Lão Tử và Khổng Tử, hai bậc Thánh nhân trong lịch sử đã có
lần tương ngộ. Và cuộc đàm đạo của các ngài đã để lại giai thoại ngàn
năm. Sau khi bái kiến Lão Tử trở về, Khổng Tử trầm mặc suốt 3 ngày không
nói.
Một ngày vào năm 538 TCN, Lão Tử thấy Khổng Tử xa xôi ngàn dặm
đến, vô cùng vui mừng
Lão Tử hỏi Khổng Tử: “Ông đã đắc Đạo rồi chứ?”
Khổng Tử nói: “Học trò cầu Đạo đã 27 năm, vẫn chưa đắc được”.
Lão Tử nói: “Nếu Đạo là vật hữu hình, có thể lấy đem dâng cho
người, thế thì mọi người tranh nhau lấy dâng cho quân vương. Nếu Đạo có thể
tặng cho người, mọi người sẽ đem tặng cho người thân. Nếu Đạo có thể thuyết
giảng rõ ràng, mọi người đều sẽ thuyết giảng cho anh em. Nếu Đạo có thể truyền
cho người khác, thế thì mọi người đều sẽ tranh nhau truyền lại cho con cái.
Nhưng những điều nói trên đều không thể được, nguyên nhân rất đơn giản, đó
là khi cái tâm con người không nhận thức đúng đắn về Đạo, thì Đạo sẽ
không bao giờ vào đến tâm người ấy”.
Khổng Tử nói: “Học trò nghiên cứu “Kinh thi”, “Kinh thư”,
“Chu lễ”, “Chu nhạc”, “Kinh dịch” và “Kinh Xuân Thu”, thuyết giảng đạo trị quốc
từ thời Tam Hoàng, hiểu rõ con đường công danh của Chu Công, Triệu Công, học
trò đem dâng cho hơn 70 vị vua, nhưng không ai sử dụng. Xem ra con người khó
thuyết phục quá!”.
Lão Tử nói: “Lục nghệ của ông đều là lịch sử cũ xưa của
các đời vua xưa, ông thuyết giảng những cái đó có tác dụng gì? Những thứ ông
đang tu luyện, đều là những tích xưa cũ. “Tích” chính là dấu tích vết giày
người ta để lại, dấu chân với dấu chân, thì có gì khác nhau?”.
Khổng Tử lưu tại đây vài ngày rồi từ biệt Lão Tử.
Lão Tử tiễn đưa ông ra ngoài công quán rồi nói:
“Tôi nghe nói, kẻ phú quý tặng người của cải, kẻ nhân nghĩa
tặng người lời nói. Tôi không phú cũng chẳng quý, không có của cải tặng ông,
muốn tặng ông vài lời. Thời nay, kẻ thông minh mà sâu sắc, sở dĩ gặp nạn, thậm
chí dẫn đến cái chết, là do hay chê cái sai của người; kẻ giỏi hùng biện lại
thông hiểu sự việc, sở dĩ gặp họa liên miên, là do hay vạch ra cái xấu của
người. Là bậc làm con, đừng cho mình là cao; là bậc bề tôi, đừng cho mình là
hơn. Mong ông nhớ kỹ”.
Khổng Tử bái lạy nói: “Học trò nhất định ghi nhớ trong
lòng!”.
Khi Khổng Tử đến bờ sông Hoàng Hà, thấy nước sông cuồn cuộn, sóng
cuộn đục ngầu, khí thế như vạn ngựa đang phi, âm thanh như hổ gầm sấm động.
Khổng Tử đứng trên bờ rất lâu, bất giác nói thương cảm: “Cái đã
qua là như thế này đây, ngày đêm không ngừng! Nước sông Hoàng Hà cuộn chảy
không ngừng, tháng năm của con người qua đi chẳng dừng, nước sông chẳng biết
chảy đi đâu, đời người chẳng biết đi về đâu?”.
Nghe thấy Khổng Tử nói mấy câu này, Lão Tử nói: “Con người sống
ở giữa trời đất, nên cùng với trời đất là một thể. Trời đất vạn vật là tự nhiên
vậy. Con người cũng là thuận theo tự nhiên. Người có thay đổi từ trẻ em, thiếu
niên, tráng niên, và già, cũng giống như trời đất có xuân, hạ, thu, đông đổi
thay, có gì buồn đâu? Sinh ra trong tự nhiên, chết trong tự nhiên, cứ để nó tự
nhiên, thì bản tính không loạn. Không để nó theo tự nhiên, tất bật trong nhân
nghĩa, thì bản tính bị trói buộc. Công danh còn trong tâm, thì cái tình lo nghĩ
nảy sinh. Lợi dục giữ trong tâm, thì cái tình phiền não càng tăng thêm”.
Khổng Tử từ chỗ Lão Tử trở về, suốt
3 ngày im lặng không nói năng gì. Học trò Tử Cống lấy làm lạ bèn hỏi thầy làm
sao. Khổng Tử lúc này mới đáp:
Ta đã gặp
Lão Tử, thấy cảnh giới tư tưởng ông như rồng ngao du trong thái hư huyền ảo,
khiến ta cứ há miệng mãi mà không nói ra lời, lưỡi thè ra cũng không thu lại
được, khiến cho ta tâm thần bất định, chẳng biết ông rốt cuộc là người hay là
Thần nữa. Lão Đam, thực sự là Thầy của ta!”.
Và hàng ngàn năm sau, những tư tưởng
sâu xa, thâm thúy của Lão Tử cho đến ngày nay vẫn là những lời dạy vô giá đối
với hậu nhân.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét