HOÀN CẢNH VÀ THỜI ĐẠI
Trong thời đại chúng ta, chúng ta nói rất nhiều tới hoàn cảnh, tới sinh môi. Chúng ta biết rằng sinh môi và hoàn cảnh có ảnh hưởng trực tiếp tới hạnh phúc của thân và tâm chúng ta.
Người kiến trúc sư vẽ ra một kiểu nhà phải có những kiến thức về khoa học, phải biết về những nhu yếu của cơ thể, của tâm hồn con người để có thể tạo ra môt ngôi nhà trong đó con người cảm thấy thoải mái.
Có khi chúng ta bước vào một căn nhà mà thấy ngộp thở, chúng ta thấy những khối bê tông rất nặng, chúng ta cảm thấy tù túng và chúng ta nghĩ rằng nếu phải sống trong ngôi nhà đó, chúng ta sẽ không có hạnh phúc.
Người kiến trúc sư phải thấu rõ nhu yếu của sinh lý, tâm lý, nhu yếu của kinh kế và xã hội của con người để có thể làm ra một ngôi nhà trong đó người cư trú cảm thấy thoải mái và an lạc.
Kiến trúc sư phải là một người chuyên môn thiết kế hoàn cảnh.
Chúng ta biết rằng mỗi thành phố lớn có một công viên, ít nhất phải có một công viên, như New York City có Central Park.
Nếu là một nhà thiết kế đô thị, chắc chắn ta phải để một công viên trong thành phố, tại vì nếu không có công viên, dân trong thành phố đó sẽ chết bí, không những đứng về phương diện cơ thể mà còn đứng về phương diện tâm hồn nữa.
Có những lúc không đi vào công viên được, chúng ta thấy ngộp thở muốn chết. Cho nên những nhà thiết kế đô thị cũng phải biết về khoa học sinh lý, khoa học tâm lý, về những nhu yếu tinh thần và thể chất của con người.
Trong đời sống hiện đại, ít người trong chúng ta thấy được những nhu yếu đích thực* trong chúng ta tại vì chúng ta chỉ sống bởi sự ham muốn. Chúng ta ham muốn cái này, chúng ta ham muốn cái kia, mà những đối tượng của sự ham muốn đó không phải là nhu yếu đích thực.
Một kiến trúc sư mới có thể nghĩ ra chuyện để làm thỏa mãn những ham muốn, tức là những nhu yếu không đích thực của chúng ta. Ví dụ khi chủ nhà về, ông ta chỉ cần nói với cánh cửa rằng:
“Ta đây, ta là chủ nhà này đây” thì cánh cửa tự động mở ra, còn nếu một người khác nói thì vì giọng nói đó không phải là giọng nói của ông chủ nên cánh cửa sẽ không bao giờ mở.
Khỏi cần lấy chìa khóa ra, khỏi cần lắp vô và khỏi cần mở. Bây giờ nền kiến trúc mới đang đi về hướng đó. Chúng ta không cần giặt áo quần nữa vì đã có máy giặt. Cà-phê, chúng ta cũng không cần làm nữa, chỉ cần thiết kế cho đúng giờ thì có cà-phê uống. Đó là nhu yếu của thời đại.
Ngày xưa có những người ra bờ sông để giặt lụa như nàng Tây Thi. Thiếu nữ giặt áo ở bờ sông là một hình ảnh rất đẹp. Các cô có thể đùa giỡn với nhau, khoát nước vào nhau…, những cái đó bây giờ ta không thấy nữa, vì nhà nào bây giờ cũng có máy giặt và máy sấy.
Chúng ta đi tìm cái gọi là tiện nghi nhưng nhiều khi chúng ta đi quá xa. Có những cậu bé ăn thịt bò mà chưa bao giờ thấy con bò.
Có những cô bé ăn cá mà chưa bao giờ thấy cá, nghĩ rằng cá là một cái gì hình vuông vì con cá bán ở siêu thị hình vuông.
Sự kiện những chai sữa tìm tới nhà mình mỗi sáng không còn là một cái gì làm cho cậu bé ngạc nhiên nữa. Cậu nghĩ rằng chuyện sữa xuất hiện mỗi bữa sáng trước cửa nhà mình là một chuyện dĩ nhiên trên đời.
Trong khi đó thì những nhu yếu đích thực của chúng ta thì chúng ta không có để mà thỏa mãn.
Hoàn cảnh ở đây cũng vậy, hoàn cảnh đẹp hay không đẹp, thuận lợi hay không thuận lợi, thích hợp hay không thích hợp cho ta, một phần lớn là do cách thức ta tiếp nhận.
Nếu có tri giác sâu sắc và cởi mở hơn, ta sẽ khám phá ra rằng trong môi trường đó ta có thể thỏa mãn những nhu yếu đích thực của thân tâm ta, và tự nhiên ta cảm thấy hạnh phúc và an toàn trong cái hoàn cảnh đó, và ta quyết định cùng nhau xây dựng cho cái hoàn cảnh đó càng ngày càng đẹp để nuôi dưỡng ta, và tư tưởng rời bỏ chốn này đi tìm chốn khác sẽ không bao giờ nẩy sinh nữa.
* Nhu cầu của thân và tâm
Trích bài viết Y báo và Chánh báo Làng Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét