Thứ Tư, 12 tháng 1, 2022

Krishnamurti nói về sự bạo lực trong xã hội

Jiddu Krishnamurti

KRISHNAMURTI NÓI VỀ SỰ BẠO LỰC TRONG XÃ HỘI

Trên thế giới rất nhiều bạo lực ở đủ mọi cấp độ tồn tại của loài người. Hình thức bạo lực ở mức độ cao nhất là chiến tranh – giết chóc vì ý niệm, vì những cái gọi là nguyên tắc tôn giáo, vì quốc gia dân tộc, giết chóc để giữ lấy một mảnh đất nhỏ. Để làm điều đó, người ta sẽ đi giết, đi phá, gây ra thương tật cho kẻ khác, bản thân cũng bị giết chết. Bạo lực dường như vô hạn trên thế giới này; người giàu muốn duy trì đói nghèo, người nghèo muốn trở nên giàu có và cùng lúc thù ghét người giàu.

Xã hội đầy rẫy bạo lực, chiến tranh giết chóc, vậy liệu việc phá hủy toàn bộ xã hội đó có đem đến một văn hóa mới hay không? Thưa ngài:

Krishnamurti: Phá hủy hoàn toàn có đem đến văn hóa mới hay không à? Các bạn cũng biết đến những cuộc nổi dậy trong quá khứ: Cách mạng Pháp, Cách mạng Nga, Cách mạng Trung Hoa. Họ phá hủy tất cả mọi thứ để bắt đầu cái mới. Họ đã tạo ra cái gì mới chưa? Mỗi xã hội có 3 tầng lớp/ giai cấp: tầng cao – tầng giữa – tầng thấp; trên cao là nơi của người giàu có, thông minh; vị trí ở giữa – tầng lớp trung lưu, những người luôn làm việc, rồi đến tầng lớp lao động (“the labourer”, hiểu theo nghĩa những người làm công việc chân tay, dựa thể lực nhiều hơn so với trí lực – ND). Có sự tranh đấu giữa các tầng lớp với nhau.

Người thuộc tầng lớp trung lưu muốn leo lên vị trí đầu, họ tiến hành các cuộc nổi dậy và khi đã lên đến nơi, họ giữ chặt địa vị mới có được đi kèm uy danh, phúc lợi, của cải, và điều này lặp lại với tầng lớp trung lưu mới – những người này sẽ lại tìm cách trèo lên trên. Những người dưới thấp cố gắng với tới vị trí ở giữa, ai đang ở giữa cố gắng lên trên cùng; cuộc chiến như vậy diễn ra suốt chiều dài lịch sử, ở mọi xã hội và mọi nền văn hóa.

Tầng lớp trung lưu nói: “Tôi sẽ vươn tới vị trí cao nhất, và làm nên cuộc cách mạng.” Và khi quả thực đã đạt được vị trí ấy, bạn có thể thấy điều họ sẽ làm. Tầng lớp này biết làm thế nào để kiểm soát con người thông qua suy nghĩ, thông qua hành hạ, giết chóc, phá hoại, và thông qua nỗi sợ hãi.

Thế nên, thông qua phá hoại, không bao giờ có thể tạo ra bất cứ cái gì. Nếu bạn thấu hiểu toàn bộ quá trình của sự rối loạn và tàn phá, nếu bạn nghiên cứu không chỉ về những biểu hiện của chúng ở cả bên ngoài lẫn bên trong bản thân mình, thì từ sự thấu hiểu, quan tâm, tình thương, một trật tự hoàn toàn mới sẽ xuất hiện. Nhưng nếu không hiểu được, chỉ đơn thuần tạo ra biến loạn, khuôn mẫu sẽ đi rồi quay trở lại y hệt, bởi loài người chúng ta, trước kia, giờ đây và sau này không đổi.

Không giống như việc phá dỡ một ngôi nhà để từ đó dựng lên một ngôi nhà mới – con người không được tạo ra theo cách ấy, bởi con người, ở bên ngoài họ được giáo dục, khoác lên văn hóa, họ có trí lực nhưng bên trong, họ hung bạo. Trừ khi bản năng loài vật của con người thay đổi một cách căn bản, còn không, bất kể điều kiện bên ngoài có là gì đi chăng nữa, yếu tố bên trong luôn có cách để vượt lên cái bên ngoài. Giáo dục là để thay đổi con người-bên trong.

---------

Jiddu Krishnamurti hay J. Krishnamurti, (18951986) sinh tại Ấn Độ là một tác gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết họctinh thần. Các chủ đề bao gồm mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người, và phương cách để tạo nên sự thay đổi xã hội tích cực trên phạm vi toàn cầu.

Ở tuổi 90, Krishnamurti đã diễn thuyết tại Liên Hợp Quốc về chủ đề hòa bình và nhận thức, và ông đã được trao tặng Huân chương Hòa Bình của Liên Hợp Quốc năm 1984.

Ông không trình bày bất kỳ "triết thuyết" nào, trái lại nói về những sự việc liên hệ với tất cả chúng ta trong cuộc sống hằng ngày: những vấn đề khi đang sống trong xã hội hiện đại với sự phân hoá và bạo lực của nó, sự tìm kiếm của cá nhân để có an toàn và hạnh phúc, và sự đòi hỏi của con người để được tự do khỏi những gánh nặng tâm lý của tham lam, bạo lực, sợ hãi và đau khổ.

Krishnamurti không lệ thuộc vào bất kỳ tôn giáo, giáo phái, hay là quốc gia nào. Ông cũng không tán thành bất kỳ trường phái tư tưởng thuộc học thuyết hay chính trị nào. Trái lại ông quả quyết rằng những trường phái này chính là những yếu tố phân chia con người với con người và tạo ra xung đột lẫn chiến tranh.

Ông nói chỉ có một sự thay đổi triệt để mới có thể tạo ra một cái trí mới mẻ, một nền văn minh mới mẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét