Thứ Ba, 25 tháng 1, 2022

Con cháu quan lại thời thịnh trị thăng tiến bằng thực tài

 

CON CHÁU QUAN LẠI THỜI THỊNH TRỊ THĂNG TIẾN BẰNG THỰC TÀI

Thời xưa các nhà khoa bảng đại đa số khi ra làm quan đều thực tài và thanh liêm, vì họ được rèn luyện đạo đức từ chốn “cửa Khổng, sân Trình” và do được giáo dục nền tảng như vậy nên họ rất sợ luật nhân quả, vì vậy họ không nhũng lạm hoặc làm những việc thất đức để di hại cho con cháu. Họ thường làm những việc tốt để đức về sau cho con cháu phát triển bền vững. Ví dụ một số trong hàng trăm trường hợp quan chức thanh liêm thời bấy giờ, như Nguyễn Công Trứ làm quan đến Tổng đốc Hải An nhưng khi về hưu vẫn sống thanh bạch với một ít tiền hưu trí và dăm sào đất ruộng do triều đình ban cấp; Nguyễn Khuyến khi về nghỉ hưu mà gia sản vẫn chỉ là “ba gian nhà cỏ thấp le te”, Hoàng Diệu làm quan đến Tổng đốc Hà Nội nhưng tiền lương dành dụm mãi cả năm trời vẫn chưa đủ để lợp lại mái ngói ngôi nhà ở quê đã dột nát….

Hầu hết các gia đình quan chức này đều phúc bền, con cháu đều thành đạt ở những mức độ khác nhau và duy trì được sự phát triển bền vững về sau. Đơn cử hai trường hợp trong hàng trăm trường hợp tiêu biểu của sự phát triển bền vững ở các nho gia đạo đức là gia đình Tổng đốc Hoàng Diệu ở làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và Thượng thư Cao Xuân Dục ở làng Thịnh Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Gia đình cụ Hoàng Diệu gồm 7 anh em thì có 6 người đỗ đạt (1 Phó bảng, 3 cử nhân và 2 tú tài). Anh em cụ đều làm quan thanh liêm, con cháu về sau cũng thành đạt; trong đó người em trai của cụ Hoàng Diệu là cử nhân Hoàng Văn Bảng có những người cháu nội sau này là những nhà khoa học nổi tiếng như Hoàng Phê (ngôn ngữ học), Hoàng Quý (vật lý), Hoàng Kiệt (mỹ thuật), Hoàng Tụy và Hoàng Chúng (toán học)…trong đó Hoàng Tuỵ là nhà toán học đẳng cấp quốc tế.

Cụ Cao Xuân Dục làm quan đến Thượng thư, rất nhân hậu, giúp đỡ nhiều người khó khăn; cụ có 8 người con thì người con trưởng đỗ Phó bảng, một số người con thứ đỗ cử nhân, tú tài và ra làm quan. Người con trưởng là Cao Xuân Tiếu làm quan đến Thượng thư bộ Lễ, hàm nhất phẩm như cha.

Trong hàng cháu của cụ Thượng Cao nổi tiếng nhất là Giáo sư Cao Xuân Huy, nhà Đông phương học và trong hàng chắt nổi tiếng nhất là Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngôn ngữ học; ngoài ra còn hàng mấy chục cháu, chắt, chít đỗ kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ… trong và ngoài nước.

Thời kỳ chế độ phong kiến thịnh trị, giáo dục thi cử nghiêm minh, đào tạo ra được những quan chức có tài năng và nhân cách, đóng góp nhiều công lao cho đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá…mà tên tuổi còn lưu danh cho đến ngày nay. Con quan mà muốn làm quan, giữ những trọng trách của đất nước thì phải thông minh, học giỏi, thi cử đỗ đạt và yếu tố quan trọng nhất là phải có tài năng thực sự.

Con cháu nhà quan ngày đó đi lên bằng đôi chân thật sự của mình chứ hoàn toàn không có sự “lót đường”, nâng đỡ tiêu cực từ thế lực cha ông. Mà có muốn nâng đỡ cũng không được vì cơ chế kiểm soát rất ngặt nghèo: luật pháp nghiêm khắc, cơ quan giám sát như Ngự sử đài thẳng thừng đàn hặc tội lỗi các quan từ trung ương đến địa phương, các quan chức đối trọng nhau trong triều sẵn sàng tố cáo đối thủ, và trên hết là nhà vua cần người tài giỏi để giúp vua trị nước nên trừng trị rất nặng những vụ việc bổ nhiệm bất chính…Vì vậy, nhà quan chỉ có cách duy nhất nâng đỡ con cháu thành đạt là cố gắng lo đầy đủ cơm áo, sách vở, thầy giáo…để đám trẻ có điều kiện học hành đến nơi đến chốn.

Ở những giai đoạn suy vi trong lịch sử, con cháu quan chức thăng tiến bằng sự “lót đường”, dựa dẫm vào thế lực cha ông thì chỉ là những bọn quan lại dốt nát, ăn tàn phá hại đất nước mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét