Thứ Hai, 24 tháng 1, 2022

Mối tình xuyên biên giới của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi

Đền thờ Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi. Di tích lịch sử quốc gia tại thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

MỐI TÌNH XUYÊN BIÊN GIỚI CỦA TRẠNG NGUYÊN MẠC ĐĨNH CHI

Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi vốn nổi tiếng là người học vấn uyên thâm, có tài ứng đối mẫn tiệp nhưng người thấp bé, hình dung xấu xí. Còn một câu chuyện nữa rất thú vị về cuộc đời của ông mà ít người biết đến là ông có một người vợ yêu dấu ở tận xứ sở Cao Ly và suốt 600 năm nay, hậu duệ của ông vẫn không ngừng khắc khoải tìm về cội nguồn.


Chuyện trạng Việt Nam lấy vợ Cao Ly

Mạc Đĩnh Chi (1286-1350) tự là Tiết Phu, quê ở Hải Dương. Ông đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Thìn (1304) thời Trần Anh Tông khi chưa đầy 20 tuổi. Thời xưa, người được chấm đỗ thi Đình có khi còn phải vào yết kiến để vua xét dung mạo rồi mới quyết định cho đỗ hẳn hay không. Mạc Đĩnh Chi vào ra mắt, nhưng vì Vua Trần Anh Tông thấy tướng mạo ông xấu xí nên có ý không muốn cho đỗ trạng.

Ông làm bài phú "Ngọc tỉnh liên" (Hoa sen trong giếng ngọc), ca ngợi sự cao quý của bông sen, tự ví mình với hoa quân tử. Vua đọc xong rất đẹp ý, bèn thuận cho ông đỗ Trạng nguyên. Ông làm quan trải qua ba đời vua: Anh Tông (1293-1313), Minh Tông (1314-1328), Hiến Tông (1329-1340), làm đến chức quan Thượng thư.

.

Trong hành trình quan lộ của mình, Mạc Đĩnh Chi đã hai lần được cử đi sứ sang Trung Quốc, ông thường tỏ ra có tài hùng biện, dùng văn chương áp đảo triều thần nhà Nguyên, những câu ứng đối tài tình của ông được chép nhiều trong sách sử Trung Hoa. Đặc biệt, ông từng được vua Nguyên khen tặng là "Lưỡng quốc Trạng nguyên".

 

Một trong những giai thoại được dân gian biết đến nhiều nhất là câu chuyện Mạc Đĩnh Chi cùng với sứ thần Cao Ly thi tài làm thơ đề quạt. Sau này, 2 người đã trở thành đôi bạn tri kỷ. Khi Trạng Cao Ly về nước, ông mời Trạng Mạc sang thăm Cao Ly bốn tháng. Lần ấy, Trạng Cao Ly làm mối cho Trạng Mạc một người cháu gái để làm thiếp.

Sau bốn tháng, người thiếp ấy theo Trạng Mạc về Trung Quốc, 5 năm sau thì bà về nước cùng với hai người con, một trai một gái.

.

Mười năm sau, Trạng Mạc lại sang Cao Ly một lần nữa. Lần này, ông ở lại Cao Ly sáu tháng, đi du lãm khắp Cao Ly và có tập thơ truyền thế. Người Cao Ly rất hâm mộ ông, bởi ai cũng biết ông là bậc thông minh xuất chúng. Hết sáu tháng, ông trở về Trung Quốc rồi về Việt Nam, khi ấy người thiếp có mang đã ba tháng, sau sinh một bé trai.


Người vợ Cao Ly của ông rất chịu thương chịu khó nuôi nấng dạy bảo các con, dựng vợ gả chồng và thường ở với người con trai út. Sau đó, bà từ biệt con cháu, đi vào chùa ở, hưởng thọ 93 tuổi. Hai người con trai của Mạc Đĩnh Chi sau này cũng trở thành bậc kỳ tài của xứ sở Cao Ly. Người con trai cả của Trạng ra làm quan võ, sinh được 12 người con: 8 trai, 4 gái... Nhánh trưởng này phần đông là người giàu có. Nhánh thứ hai, sau này sinh ra nhiều nhân tài, phần nhiều là người trung nghĩa liêm khiết.

 

600 năm khắc khoải tìm về cội nguồn

Theo nguồn tài liệu trên trang mạng Mactoc.com (trang của dòng họ Mạc) thì hành trình tìm về nguồn cội của hậu duệ Mạc Đĩnh Chi ở Cao Ly bắt đầu từ khá sớm. Trang mạng này viết, năm 1926, ông Sơn Sa Lê Khắc Hoà cho biết rằng, chính ông đã gặp hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi từ Cao Ly về Việt Nam trên một chuyến xe về phủ Khoái Châu (Hưng Yên), nhân dịp ông về thăm cha mẹ ở quê. Khi xe chạy đến gần Đình Dù thì ôtô hỏng máy, ông cùng với người Cao Ly vào nghỉ trong một lều tranh bên đường, đem giấy và bút chì ra bút đàm cùng nhau.

.

Người đó kể rằng, ông là người Cao Ly nhưng vốn là dòng dõi của Mạc Đĩnh Chi, là cử nhân, thi đỗ từ năm 16 tuổi, làm quan tới chức quận trưởng. Bởi không chịu nổi cảnh áp bức của người Nhật nên ông từ quan về cố quốc, đi buôn sâm cho qua ngày tháng.

Ông cũng khoe rằng, ông thuộc thế hệ nhánh trưởng, thân ở Cao Ly mà hồn ở Việt Nam. Cao Ly là nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng đất Việt mới là quê cha đất tổ. Hồn thiêng sông núi đất Việt luôn luôn gọi ông trở về.

Ông thủ từ Mạc Đức Bẩy cho biết trong dòng họ có ông Mạc Đạm, gốc ở Cao Bằng, trước 1975 sống ở Sài Gòn (nay đang ở Hoa Kỳ) có kể lại vào năm 1966, tại Sài Gòn có một người Hàn Quốc xưng là hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi sang tìm lại cội nguồn. Sự việc cũng đã được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng của Sài Gòn lúc bấy giờ, nhưng do điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, ông chưa thể hoàn thành được tâm nguyện.

.

Có một sự trùng hợp nữa là trong năm 2012, đền thờ Mạc Đĩnh Chi ở thôn Long Động đã đón tiếp 2 đoàn tham quan có người Hàn Quốc. Đầu tiên là đoàn gồm 170 người của tổng hội họ Mạc toàn thế giới sống ở nhiều quốc gia khác nhau như Trung Quốc, Anh, Hoa Kỳ, Hàn Quốc… do ông Mạc Tin (đang sống ở Anh) dẫn đầu. Đoàn thứ hai có khoảng 7 người Hàn Quốc đến sau đó một tháng. Tuy nhiên, do bất đồng ngôn ngữ nên ông không giao tiếp được để hỏi sâu.

.

Cách đây 400 năm, do những biến động của lịch sử, họ Mạc đã phải phiêu tán đi nhiều nơi. Chính trong giai đoạn này, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có một câu sấm để đời:

“Tứ bách niên tiền chung phục thủy/Thập tam thế hậu, dị nhi đồng” (Bốn trăm năm trước, cuối cùng trở lại như ban đầu/Mười ba đời sau, khác biệt mà vẫn cùng chung).

Quả thực sau 400 năm sau, con cháu họ Mạc đã dần tìm về cội nguồn. Họ Mạc đã tổ chức được Đại hội lần thứ nhất họ Mạc trên toàn quốc quy tập được nhiều hậu duệ ở nhiều nơi trong cả nước. Thôn Long Động chính là nơi phát tích đầu tiên của dòng họ Mạc Việt Nam, đây cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét