Thứ Năm, 13 tháng 1, 2022

Làm sao “hãy là chính mình” khi chưa biết ‘đâu là mình’?

LÀM SAO “HÃY LÀ CHÍNH MÌNH” KHI CHƯA BIẾT ‘ĐÂU LÀ MÌNH’?

“Công việc” của bất kỳ ai trong đời cũng bao gồm làm người, làm dân và làm nghề. Lựa chọn của mỗi người trong từng “công việc” đó sẽ làm nên cuộc đời họ. Bởi lẽ, con người tự do thì khác với con người nô lệ; công dân thì khác với thần dân; ca sĩ thì khác với thợ hát; trí thức thì khác với trí nô; nhà báo thì khác với bồi bút; nhà quản trị thì khác với kẻ cai trị; doanh nhân thì khác với trọc phú hay con buôn.

Với chủ đề lớn lao mà không kém phần quen thuộc như vậy, cuốn sách “Đúng Việc” của nhà giáo Giản Tư Trung sẽ cùng bạn đọc bàn luận về vai trò của từng người và mọi người trong xã hội.

“Đúng Việc” được chia làm bốn phần: Làm người, làm dân, làm việc & làm giáo dục.

Có thể khẳng định rằng, chủ đề “đúng việc” này là một chủ đề khó và bao quát gần như toàn bộ xã hội loài người. Cuốn sách của Giản Tư Trung như một cuốn sách giáo khoa về những điều tưởng chừng hiển nhiên (làm người là làm gì?), vẽ ra cho độc giả một cuộc hành trình khai minh bản thân (hay “tự lực khai hóa” như cách nói của Phan Châu Trinh) tưởng dễ mà lại đòi hỏi bao nhiêu thời gian lẫn nỗ lực mới có thể thành công.

Tìm hiểu bản thân mình không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà xong được. Có người sống cả đời cũng không biết mình là ai, mình muốn gì hay như thế nào là đúng, là sai cũng phải khó khăn phân biệt, để rồi than thở, tự vấn không rõ mình đã sai ở đâu. Do đó, tìm ra đạo sống của mình sẽ là kim chỉ nam cho cuộc hành trình làm người, làm dân và làm việc trong tương lai. Làm người là nền tảng cho mọi “công việc” khác con người phải đảm nhiệm. Một khi đã thực hiện tốt phần làm người thì con người sẽ có cơ sở lựa chọn, hoàn thiện những việc khác sao cho không hổ thẹn với chính mình.

Về phương diện làm việc, cách con người làm người sẽ phản ánh thái độ của họ trong công việc thông qua “đạo nghề”. Một người làm giáo viên vì yêu con người, yêu sự phát triển mỗi ngày của trẻ có xu hướng yêu công việc của mình hơn, được học sinh yêu quý hơn một giáo viên đi làm chỉ vì không còn sự lựa chọn nào khác. Nói cách khác, “đạo nghề” chính là “đạo sống” trong công việc.

Ngoài ra, “đạo sống” còn đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục. “đạo sống” là minh chứng cho việc con người hiểu rõ chính mình và môi trường xung quanh. Do đó, để làm “đúng việc”, các chủ thể giáo dục (nhà nước, nhà trường, nhà giáo, gia đình và người học) cũng phải hiểu rõ công việc của mình, đồng thời biết giành lấy quyền lợi vốn có và trả lại quyền cho các chủ thể khác. Đây là điều kiện tiên quyết cho bất cứ quá trình đổi mới hệ thống giáo dục nào.  

Lẽ ra, cái ta phải chọn trước hết là chọn lẽ sống, giá trị sống của mình (tức là chọn cuộc đời để sống, mình phải biết rõ là mình muốn trở thành một con người như thế nào và sống một cuộc đời ra sao); và khi ta đã biết mình sống để làm gì và muốn dùng cuộc đời của mình cho mục đích gì rồi, ta mới chọn công việc, nghề nghiệp, sự nghiệp phù hợp với cuộc đời đó.

Đằng này, ta lại nỗ lực đi ‘chọn nghề’ trong khi vẫn còn hết sức mù mờ về ‘chọn đời’, ‘chọn người’, để rồi khi nhận ra rằng ta không tìm thấy con người mình trong cái nghề đó thì bắt đầu mất phương hướng và chán nản. Ngoài ra, cần phải ‘chọn nghề’ trước rồi mới ‘chọn trường’ sau, chứ không phải cứ theo trào lưu rồi chọn những trường mà được mọi người cho là ‘ngon’ để học bốn năm ra trường và đi làm rồi mới chợt nhận ra rằng nghề này không hợp với mình…

------------

Nhà giáo Giản Tư Trung

Chủ tịch sáng lập Học Viện Quản Lý PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED, và Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Người khởi xướng việc xây dựng 3 tủ sách: “Tủ sách Doanh trí” (dành cho doanh giới), “Tủ sách Giáo dục” (dành cho giáo giới), và “Tủ sách Khai phóng” (dành cho đại chúng). “Đúng Việc” là cuốn sách nổi tiếng của ông, được xuất bản năm 2015. Với hơn 150 ngàn bản đã được bán ra sau hơn ba năm ra mắt. 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét