THƯỚC ĐO NHÂN TÂM VÀ LÒNG LƯƠNG THIỆN
Người xưa nói “cách cho hơn của đem cho” là vậy. Tấm lòng chân thành thể hiện ở mọi hành động dù là nhỏ nhất chứ không phải ở giá trị của món quà. Nhưng nói đi cũng phải suy lại, thực ra dù khéo léo che giấu đến mấy, tới lúc không ngờ nhất, người ta cũng sẽ thể hiện một cách trọn vẹn bản chất của mình mà thôi.
.
Cùng là 2 người điềm đạm, không vội mắng chửi khi xe khác đâm vào mình. Nhưng một người ngay lập tức nhìn xem xe mình có sao không và một người ngay lập tức hỏi người kia có sao không. Đó là hai cảnh giới khác nhau.
Cùng là 2 người phanh gấp xe vì có em bé đang hưng phấn lao ra từ ngõ. Một người sau đó nhanh chóng tăng ga đi tiếp, một người đứng lại hồi lâu như chờ đợi điều gì. Đó cũng là một sự khác biệt lớn. Bởi người đứng chờ ấy đủ tinh tế để hiểu rằng: em bé vui đến vậy thì chắc chắn là đang nô đùa với em bé khác, có thể sẽ còn có trẻ em lao ra từ trong ngõ.
Cùng là 2 người điềm tĩnh, không quở trách khi biết có em nhỏ đang bẻ trộm quả trong vườn nhà mình. Một người đi vào ngay và giữ vẻ mặt tươi cười. Một người đứng đợi, chỉ sợ làm em nhỏ kia giật mình ngã xuống đất. Đó cũng là hai tầng thứ tâm tính cách xa nhau vậy.
Thước đo nhân tâm và lòng lương thiện của bạn tới đâu đều thể hiện ra ở những điều tinh tế, nhỏ bé nhất. Thước đo đó càng cao, thì nghĩa là chủ nhân của nó ắt phải biết nghĩ tới người trước khi nghĩ tới mình. Người xưa cũng luôn dạy rằng: “Điều mình không muốn thì chớ làm cho người khác”. Nghĩ cho người khác trước, đó mới thực sự là hành động của người quân tử vậy!
Sự thiện lương là có tiêu chuẩn, hoàn toàn không phải là khái niệm mơ hồ. Thiện lương cũng không phải là chuyện còn tuỳ thuộc hoàn cảnh như con người hiện đại vẫn hay quan niệm. Bởi vì thiện lương là vô điều kiện, là xuất phát từ tận đáy lòng. Tình yêu vĩ đại, vị tha thì không bao giờ đòi hỏi phải có điều kiện cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét