Thứ Ba, 5 tháng 9, 2023

GS.TS Trần Xuân Hoài: Những trải nghiệm về vật lý, công nghệ và đời sống thực

 

GS.TS TRẦN XUÂN HOÀI: NHỮNG TRẢI NGHIỆM VỀ VẬT LÝ, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỜI SỐNG THỰC

 

Ở tuổi 80, sau những trải nghiệm và chiêm nghiệm sự đổi thay của các thế hệ công nghệ lõi, mối liên hệ của nó với phòng thí nghiệm và đời sống thực theo nhiều cách, giáo sư Trần Xuân Hoài (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho rằng, không có sự phát triển nào của công nghệ mà lại thiếu sự đóng góp của khoa học, và con đường đưa công nghệ vào đời sống thực phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố cá nhân lẫn sự thức thời của các nhà quản lý.

 

­­­Theo ông, tốc độ tiến bộ của công nghệ có quyết định sự lựa chọn định hướng vật lý vào đời sống hay là ngược lại?

Hiện tại liên ngành Vật lý và công nghệ thông tin hình như đang có cơn sốt gần như là fashion (thời thượng) về quantum computing (tính toán lượng tử), đến Việt Nam ta chưa phát triển mấy về khoa học mà cũng đang sốt xình xịch.

Tuy rất hoan nghênh cho sự nhanh nhạy của các bạn trẻ, chúc các bạn dũng cảm dấn thân, biết đâu đấy, nhưng tôi nghĩ: thảo luận hay tranh luận thì cứ tiến hành nhưng con đường từ ý tưởng ra thành quả khoa học công nghệ đã khó mà từ thành quả đó ra sản phẩm thương mại còn khó hơn và dù đã là sản phẩm thương mại rồi nhưng dùng nó như thế nào, dùng vào đâu thì đòi hỏi một thời gian thử thách rất lâu.

 

Ông đã chiêm nghiệm điều này từ chính trải nghiệm của mình?

Năm 1971-1972, khi tôi chân ướt chân ráo về Việt Nam đã được biệt phái sang quân đội để tham gia vào nhóm giải mã máy bay F111 cánh cụp cánh xòe vừa bị hạ ở Hà Sơn Bình.

Khi máy bay bị trúng đạn, cabin của nó đã tự động tách khỏi thân máy bay bằng một dây thuốc nổ, ngay cả khi có rơi thẳng xuống gần đất thì một tên lửa dưới gầm sẽ khởi động đẩy cabin lên trời và dù tự động bung ra, hạ cánh nhẹ nhàng, phi công có thể mở cửa bước ra như mở cửa ô tô vậy.

 

Khi đó, ta thu được cabin nguyên vẹn với máy tinh và hệ thống điện tử điều khiển. Các nhà báo vội vàng đăng tỉ mỉ chiến tích này và Liên Xô biết được. Do đó, Thủ tướng Liên Xô điện sang, đề nghị Việt Nam giao ngay lại cho họ. Thủ tướng nước ta lúc đó chấp nhận sẽ giao sau một tháng. 

 

Trong thời gian này, nhóm chúng tôi được lệnh phải ngày đêm giải mã công nghệ cho xong… Chuyện dài, chỉ xin kể một chi tiết: tất cả hệ thống máy tính, điện tử tự động của máy bay mà nhóm tôi đo đạc kiểm tra đều dùng linh kiện rời rạc, không chip, không mạch in. Hệ thống cấu trúc ba chiều bằng hàn nối, rất nhỏ gọn, từng khối bọc trong epoxy, ném chó chó chết (các nhóm khác tôi không rõ).

 

Nên nhớ đó là năm 1971, sáng chế công nghệ mạch in (PCB) như ngày nay đã được cấp cho quân đội Mỹ từ 1956 và mạch IC silicon đã được J. Kilby (Giải Nobel 2000) và R. Noyce phát minh vào năm 1961. Thế đấy, họ chủ yếu dùng công nghệ đã bảo đảm an toàn ổn định từ trước rất lâu rồi, chứ không phải công nghệ mới chục năm tuổi!

 

Câu chuyện này nói lên điều gì, thưa ông?

Qua câu chuyện về máy bay F111 chúng ta thấy rõ, Không phải mọi công nghệ mới, hay phát kiến mới từ phòng thí nghiệm, dù rất thành công đều được đưa vào ứng dụng ngay mà chỉ được ứng dụng vào từng nhiệm vụ thích hợp.

Những nhiệm vụ đòi hòi an toàn 100%, độ ổn định cao, bên vững và lâu dài… thì công nghệ phải được có đủ thời gian để chứng minh, thử thách với nhiệm vụ ứng dụng đặt ra, thật quả không dễ dàng.

Những phát kiến như mạch in, chip lúc đó là rất tuyệt, dùng cho dân dụng như cái ti vi, radio thì được nhưng cho những mục đích cao hơn như quân sự, y tế… thì chưa bảo đảm hoàn toàn. Dù đã là sản phẩm thương mại rồi thì cũng vẫn phải tiếp tục đầu tư để cho sản phẩm thương mại được hoàn thiện, tin cậy và tất nhiên giá thành thấp hơn.

 

Bản thân con chip gắn liền với ngành công nghiệp bán dẫn. Chắc hẳn ông đã chứng kiến quá trình mà nó mới chỉ là ý tưởng trước khi được đầu tư để trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của thế giới?

 

Cuối thập kỷ 1960, tôi đã được tham dự những cuộc thảo luận chiến lược ở châu Âu về digital IC (vi mạch số) trong dân dụng. Một bên cho rằng digital IC chỉ được dùng trong tính toán, còn điện tử dân dụng thì không, và ủng hộ mạch hybrid digital analoge. Một phe thì ủng hộ phát triển hoàn toàn digital.

Cuộc chiến này kéo dài cỡ 20 năm, khi công nghệ IC silicon phát triển mạnh cỡ 100 nm thì vấn đề ADC/DAC (ADC Analoge Digital Converter biến đổi tín hiệu từ tương tự sang dạng số hóa; DAC là biến đổi ngược lại) đã giải quyết xong, điện tử dân dụng hoàn toàn digital hóa như ngày nay.

 

Thú thật lúc đó tôi thiển cận nên theo phe hybrid. Tôi lúc đó chỉ là một nhà khoa học mới vào nghề nên không nhìn xa được cũng dễ hiểu, có lẽ nhiều nhà khoa học nổi tiếng trong phe XHCN, ý kiến của họ có tính dẫn đường (!) cũng nhận định sai, nên phe XHCN dù xuất phát điểm về Điện tử bán dẫn không kém phương Tây, có lẽ do đi sai đường nên tụt hậu nhiều.

 

Theo TiaSáng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét