TỘI ĐÁNH CHẾT CON RIÊNG THỜI NHÀ NGUYỄN BỊ XỬ RA SAO?
Ngày 19 tháng 5 năm Tự Đức thứ 2 (1849), Tuần phủ Bắc Ninh, Hộ lý Tổng đốc quan phòng Ninh Thái Trương Văn Uyển trình tấu về bản án cha dượng đánh con riêng của vợ đến chết. Vụ việc xảy ra ở huyện Võ Giàng.
Theo đó, một người tên Nguyễn Khiêm ở xã Thị Cầu, tổng Đỗ Xá có đơn trình xin tra xét.
Nội dung đơn cho biết, con gái ông Nguyễn Khiêm là Nguyễn Thị Dao, trước đi buôn bán xa nhà, dan díu có thai, sinh được một con trai, đặt tên là Đổ.
Sau đó, ông Khiêm gả Thị Dao cho người trong xã là Nguyễn Tả làm thiếp. Đứa con của Thị Dao khi đó 4 tuổi, vẫn ở với ông ngoại, thỉnh thoảng theo mẹ đến nhà Nguyễn Tả.
Vào giờ Ngọ hôm 11 tháng 4 năm 1849, Nguyễn Tả ôm con riêng của vợ mới 4 tuổi, tên là Đổ đến nhà bố vợ. Nguyễn Tả đặt đứa bé lên giường, nói đứa bé bị trúng gió, người nhà mau tìm thuốc điều trị, rồi bỏ đi.
Nhưng khi ông ngoại đứa bé vào xem thì thấy cháu mình bị thương, liền hô hoán. Sau đó một lát thì đứa bé chết.
Phó tổng, lý dịch bắt được Nguyễn Tả, đem trói lại.
Theo tra xét, Nguyễn Tả là chồng sau của Thị Dao. Con riêng của Thị Dao với chồng trước là Đổ vốn không ở cùng với Nguyễn Tả, lần ấy theo mẹ đến nhà Nguyễn Tả. Sau đó, vì Thị Dao đi buôn bán ở nơi khác nên đứa bé ngủ lại nhà Nguyễn Tả. Đến khi tỉnh giấc, đứa bé nhớ mẹ nên khóc.
Các quan tra xét vụ án cho rằng đó là thói thường của trẻ nhỏ. Vậy mà Nguyễn Tả lại tức giận lấy cây gỗ đánh đứa bé.
Theo luật triều Nguyễn, "đánh con riêng của vợ đến chết, bị xử giảo" (tức xử thắt cổ) nên Nguyễn Tả chiếu theo luật, giam lại chờ xử theo hình phạt này.
Còn Nguyễn Thị Dao và Nguyễn Thị Tô (vợ cả của Nguyễn Tả), trong khi Nguyễn Tả đánh tên Đổ, các thị ấy vắng nhà, không biết tình hình, nên đều miễn nghị xử.
Theo danviet.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét