Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

Thảm kịch của căm ghét

 

THẢM KỊCH CỦA CĂM GHÉT

 

Ai định nghĩa được căm ghét? Nó là một cảm xúc, một thái độ, một thiên hướng? Vì sao người ta ghét? Lúc nào thì căm ghét trở thành bệnh lý?

 

Trong rất nhiều trường hợp, người căm ghét coi mình là nạn nhân. Họ thấy mình bị tấn công và bắt buộc phải tự vệ. Những thanh niên đầu trọc cho rằng cuộc đời họ sẽ thật tốt đẹp nếu phụ nữ da trắng không cặp với người nước ngoài.

Căm ghét một đối tượng đã được cộng đồng duyệt là đáng căm ghét là một hành vi nhằm giảm thiểu sự cô đơn và tăng giá trị bản thân. Người ta xuống tay với kẻ cắp để chứng tỏ phẩm chất đạo đức của mình, cùng nhau hành hạ đối tượng đó để cảm nhận được tình đoàn kết trong nhóm và để yên tâm là cộng đồng chấp nhận mình. Giống như trong các xung đột giữa các dòng tộc hay giữa các băng đảng, thể hiện sự căm thù với kẻ bên ngoài là một cách để người ta bảo đảm có được sự yêu thương ở bên trong.

 

Trong các tài liệu tôi đọc về căm ghét, chữ pathology (bệnh lý) thường xuyên xuất hiện. Căm ghét cực đoan có thể là một trạng thái, một cảm xúc, một thái độ, nhưng điểm chung là nó cần được chữa trị. John Schafer và Joe Navarro cho rằng ở bước cuối cùng trong tiến trình của căm ghét, khi những người ghét phá hủy đối tượng của mình, họ cũng bị phá hủy theo, trên cả bình diện tâm lý và vật lý.

 

Nhiều thập kỷ trước đó, Martin Luther King phát biểu tương tự: “Sự căm ghét làm méo mó tính cách của người ghét. Chúng ta hay chú ý tới hệ quả của căm ghét đối với những người hay những tập thể bị ghét, nhưng với người ghét, tình hình còn bi thảm hơn, còn hủy hoại hơn, còn gây chấn thương hơn.  Bạn ghét một ai đó và bạn bắt đầu làm những điều vô lý. Bạn không nhìn rõ nữa khi bạn ghét, bạn không đi thẳng được nữa khi bạn ghét. Bạn không đứng thẳng được, cái nhìn của bạn bị méo mó. Không có gì bi kịch hơn là chứng kiến một con người với trái tim đầy căm ghét. Anh ta trở thành một con bệnh”.

 

 

Căm ghét, giống như tình yêu, là những trải nghiệm thông thường của con người. Nhưng trong những trường hợp bệnh lý, căm ghét trở nên bao trùm, nuốt chửng tất cả, trở thành một cái hố đen tiêu thụ toàn bộ tâm trí của người ghét.

Chúng ta nhớ lại một status của một “mẹ” gửi tới đám báo chí đang được cho là chế nhạo các chị: “Chị dù quản lý doanh nghiệp nhá, nhưng chị đây cũng 2 tay 3 máy, trong đó 1 máy chuyên dùng để f5 cái topic này để không sót bài nào nhá. (...) Thậm chí đêm đến chị vỗ đít cho con ngủ, chị nằm cạnh nó chị vẫn lướt webtretho, face vèo vèo vèo để check không sót tí nào nhá. Chị rảnh cực!”.

 

Khi thành bệnh lý, cái ghét trở nên vô biên, nó thành điều duy nhất để qua đó người ta định nghĩa chính mình. Cái ghét bệnh lý, theo tác giả Kernberg, được viện tới như một vũ khí để tự vệ. Ông viết: “Đó là hình ảnh của một bản thể đói khát, nổi giận, trống rỗng, đầy sự giận dữ bất lực, bực bội và sợ hãi trước một thế giới mà nó cho là cũng hằn học và hiềm thù như chính bản thân nó”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét