Thứ Ba, 21 tháng 3, 2023

Cơ chế tự vệ của tâm lý: THĂNG HOA (Sublimation)


CƠ CHẾ TỰ VỆ CỦA TÂM LÝ: THĂNG HOA (sublimation)

Hãy cứ thử nghĩ xem điều gì xảy ra nếu bạn bị nhấn chìm trong cơn tức giận. Bùng nổ cảm xúc cũng là một cách đối phó trong tình huống này, nhưng kiểu bộc lộ cảm xúc này có thể gây hại.

Bạn sẽ gặp rắc rối trong các mối quan hệ và mang tiếng là nóng nảy bộp chộp, chẳng hạn.

Thay vì đột nhiên nổi đóa, sẽ ra sao nếu bạn hướng cảm xúc giận dữ này vào một số hoạt động thể chất như lau dọn nhà cửa? Bạn có thể dành vài tiếng vừa bực dọc vừa lau chùi nhà bếp và nhà tắm.

Một khi những cảm xúc bực bội trong người dần chìm xuống, một kết cục quá tuyệt đang chờ bạn – ngôi nhà trở nên sạch bóng. Đây là một ví dụ thể hiện quá trình thăng hoa chuyển đổi những thôi thúc tiêu cực thành những hành vi ít hủy hoại hơn, thậm chí là hành vi vô cùng có ích.

Thuyết phân tâm học của Sigmund Freud: Thăng hoa là một cách để bản ngã giảm bớt lo âu gây ra bởi những cảm xúc và thôi thúc không thể chấp nhận.

Thăng hoa vận hành bằng cách hướng những thôi thúc tiêu cực và không thể chấp nhận thành những hành vi tích cực và được xã hội chấp nhận.

Freud cho rằng thăng hoa là một dấu hiệu của sự trưởng thành, cho phép con người ta hành xử một cách văn minh, được đông đảo mọi người chấp nhận. Quá trình này có thể khiến con người ta theo đuổi những hoạt động có lợi với sức khỏe hơn hoặc thực hiện những hành vi tích cực, lành mạnh và sáng tạo.

Tham gia thể thao và các cuộc thi thể dục có thể là ví dụ về thăng hoa trong đời sống thực. Thay vì hành xử theo những thôi thúc không thể chấp nhận như đánh người, con người ta có thể chơi các môn thể thao đối kháng để thống trị hoặc chiến thắng. Điều này cũng đúng với các hoạt động thể dục nói chung.

Thử tưởng tượng bạn đang cãi nhau với nhà hàng xóm kế bên. Cảm xúc giận dữ trong bạn có thể tạo ra ham muốn đấm thẳng vào mặt tay hàng xóm này. Vì những hành động này là không đúng nên bạn có thể đối phó với cảm xúc tức tối này bằng cách chạy bộ.

Vậy quá trình thăng hoa đóng vai trò gì trong đời sống? Như Freud có nói, thăng hoa thường được xem là một cách đối phó lành mạnh và trưởng thành với những thôi thúc bị coi là không mong muốn hoặc không chấp nhận được.

Thay vì hành xử không ra gì khiến bản thân hoặc người khác bị tổn hại, thì thăng hoa giúp chúng ta hướng năng lượng vào những thứ có ích. Cơ chế tự vệ này có thể thực sự mang đến lợi ích tích cực lên sức khỏe thể chất và tinh thần.

Tóm lại: Thăng hoa có thể ảnh hưởng mạnh mẽ lên hành vi, mặc dù nhiều khi ta không nhận thức nó một cách rõ ràng.

Thậm chí ngay cả khi cơ chế tự vệ này hoạt động trong tiềm thức thì bạn vẫn được nó kích thích làm những điều tích cực bằng cách cố tìm cách thay thế những hành vi xấu bằng những hành vi có ích và lành mạnh hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét