa con sau thì ít đặt công việc và gánh nặng lên chúng hơn.
Nguồn: https://www.verywell.com/what-factors-determine-intelligence-2795285
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét