Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2022

Con tôi đã học đánh giày ở… Mỹ như thế nào?

CON TÔI ĐÃ HỌC ĐÁNH GIÀY Ở… MỸ NHƯ THẾ NÀO?

Tôi chuẩn bị đi công tác dài ngày và vì yêu cầu công việc, tôi cần đem theo quần áo, giày dép đẹp đẽ, trang trọng. Quần áo của tôi đã được ủi thẳng thớm, phẳng phiu. Duy chỉ có giày vì quá bận tôi không có thời gian mang ra hàng đánh. Rồi tôi nhớ ra trong nhà có sẵn một “tài năng”… đánh giày. Đó là con trai tôi, cháu về nhà nghỉ hè trước khi vào đại học ở Mỹ. Cháu biết đánh giày là do được dạy bài bản ở trường trung học.

Rất sẵn sàng, cháu lấy bộ đồ đánh giày riêng của mình ra, với bàn chải và xi các loại, cần mẫn đánh mấy đôi giày cho tới khi bóng loáng. Khi về nhà, nhìn thấy chúng, tôi rất hào hứng cám ơn con và nói đùa rằng: “Anh chàng này không lo thất nghiệp, vì mất việc vẫn có thể đánh giày kiếm sống”.

Ở nhà, gia đình tôi vẫn thường dạy các con học cách đi chợ, nấu ăn, tự đạp xe đi học, dọn nhà cửa. Vì vậy trước khi cháu đi du học tôi khá tự tin vì khả năng tự lập của con.

Tuy nhiên, trong mấy năm con tôi theo học trung học ở Mỹ, tôi rất biết ơn trường mà cháu theo học. Bởi các thày cô ở đây đã dạy cho cháu rất nhiều kỹ năng sống quan trọng, bổ túc vào những gì gia đình chưa hoàn thiện.

Ban đầu, các cháu được học những kỹ năng đơn giản nhất. Ví dụ sáng dậy sớm, các cháu phải gấp chăn màn gọn gàng, giày dép để đâu vào đó, tất cả các kệ bàn, ngăn tủ, thậm chí cả hộc tủ cũng phải ngăn nắp. Sau khi tự dọn phòng, các cháu sẽ phải học tự đánh giày sao cho bóng loáng không một lớp bụi, tự chuẩn bị quần áo phẳng phiu, sạch sẽ để mặc lên lớp, học cách thắt cà vạt, cách ăn vận đẹp đẽ, trang nghiêm. Các cháu cũng được học cách tự dọn toilet, giữ sạch khu vực chung…

Sau đó, nhà trường sẽ dạy các kỹ năng khó hơn. Ví dụ như làm thế nào để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Các cháu phải tập thể thao hàng ngày và tập ngay cả trong thời tiết xấu. Dù trời có nắng to hay tuyết rơi thì học sinh vẫn chạy bộ quanh sân trường. Trường cũng dạy cho các cháu có khả năng vượt chướng ngại vật, leo rào cao chừng 2 m, tập leo núi… Chính vì vậy mà suốt 3 năm trung học, dù thay đổi thời tiết và hoàn cảnh sống so với ở nhà, con tôi hầu như không bị đau ốm gì.

Để tập chống chọi với những tình huống khẩn cấp, trường tổ chức dạy cho các cháu cách thoát hiểm và tự vệ. Một năm trường có 2 lần diễn tập chống khủng bố và xâm nhập trái phép, làm như thật, có cả cảnh sát tham gia. Và trong các tình huống này, các cháu được nhà trường hạn định thời gian sau 5-10 phút phải im lặng thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm giả định để tới điểm tập kết an toàn.

Nhưng quan trọng hơn cả là các kỹ năng liên quan đến việc phát triển nhân cách sống. Ví như cách cư xử với phụ nữ sao cho lịch sự, đàng hoàng hay thái độ đúng đắn khi trò chuyện với người khác, cách chấp nhận các thất bại trong cuộc sống, cách sống sao cho trung thực, cách cạnh tranh lành mạnh và tự vươn lên, cách trở thành nhà lãnh đạo…

Các kỹ năng mềm này được nhà trường của cháu dạy rất bài bản theo nhiều cách khác nhau. Ví như kỹ năng đơn giản thì được ủy nhiệm qua các bạn khóa trên, kiểu đàn anh chỉ dạy cho đàn em. Kỹ năng khó hơn được các thày cô là huấn luyện viên chỉ dạy trên thực tế. Các kỹ năng mang tính tinh thần sẽ dạy qua các chương trình hội thảo, các chương trình hội trại theo chủ đề, các chương trình diễn tập…

Và rõ ràng, nhà trường và các cháu đã dành rất nhiều thời gian cho những chương trình đào tạo kỹ năng sống nêu trên. Thời gian này, có thể chiếm tới 50% tổng thời gian các cháu sử dụng hàng ngày cho việc học hành, rèn luyện. Chính vì vậy, trường trung học của con tôi với lịch sử 112 năm luôn đào tạo được nhiều học sinh có đủ kỹ năng để tự tin sống tốt trong các hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống.

Khi sang Mỹ thăm con, tôi lại nghĩ đến học sinh Việt Nam mình. Rõ ràng, để các em có được kỹ năng sống mạnh mẽ, chắc chắn nhà trường và cha mẹ cần giảm thời gian “chúi đầu” vào học gạo của các cháu để tăng thời gian rèn luyện kỹ năng sống cho các cháu. Bởi vì chỉ khi sở hữu những kỹ năng sống mạnh mẽ, cùng với kiến thức phù hợp, các cháu mới có thể thực sự vững vàng và thành công trong đời sống. Nếu không thì tình trạng mất cân bằng trong giáo dục học sinh các cấp học phổ thông của chúng ta vẫn tiếp tục diễn ra, gây ra những hệ lụy khôn lường trong tương lai.

Nguyễn Anh Thi (Nhà báo, sống tại Thành phố Hồ Chí Minh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét