Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

Bình thơ Lưu Trọng Lư – Lẽ nào anh chết

 

BÌNH THƠ LƯU TRỌNG LƯ – LẼ NÀO ANH CHẾT


Thầy Làng Mai bình thơ đêm giao thừa 2004 tại tu viện Lộc Uyển

 

Truyền thống của Làng Mai là mỗi đêm giao thừa sẽ được nghe đọc thơ và bình thơ. Chúng ta đã từng đọc thơ của Tản Đà, của Nguyễn Bính, của Thâm Tâm, của Thế Lữ và của nhiều thi sĩ khác rồi. 

Ngày hôm nay Chúng ta sẽ đọc một bài thơ mà thi sĩ viết trước khi qua đời chỉ mấy tiếng đồng hồ. Bài thơ đó được coi như tương đương với một bài kệ của một thiền sư sắp tịch. Có nhiều vị thiền sư khi sắp tịch, bảo đệ tử đưa giấy mực, viết một bài hay ba câu, bốn câu gì đó, viết xong, quăng bút rồi tịch. Lưu Trọng Lư cũng có một bài như vậy. Hôm nay chúng ta cũng sẽ có cơ hội đọc bài thơ đó.

.

Lưu Trọng Lư hồi còn trẻ đã từng mơ mộng, đã từng yêu đương, đã từng sầu khổ. Khi lớn lên đã đi vào thực tế, ông tham gia kháng chiến, trải qua hai cuộc chiến tranh và đến tuổi bảy mươi thì ấn tượng của hai cuộc chiến đó vẫn còn ghi dấu nặng nề trong lòng. Nhưng Lưu Trọng Lư đã có cơ hội nhìn lại cuộc đời mình, đã suy tư và đã có quán chiếu về vấn đề sống chết.

Chúng ta từng thấy có những vị xuất gia lên đến tuổi bảy mươi mà chưa chắc có được cái thấy bằng cái thấy của Lưu Trọng Lư. Nhiều vị xuất gia chỉ lo làm chùa, lo hoạt động, lo hoằng pháp và không có thì giờ để tu tập, quán chiếu. Cái thấy của Lưu Trọng Lư là cái thấy của người xông pha trong tên đạn, tham dự vào cuộc chiến và đi qua bao nhiêu khó khăn, tủi nhục. Lưu Trọng Lư có một người con trai tên là Nông chết ở miền Nam trong khi tham dự vào cuộc chiến chống Pháp.

.

Vào một buổi trưa tháng 7 năm 1991, lúc Lưu Trọng Lư đang nằm trong bệnh viện Việt-Xô ở Hà Nội, các cô y tá chuyền serum và cho thi sĩ hít oxygen. Một cô y tá nói: «Bác ơi bác, khi nào bác khỏe, bác làm cho chúng cháu một bài thơ đi». Trong nhà thương ai cũng biết Lưu Trọng Lư là một thi sĩ nổi tiếng. Khi ấy, đang truyền nước biển và thở bình oxy, Lưu Trọng Lư vung tay ra viết một bài thơ, trong lúc tay còn đầy dây với dợ. Bài thơ chỉ có bảy, tám câu thôi, nhưng rất thật, có thể nói là một bài thơ thật nhất trong cuộc đời thi sĩ. Lúc đó thi sĩ không còn sợ hãi, không còn phải đối phó với ai nữa. Không cần đối phó với kẻ thù, cũng không cần đối phó với hoàn cảnh, không cần đối phó với một “áp lực” nào nữa hết.

 

Gà ban mai vẫn còn đập cánh,
Thì ai tắt được lửa bình minh?

 

Không ai thể có ai tắt được lửa bình minh.

Khi tim anh còn chan chứa ân tình
Lẽ nào em tin rằng: Anh sẽ chết?

 

Trái tim của anh còn đầy dẫy ân tình thì làm sao anh có thể chết được. Thành ra cái chết là cái mình có thể vượt thắng. Cái chết không có, chỉ có sự tiếp nối thôi, cho nên tới tuổi bảy mươi, tám mươi mình vẫn giữ được niềm tin và tình thương trọn vẹn. Làm sao nói là mình chết được? Lưu Trọng Lư bằng cách sống của mình đã tìm thấy được chân lý vô sinh bất diệt, thấy rằng không có cái chết và nhờ đó thi sĩ đánh bại cái chết. Đó là đỉnh cao của Lưu Trọng Lư.

.

Lưu Trọng Lư từ “Em không nghe mùa Thu dưới trăng mờ thổn thức” cho tới Lưu Trọng Lư của tuệ giác, của sự vượt thoát sống chết.

.

Và tiếp theo đây tôi xin đọc bài thơ cuối cùng của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Khi cô y tá chưa kịp lấy cây kim ra, sợi dây truyền serum vẫn còn đó nhưng thi sĩ nhất định kêu cô y tá đưa cho ông ta cây bút để thi sĩ viết bài thơ cuối cùng.

Bài thơ cuối cùng

Trời đã chiều
Buồn tà, vơ vẩn tà Ta đi tìm ai?

Bây giờ
Ai tìm ta nổi?
Trăm khóa không giữ nổi ta
Ta như con chim giữa trời

Vô ích! Vô ích! Vô ích!
Không ai giữ nổi ta hết

Ta đi tìm người ta yêu
Cứu nhân của đời ta
Muôn lần…
Chỉ có người, người ta yêu

Ai bắt ta nổi?
Vô ích! Vô ích! Vô ích
Ta đi tìm người ta yêu.

*****

Lời bình


Trời đã về chiều.

Chiều này không phải là chiều ở bên ngoài. Đó là chiều ở trong lòng, thi sĩ biết là thân hình mình sắp tan rã.


Buồn tà, vơ vẩn tà.

Tà tức là buổi chiều nghiêng nghiêng, có cái buồn, có cái vơ vẩn và ta đi tìm ai bây giờ? Cố nhiên cuộc sống là một cuộc đi tìm, một cuộc đi tìm không ngưng nghỉ. Chúng ta ai cũng là người đi tìm cả và cuộc tìm kiếm đó không bao giờ chấm dứt. Cho đến giờ phút chót, vẫn thấy rằng mình phải đi tìm nhưng mà tìm ai?

 

Ta đi tìm ai bây giờ?
Và ai tìm ta nổi?

 

Rất là lạ, mình cũng đang đi tìm mà mình không biết có tìm được hay không? Có thể có người đang đi tìm mình và không biết người đó có thể tìm được mình hay không? Khi đọc đến đây thì mình thấy được giáo lý về Bất khả đắc. Bất khả đắc là không nắm bắt được.

----------------

Lưu Trọng Lư (1911-1991) là một nhà thơ, nhà văn, nhà sọan kịch Việt Nam, người làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch  huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Sinh trưởng trong một gia đình quan lại xuất thân nho học, thuở nhỏ ông học trường tỉnh rồi ra học tại trường Quốc Học Huế đến năm thứ ba và sau đó ra Hà Nội đi dạy tư, làm văn và làm báo.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét