Tư tưởng của Lão Tử được biểu lộ qua cuốn Đạo Đức Kinh, vỏn vẹn
chỉ có năm ngàn chữ, thế mà đã gây ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội Trung Hoa.
Những trước tác chuyên giải nghĩa cho Đạo Đức Kinh, đến nay đã có trên 600
cuốn. Ở nước ngoài, chỉ riêng bản dịch Đạo Đức Kinh bằng tiếng Anh cũng đã
nhiều đến 44 bản.
Lão Tử dùng Đạo để giải thích về nguyên lý của vũ
trụ rằng: "Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật".
Nghĩa là đầu tiên do Đạo hóa ra "Nhất" (Một), rồi "Nhị"
(Hai), "Tam" (Ba). Xưa nay có nhiều ý kiến khác nhau. Thậm chí có người
cho rằng, "Nhất, Nhị, Tam" đó, gần như đồng nghĩa với quy luật
"Chánh, phản, hợp" trong Biện chứng pháp của Hégel (1770 - 1831), bởi
chương 40 của Đạo Đức kinh viết rằng:
"Thiên hạ vạn vật sinh ư hữu (có), hữu
sinh ư vô (không)". Vậy Nhất là Không, Nhị là Có, Tam là tổng hợp lại có với
không, để nói lên quá trình sinh thành của vũ trụ. Đó là vũ trụ quan của Lão Tử,
tuy quá đơn giản, nhưng rất khách quan và "vô hình", gần gũi với tinh
thần khoa học, trái với vũ trụ quan "hữu hình", mà đời sau được đa số
người Trung Quốc chấp nhận,
Nội dung tư tưởng của Lão Tử
1/- Chống xã hội đương thời. Lão Tử luôn luôn giữ thái độ đả
kích tập tục và chế độ xã hội đương thời, đó là thời đại hiếu chiến, nước nào
cũng lo tăng cường binh bị thì Lão Tử bảo rằng: “Giai binh giả bất tường chi
khí”. (Quân lực mạnh, là thứ chẳng lành), và rằng: "Dĩ Đạo tá nhân chủ
giả, bất dĩ binh cưỡng thiên hạ". (Kẻ biết dùng Đạo mà phò chúa, thì chẳng
lấy chiến tranh làm phương tiện, để cưỡng bức thiên hạ). Đó là lý tưởng chính
trị trong thuyết "Vô vi" của Lão Tử.
2/- Phản kinh nghiệm, phản ta thức. Lão Tử viết: "Tuyệt học
vô tư . (Có bỏ học mới hết ưu phiền); "Vi học nhật ích, vi Đạo nhật
tổn". (Càng có học cho lắm, càng có hại cho việc tu Đạo); Hiểu biết nhiều
chừng nào, thì càng thúc đẩy lòng ham muốn, đòi hỏi của người ta, đồng thời
cũng dễ làm cho người ta nảy sinh cảm giác bất mãn với hiện tại,
3/- Chất phác quy chân. Đây là đời sống lý tưởng của Lão Tử và
tất cả những ai, là người tu Đạo chân chính. Bối cảnh dựng lên lý tưởng này có
hai mặt: Về mặt chính trị, là thái độ ghét bỏ hành động bạo lực và đời sống xa
xỉ, tâm tư dối trá của tầng lớp quyền thế trong xã hội đương thời; về mặt cá
nhân đã gọi là "Ẩn quân tử", thì chất phác quy chân (Đời sống đơn
giản bình dị, trở về với chân thật, với thiên nhiên), mới thật là đúng với cảnh
sống mà Lão Tử hằng mơ ước.
4/- Công thành phất cư. Đây là nguyên tắc ở đời mà Lão Tử đem ra
dạy đời. Đời bao giờ cũng khuyến khích người ta, gắng sức làm để được hưởng
thành quả tốt đẹp, do công lao của mình tạo nên. Nhưng Lão Tử cho rằng, mọi
thành quả đó, rất có thể đưa lại tai họa cho con người. Lão Tử bảo:
"Sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, trường nhi bất tể, thi
vi nguyên đức". (Sống mà không giữ của, làm mà chẳng ỷ công, dù lớn cũng
không đứng làm chủ tể, đó mới là cái đức nguyên vẹn)
"Công toại thân thoái, thiên chi đạo". (Khi đã đạt tới
thành quả rồi thì rút lui ngay, là đúng với lẽ trời) và "Vi giả bại chi,
chấp giả thất chi". (Kẻ ham làm sẽ gặp thất bại, kẻ ôm giữ sẽ bị mất mát).
Vê điểm này Phạm Lãi làm được, ăn Chủng làm không được. Cả hai đều là công thần
của Việt Vương Câu Tiễn, lịch sử đã chứng minh ai họa ai phước.
5/- Họa phước vô môn. Tránh họa cầu phước, là lẽ thường tình của
con người, nhưng Lão Tử cho rằng, cái lẽ đó không chắc chắn. Bởi trong quá
trình đời người, đâu là họa đâu là phước, thật khó nói lắm. Lão Tử bảo rằng,
họa ư, lắm khi phước nhờ đó mà có; phước ư, biết đâu đó là căn nguyên của họa.
6/- Dĩ nhu khắc cương. Lão Tử cho rằng "Nhu nhược thắng
cương cường", và giải thích: "Thiên hạ mạc nhu nhược ư thủy, nhi công
kiên cường giả mạc chi năng thắng". (Dưới bầu trời này, còn thứ gì yếu mềm
hơn nước, thế mà kẻ mạnh phá được thành trì kiên cố, cũng chẳng thể thắng nổi
nước). Thuyết "Nhu khắc cương", hẳn là một trong những đặc điểm của
triết lý Lão Tử.
Người theo Đạo học thích sống vào nơi thâm sơn cùng cốc, tĩnh
tịch, xa lánh bụi trần tự tay kiếm ăn, tự mình chữa bệnh, người đời gọi đó là
"Tu Tiên", mang sắc thái huyền bí như một tôn giáo, cho nên thường
gọi là "Đạo giáo".
Lão Tử chủ trương "Tiểu quốc quả dân" (Nước nhỏ dân
ít). Người cho rằng, với nước nhỏ dân thưa, thì ít có tranh chấp và dễ trị. Nhà
nước chẳng phải nhọc lòng làm gì mà dân vẫn tự sống an lành. Lý luận đó của Lão
Tử, lúc bấy giờ chẳng ai nghe theo, cả Khổng Tử cũng chẳng tin. Nào ngờ thế
giới ngày nay lại có lối tư duy mới, chẳng hẹn mà gặp nhau với Lão Tử. Sau thời
kỳ "Chiến tranh lạnh", có nhiều xứ khác nhau về dân tộc, tôn giáo
trong cùng một quốc gia, đang đua nhau đứng lên tranh đấu, giành quyền độc lập
tự chủ, như các nước cộng hòa trong Liên bang Sô viết, liên bang Nam Tư và khối
dân miền bắc Iraq, ấn Độ hiện nay, cũng như Mông Cổ, Tây Tạng của Trung Quốc từ
trước. Trực diện với vấn đề này, quốc tế tuy chẳng tiện can dự trực tiếp, nhưng
cũng không phản đối, thậm chí còn khuyến khích một cách gián tiếp nữa là khác.
Đó là giá trị về chính trị.
Tuy nhiên, thuyết "vô vi" của Lão Tử dễ bị người ta
mượn cớ trốn tránh trách nhiệm, nhất là những người công chức ăn lương nhà
nước, lại có tâm lý tiêu cực, họ bảo nhau: "Ít làm ít lỗi, chẳng làm thì
không có lỗi".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét