Thứ Hai, 16 tháng 3, 2020

Sự tương đồng kinh ngạc giữa Phân tâm học Freud và Phật giáo


Những điều Freud phân tích và khám phá vềnphân tâm học gần như trùng khớp với những khái niệm cơ bản nhất của Phật giáo, chỉ có điều tất cả đều được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ khác.



Sigmund Freud (tên đầy đủ là Sigmund Schlomo Freud; 6 tháng 5, 1856 – 23 tháng 9, 1939) nguyên là một bác sĩ về thần kinh và tâm lý người Áo. Ông được công nhận là người đặt nền móng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu về phân tâm học.


Những điều mà khoa học đã tốn rất nhiều công sức mới dần nhận ra cái phần tâm lý bí ẩn mà Freud gọi là vô thức, bản năng, Nhà Phật cũng có khái niệm Vô minh hình thành từ Vô thủy, thường được gọi chung là Vô thủy Vô minh. Thật kỳ lạ, tại sao nhà Phật lại có cái khái niệm và sự diễn đạt chính xác đến vậy về cái tối tăm trong đời sống tinh thần từ thời con người chưa là NGƯỜI. Từ hơn 2000 năm trước Phật Thích Ca và các vị tổ sau này nhìn thấy điều gì trong tâm hồn con người rồi gọi tên nó là “cái hầm sâu vô thủy vô minh”? “Cái hầm sâu này” dường như Freud cũng chỉ mới bắt đầu cảm thấy chứ chưa thực sự hiểu cặn kẽ về nó, thậm chí đã tìm ra phương pháp để “phá tan” cái hầm sâu vô thủy vô minh ấy như Phật và các thiền sư nhà Phật đã làm để có được một cái nụ cười tự nhiên, thanh thản, an lạc như thấm đẫm đến từng tế bào như vậy.

Nhà Phật không ai không biết đến các khái niệm vạn pháp do tâm tạo và tu là chuyển nghiệp. Freud cũng nói đến rất nhiều khái niệm số phận của mỗi người là do chính người đó, qua sự điều khiển của vô thức mà hình thành nên số phận của anh ta. Có người sống với người vợ nào rồi cũng ly dị, chơi với bạn nào rồi cũng bị bạn phản. Freud đã phân tích khá kỹ rằng chính vô thức đã thôi thúc ở bên trong anh ta để cuộc ly dị xảy ra, cuộc phản bội của bạn hình thành thì anh ta mới thỏa mãn mà không hề tự biết điều đó. Thì ra ta đi đâu cũng gặp người khó tính, người ích kỷ, người thủ đoạn là do chính bởi ta tạo nên họ chứ không phải họ có sẵn đó và ta chỉ gặp. Những khái niệm này là vô cùng gần với Phật giáo, số phận của ta là do chính nhân duyên nghiệp chướng ta tạo nên mà thành.

Nhà Phật hay kể một câu chuyện rất hay để minh hoạ là: Có một cô con dâu không chịu nổi bà mẹ chồng khó tính, mới quyết định xin thầy cho loại thuốc nào đó cho bà chết đi. Vị thầy bảo, để cô không phải bị truy tố, ông sẽ cho một loại thuốc uống hằng ngày mà bà mẹ chồng sẽ chết sau một năm không để lại một dấu vết nào, chỉ với một điều kiện, đừng làm cho bà giận, bà chỉ cần giận một lần thôi là thuốc sẽ không hiệu quả. Cô con dâu từ đó cho bà uống thuốc và cố không làm bà giận, mà khi con người ta không giận thì chỉ có vui trở lên. Sau một năm cô con dâu đến gặp thầy và khóc xin sao cho mẹ chồng đừng chết nữa, vì cô đã rất yêu mến mẹ chồng và bà mẹ chồng cũng rất yêu mến cô. Vị thầy cười bảo, thuốc đó là củ sâm, chỉ có tốt chứ không độc, và báo cho cô biết mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi chính cô thay đổi cách sống, thay đổi thái độ của cô với bà mẹ chồng.

Tu là chuyển nghiệp, tức sửa chữa mình thì sẽ thay đổi số phận. Đi đến cùng của khái niệm này ta sẽ thấy quả thật là “Vạn pháp do tâm tạo”. Thế giới này xét cho cùng là thế giới ở trong ta, thế giới ta nhận thức. Thế giới được ta quan sát là quan trọng hơn rất nhiều cái thế giới thực mà con người khó có thể nắm bắt. Cái tâm ta đối diện với mặt trăng quan trọng hơn rất nhiều bản thân cái mặt trăng khô khốc bụi đất, hoặc mặt trăng có chị Hằng chú Cuội ở trên. Thượng Đế có thật hay không không quan trọng bằng thái độ của chúng ta khi đối diện với một Thượng Đế thật hoặc không có một Thượng Đế nào cả.

Có nghĩa là, với Phật giáo, thì cái tâm của mình là một thế giới cần được khám phá hơn bất cứ điều gì khác. Các tầng mức giác ngộ, các tầng thánh quả, chính là các tầng mức hiểu biết về cái tâm của mình.
Và Freud cũng vậy, cả sự nghiệp của ông là sự nghiệp khám phá những góc khuất sâu kín, tối tăm thậm chí bỉ ổi, thối tha nhất mà không ai dám thừa nhận trong tâm hồn con người. Kéo con người đừng nhìn ra ngoài nữa mà hãy nhìn vào cái động lực, trên đó từng mỗi hành vi hình thành là mục đích của cả Freud và Phật giáo. Quán nhân duyên, biết mỗi sự việc xảy ra (quả) là từ cái nguyên nhân (nhân) nào đưa đến là trí tuệ cao nhất mà mỗi Phật tử đều mưu cầu.



Chỉ với những cái nhìn ban đầu, chỉ với những bước đi đầu tiên nhằm tìm thấy những góc khuất trong đời sống tinh thần con người chúng ta đã thấy với công cụ “Phân tâm học” do Freud lập nên, có lẽ sẽ là điều kiện tốt nhất để mỗi Phật tử, và để mỗi người có thể nhận ra những động cơ sâu kín nhất trong mình, vẫn thường thôi thúc mình hành động thế này chứ không phải thế khác, tạo nên “quả” này chứ không phải “quả” khác. Ảnh minh họa


Làm chủ sanh tử há không phải là làm chủ bản năng đấy sao? Các tổ Thiền tông cũng thường bảo, phá tan được cái hầm sâu vô thủy vô minh ấy thì kiến tánh thành Phật! Có một điều cần chú ý là, nhà Phật hay nói lìa tri kiến, sở tri chướng, tức những hiểu biết, kiến thức, nhận thức luôn là những trở ngại trên con đường đạt đến sự giác ngộ. Chỗ này thì Lão Tử và Đạo Đức Kinh lại có một tương đồng khác nữa. Nếu hiểu bản năng chính là Vô minh thì ta sẽ hiểu một tầng nghĩa khác của nó, đó chính là sự hiểu biết không bao giờ, và sẽ không bao giờ, chế ngự được bản năng. Chỉ có sự không biết, thiền định ở mức độ “vô nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý” (không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý-Bát Nhã Tâm Kinh); hoặc “tâm như tường bích” (tường đá) (Bồ Đề Đạt Ma); hoặc Vô Sở trụ (kinh Kim Cang); tức ở cái chỗ mà tâm con người ta không đứng, không dựa trên bất cứ điều gì cả, tức chỗ không biết cái gì cả, không ý thức cái gì cả, thì hầm sâu vô minh sẽ bị phá, đó là lúc mà Bản Năng sẽ không còn “quấy rầy” con người nữa, con người thực sự mất đi phần CON để trở thành một NGƯỜI đúng nghĩa.

Đó là nói phần khác nhau trong giải quyết vấn đề, giữa Freud và Phật giáo, sau khi nhìn thấy sự tác động mạnh mẽ của bản năng đến đời sống tinh thần của con người. Freud thì lôi nó ra đặt nó trên mặt bàn của ý thức, và ông đã chữa được nhiều bệnh tâm thần cho con người. Phật giáo thì không vậy, thật ra lôi tất cả ra dưới ánh sáng của ý thức cũng là đường lối của nhiều tông phái Phật giáo, tuy nhiên, cái mục đích cuối cùng của Phật giáo thì phải phá tan cái hầm sâu “Vô thủy vô minh” ấy. Làm sao phá, đó là một chuyện vô cùng lớn và không thể bàn trong một bài báo.


Ở đây, chỉ với những cái nhìn ban đầu, chỉ với những bước đi đầu tiên nhằm tìm thấy những góc khuất trong đời sống tinh thần con người chúng ta đã thấy với công cụ “Phân tâm học” do Freud lập nên, có lẽ sẽ là điều kiện tốt nhất để mỗi Phật tử, và để mỗi người có thể nhận ra những động cơ sâu kín nhất trong mình, vẫn thường thôi thúc mình hành động thế này chứ không phải thế khác, tạo nên “quả” này chứ không phải “quả” khác. Để rồi từ đó hình thành nên một con người thực sự thông tuệ, không còn bị những bản năng tăm tối hoặc vô thức vớ vẩn nào đó điều khiển nữa. Đó há không phải là mục đích cao nhất mà nhân loại vẫn mưu cầu từ hàng chục ngàn năm qua đấy sao?

ST


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét