Ngày xưa để học được chữ thánh hiền, cái quan trọng nhất là cần có
chí. Cái chí để đi bắt đom đóm bỏ vào lọ làm đèn mà đọc sách thâu đêm. Trong
công việc học tập bây giờ, trong việc tiếp thu kiến thức khoa học của nhân loại
tưởng như vô hạn, chỉ có chí thôi chắc là không đủ.
Khoa học không bị cái bệnh tự phụ coi những luận điểm của mình đúng
một cách tuyệt đối, đúng một cách phổ quát. Mỗi lý thuyết khoa học được khai
triển bằng tính toán, bằng lập luận từ một số nhỏ khái niệm, một số tiên đề cơ
sở. Mỗi lý thuyết có logic nội tại của nó, nó không tự mâu thuẫn, nhưng những
kết luận mà người ta rút ra từ nó chỉ khớp với thực tế khách quan trong một
phạm vi nào đó. Theo một nghĩa nào đó, mỗi lý thuyết là một trò chơi trí tuệ,
với luật chơi được xác định rõ ràng mà trong đó người chơi có thể triển khai
khả năng tư duy của mình để đi đến những kết quả nhiều khi nằm ngoài sự mong
đợi ban đầu.
.
Rất ít khi người ta chơi trò gì một mình. Để cho cuộc chơi thực sự
cuốn hút, để cho người chơi có thể thực sự triển khai mọi tiềm năng tư duy của
mình để đi đến những kết quả bất ngờ, đi đến sáng tạo, cuộc chơi phải có bạn
chơi và phải có trọng tài. Để minh hoạ quan điểm này, tôi xin đưa ra một gợi ý
nhỏ, nhưng rất nghiêm túc.
.
Nhờ vào internet, hiện tại người ta có thể tìm được miễn phí rất
nhiều tài liệu học tập miễn phí ở trên mạng. Một số trường đại học có tên tuổi
như MIT, Stanford còn tổ chức công bố miễn phí hầu hết các tư liệu học tập.
Thay bằng việc phải bỏ ra 50 ngàn đô-la một năm để đến đó học, mà không phải cứ
có 50 ngàn đô-la là đã được nhận vào học, bạn có thể truy cập miễn phí các tư
liệu học tập, theo dõi các bài giảng video. Vậy có đúng là bạn cứ ngồi ở Hà
nội, hay Sài gòn, là cũng có thể học như sinh viên ở MIT hay ở Stanford hay
không.
.
Tôi nghĩ rằng trừ khi bạn có một ý chí sắt đá, dù có được cung cấp
tất cả mọi tài liệu trên đời, dù dược theo dõi miễn phí các bài giảng, ở nhà
một mình bạn vẫn không thể học được. Bởi vì ngồi theo dõi bài giảng trên mạng
một mình không phải là một cuộc chơi thú vị: không có địch thủ, không có đồng
đội, không có lộ trình, không thấy mục tiêu, không thấy giải thưởng. Đó là
những thứ không liên quan trực tiếp đến nội dung khoa học của bài giảng nhưng
đó là cái mà người đi học cần để phấn đấu liên tục. Học một mình, bạn có thể
tập trung cao độ trong một hai ngày cho đến một tuần. Nhưng bạn cần có tập thể,
có lớp học, có thầy giáo để duy trì nỗ lực học tập.
.
Gợi ý của tôi là tại sao các bạn không tự tổ chức cùng học theo
giáo trình được cung cấp trên mạng. Tại sao không thể dùng trực tiếp bài giảng,
tư liệu học tập cung cấp miễn phí trên mạng trong các lớp học chính khoá. Các
thầy không nhất thiết phải giảng cả buổi nữa, mà có thể cho sinh viên xem bài
giảng trên mạng, có thể làm trước phụ đề tiếng việt, sau đó dành thời gian để
giải thích thêm, trả lời câu hỏi của sinh viên, và hướng dẫn làm bài tập. Và
cuối cùng là tổ chức thi cử nghiêm túc.
.
Tất nhiên gợi ý thì dễ, mà làm thì khó, nhưng tôi không tin là việc
này không thể làm được. Kinh phí để tổ chức lớp học như thế có lẽ là không
nhiều lắm, nếu so sánh với học phí 50 ngàn đô la một năm ở MIT hay Stanford.
Với gợi ý có tính suy tưởng này, tôi hy vọng làm nổi lên được sự
quan trọng của việc tổ chức học tập. Học tập là một hoạt động tập thể và có tổ
chức. Như đã nêu ở trên, thiếu một tập thể có tổ chức, con người nói chung
không có khả năng duy trì nỗ lực của mình trong một thời gian dài. Thiếu tranh
biện con người nhanh chóng lạc vào con đường chủ quan, con đường luôn dẫn đến
cái đích là sự bế tắc. Bản tính con người là hiếu thắng, cái cần thiết để tạo
ra sự sôi động trong tranh luận, những cũng là cái làm hỏng cuộc tranh luận,
biến nó thành chiến trường để người này đè bẹp người kia.
.
Vì vậy trong mọi cuộc chơi tập thể cần có một luật chơi lành mạnh
để cho sự cạnh tranh chỉ tạo ra nỗ lực để mỗi người vượt lên chính mình, chứ
không phải là cái cớ để thỏa mãn bản năng hiếu thắng. Và cuộc chơi cần một
người trọng tài, nắm vững luật lệ và có thẩm quyền điều khiển cuộc chơi. Ngoài
ra, chính những ràng buộc của luật chơi bắt người chơi phải vươn tới sự sáng
tạo thực sự.
.
Trích : Học như thế nào – Ngô Bảo Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét