Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2023

Tại sao ta lại quên?

 

TẠI SAO TA LẠI QUÊN?

 

Mặc dù bạn có thể thắc mắc tại sao trí nhớ mình lại kém như vậy, thì quên vẫn là một phần của đời sống và con người ta quên mọi thứ nhanh một cách đáng kinh ngạc. Nghiên cứu đã phát hiện có xấp xỉ 56% thông tin bị quên đi trong một tiếng, 66% sau một ngày và 75% sau 6 ngày.

Thực tế là mặc dù não bộ có thể lưu trữ một lượng thông tin khổng lồ, nhưng dung lượng lưu trữ và khả năng nhớ lại các chi tiết vẫn bị hạn chế.

 

Quên là việc mất đi hoặc thay đổi thông tin được lưu trữ trước đó trong bộ nhớ ngắn hạn hoặc dài hạn. Nó có thể xuất hiện bất thình lình hoặc diễn ra từ từ khi những ký ức ngày xưa dần biến mất. Mặc dù quên là hiện tượng bình thường nhưng quên quá nhiều hoặc bất thường có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn.

Việc không thể trích xuất lại một ký ức là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến bạn quên. Một cách giải thích cho tình trạng này là thuyết suy giảm lưu trữ.

 

Nghiên cứu cũng cho thấy não bộ chủ động “tỉa bớt” những ký ức mà chủ thể không sử dụng, một quá trình có tên là quên chủ động. Khi ký ức mỗi lúc mỗi tích lũy lại thì những đoạn ký ức không được trích xuất cuối cùng sẽ biến mất.

Đôi khi, việc mất đi thông tin không có liên quan gì nhiều đến việc quên mà có liên đới nhiều hơn với thực tế rằng thông tin đó chưa bao giờ đi được vào bộ nhớ dài hạn ngay từ đầu. Việc không thể mã hóa thông tin sẽ ngăn thông tin đi vào bộ nhớ dài hạn.

 

Ký ức cũng hay bị đơn giản hóa. Mặc dù bạn có thể nhớ “mại mại” một thứ gì đó nhưng khả năng cao là bạn sẽ quên khá nhiều chi tiết về nó. Đây thực sự là một chức năng mang tính thích nghi giúp bạn lưu trữ hiệu quả những thứ quan trọng cần nhớ lại cho tương lai.

 

Quên chủ động.

Đôi lúc chúng ta chủ động quên đi một số ký ức, đặc biệt là ký ức về những trải nghiệm hoặc sự kiện khó chịu hoặc gây sang chấn. Những ký ức đau khổ có thể cực kỳ khó chịu và gây lo âu cho chủ thể, vậy nên nhiều lúc chúng ta muốn xóa bỏ chúng. Hai dạng quên chủ động là đè nén, một dạng quên có ý thức, và đàn áp, một dạng quên trong vô thức.

Tuy nhiên, quan niệm những ký ức bị đè nén không được đông đảo các nhà tâm lý học chấp thuận.

 

Ngoài ra, ta cũng cần lưu ý rằng ký ức về những sự kiện đau buồn hoặc gây sang chấn sẽ cực ký ít được chủ thể nhớ lại, thảo luận hoặc ôn lại. Việc quên đi những ký ức đau buồn và sang chấn có thể giúp ta ứng phó tốt hơn.

Mặc dù những sự kiện này sẽ không thể bị quên đi hoàn toàn nhưng việc quên đi những chi tiết nổi bật nhất có thể giúp làm “nhòa bớt” những cảm xúc khó khăn gắn liền với những ký ức ấy và khiến ta dễ dàng chung sống với chúng hơn.

 

Có nhiều yếu tố khác đóng vai trò trong việc khiến bạn quên đi. Những nguyên do khác khiến bạn quên bao gồm:

– Chất có cồn: Uống chất có cồn có tác động tiêu cực lên trí nhớ, vậy nên mỗi ngày bạn không nên uống quá 1 hoặc 2 ly tiêu chuẩn.

– Trầm cảm: Các triệu chứng thường gặp của trầm cảm bao gồm tâm trạng đi xuống, mất hứng thú, nhưng tình trạng khó tập trung và hay quên cũng xuất hiện trong các rối loạn trầm cảm.

– Thiếu ngủ: Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong củng cố trí nhớ, vậy nên thiếu ngủ có thể tác động tiêu cực lên trí nhớ của bạn.

– Thuốc điều trị: Một số thuốc điều trị có thể ảnh hưởng lên trí nhớ bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau, thuốc chống dị ứng và cảm lạnh.

– Căng thẳng: Căng thẳng quá mức, cả cấp tính và mãn tính, đều đóng vai trò khiến bạn hay quên.

 

Làm sao để hạn chế tình trạng quên.

Mặc dù lâu lâu quên đôi chút là không tránh khỏi nhưng có một số thứ bạn có thể làm để giúp lưu trữ lâu hơn những thông tin quan trọng. Một số thực hành có thể giúp giảm chứng hay quên bao gồm:

– Tập thể dục: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục có thể giúp nhanh chóng cải thiện chức năng ghi nhớ. Bạn không cần dành hàng giờ liền trên máy chạy bộ hay ở phòng gym. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ cần tập luyện nhẹ nhàng bình thường là đã nhanh chóng giúp cải thiện trí nhớ rồi.

– Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc cực kỳ quan trọng cho sức khẻo thể chất và tinh thần. Mặc dù giấc ngủ sẽ khác nhau ở mỗi người nhưng nhìn chung người trưởng thành khuyến nghị nên ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm.

– Ôn lại thông tin: Đôi khi cách tốt nhất để lưu trữ điều gì đó vào trí nhớ và giảm khả năng quên mất nó là sử dụng phương án dự phòng quen thuộc: ôn lại. Hãy thầm nhẩm thông tin nhiều lần cho đến khi bạn thực sự “khảm” được nó vào bộ nhớ.

– Viết ra: Khi tất cả những cách trên thất bại thì hãy viết ra những thông tin quan trọng để xem lại. Trong một số trường hợp, hành động viết ra thực sự có thể giúp bạn nhớ lâu hơn.

 

Mặc dù người ta hay có cái nhìn tiêu cực về tình trạng quên, nhưng nó thực sự có thể giúp cải thiện trí nhớ. Việc có thể bỏ bớt những ký ức không liên quan và chỉ giữ lại những thông tin quan trọng sẽ giúp những ký ức đã lưu trở nên vững mạnh hơn, một hiện tượng có tên gọi là quên thích nghi.

 

Kết luận. Mặc dù bạn không thể tránh được tình trạng quên nhưng việc hiểu rõ lý do tại sao ta quên sẽ rất hữu ích. Nó có thể giúp bạn dễ dàng thực hành những phương thức giúp cải thiện trí nhớ hơn.

Nguồn: https://www.verywellmind.com/explanations-for-forgetting-2795045

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét