Thứ Ba, 18 tháng 1, 2022

Sự phát triển bộ não ở trẻ 5 tuổi

 

SỰ PHÁT TRIỂN BỘ NÃO Ở TRẺ 5 TUỔI

Bài viết giới thiệu khoa học mới khám phá này dành cho các phụ huynh, các cô nuôi dạy trẻ và những ai quan tâm đến những đứa trẻ vượt trội trong tương lai.

.

Hầu hết hệ thống tế bào thần kinh của não (hay còn gọi là các nơ ron thần kinh) trẻ được hình thành trong khoảng vài năm đầu sau khi sinh. Sau đó về cơ bản là sẽ giảm dần cho đến cuối đời.

.

Khi mới ra đời, não trẻ chỉ bằng khoảng một phần tư kích thước của chính nó khi trẻ trưởng thành.

Đến 2 tuổi, kích thước não bộ của bé sẽ bằng khoảng ba phần tư kích thước não người trưởng thành.

Bộ não của trẻ 5 tuổi đã có thể tiệm cận não người lớn về cả kích thước cũng như khối lượng của chúng. Tất nhiên là điều này không đồng nghĩa với việc trẻ 5 tuổi có thể biết hết mọi thứ cũng như hiểu hết mọi điều mà người lớn có thể biết và hiểu. Yếu tố được đề cập ở đây để chỉ ra sự khác nhau này chính là kinh nghiệm sống.

.

Ý nghĩa của sự phát triển này là các cấu trúc của não liên quan đến học tập, trí nhớ, kiểm soát vận động và mọi chức năng khác của não đã được thiết lập ở trẻ khi bé vừa bước qua 5 tuổi. Những kết nối này được gọi là khớp thần kinh và chúng chính là cơ sở của tất cả các chuyển động, suy nghĩ, ý thức, ký ức và cảm xúc mà một người bình thường có thể có.

.

Trong năm đầu tiên của cuộc đời mỗi đứa trẻ, khi các thành phần cảm xúc quan trọng của não bộ đang được hình thành, một môi trường an toàn, ổn định và có thể đoán trước được là điều quan trọng nhất, bao gồm nhiều tác động và nhu cầu được đáp ứng kịp thời.

Chìa khóa cho sự phát triển của não bộ trong 3 năm đầu chính là được trò chuyện thường xuyên, được chơi cùng mọi người xung quanh và có một môi trường sống, sinh hoạt, học tập đa dạng, kích thích não bộ phát triển đi kèm với đó là những khoảng thời gian nghỉ ngơi được cân bằng một cách hợp lý để não có thể tự định hình và tổ chức lại. Những điều tưởng chừng như đơn giản này lại rất quan trọng trong việc tạo tiền đề cho việc học tập cũng như sự phát triển về mặt tư duy của bé sau này.

.

Một điều đáng ngạc nhiên là não của một đứa trẻ 2 tuổi có đến hàng nghìn tỷ kết nối, gấp đôi những gì mà một người trưởng thành có thể có. Bộ não phát triển các kết nối để đáp ứng với tất cả các loại thông tin mà chúng nhận được nhằm xử lý và có thể thích nghi cũng như tồn tại. Theo thời gian, một số kết nối nhất định được sử dụng lặp đi lặp lại trong khi những kết nối khác dần bị quên lãng và không bao giờ được não bộ chú ý tới thêm một lần nào nữa.

Quá trình này diễn ra theo cách hoàn toàn bình thường và được các nhà khoa học gọi là sự “cắt tỉa dây thần kinh”.

Điều này giải thích lý do tại sao một đứa trẻ có thể dễ dàng học chính xác giọng điệu và cách phát âm của một loại ngôn ngữ xác định từ khi còn rất nhỏ. Tuy nhiên, nếu não bộ không được tiếp xúc với loại ngôn ngữ đó thường xuyên, các khớp thần kinh nhất định sẽ không hoạt động và não không còn có thể nghe, hiểu hoặc hình thành phản xạ nhất định với loại ngôn ngữ này một cách dễ dàng nữa.

.

Mặc dù hầu hết sự phát triển của não bộ diễn ra trong khoảng 3 năm đầu sau khi sinh nhưng những năm tiếp theo đó, não bộ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng khả năng hoạt động của các tế bào thần kinh một cách mạnh mẽ. Điều đó kích thích và khiến trẻ, đặc biệt là những trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 6 tuổi học rất nhanh, không chỉ là học những kiến thức cơ bản trong độ tuổi đó mà trẻ còn có thể hiểu về những quy tắc xã hội, tên gọi phức tạp của một số loại động vật hoặc thậm chí là những loại khủng long, cách chơi các môn thể thao và trò chơi, hướng dẫn thực hiện một số công việc, sự sáng tạo....

.

Trong những năm học, não bộ cùng với cơ thể hoạt động một cách nhịp nhàng để tập trung vào sự phát triển của một số loại hình học tập. Chẳng hạn như trong khi các khớp thần kinh liên quan đến ngôn ngữ trong não bộ phát triển chủ yếu trong 3 năm đầu tiên thì việc học nói và hiểu được các ngôn ngữ mới diễn ra liên tục trong suốt những năm trẻ đi học sau đó.

Trẻ từ 5 tuổi là giai đoạn mới bước vào quá trình học tập. Não bộ giai đoạn này đã chuẩn bị đủ nguyên liệu để giúp trẻ có khả năng tiếp thu và học tập một cách tốt nhất.

 

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS Lê Thu Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét