Thứ Hai, 18 tháng 10, 2021

Hé lộ cách xử lý bệnh tim mạch theo hướng mới

 

HÉ LỘ CÁCH XỬ LÝ BỆNH TIM MẠCH THEO HƯỚNG MỚI

Thời đại ngày nay yếu tố tâm lý xã hội sẽ phải là trọng tâm hàng đầu trong cách chúng ta nghĩ về bệnh lý tim mạch.

Không có bộ phận nào khác, có lẽ là không có thứ gì khác trong đời sống con người, mang nhiều ý nghĩa và ẩn dụ như trái tim con người. Trong suốt bề dày lịch sử, trái tim đã trở thành biểu tượng của đời sống tình cảm của chúng ta. Nó được nhiều người xem như nơi trú ngụ của tâm hồn, kho lưu trữ của cảm xúc. Chính từ cảm xúc, "emotion", bắt nguồn một phần từ động từ tiếng Pháp "émouvoir", nghĩa là "khuấy động". Và có lẽ, chỉ hợp lý khi cảm xúc phải gắn liền với một cơ quan có kiểu chuyển động khuấy động đặc trưng. 

Nhưng mối liên hệ này là gì? Nó có thật hay chỉ đơn thuần ẩn dụ? Là chuyên gia tim mạch, hôm nay tôi ở đây để nói với các bạn rằng mối liên hệ này là có thật. Các bạn sẽ biết là cảm xúc có thể và có ảnh hưởng vật lý trực tiếp đến trái tim con người. 

Nhưng trước khi vào đề, hãy nói một chút về trái tim ẩn dụ. Tính tượng trưng của trái tim cảm xúc vẫn tồn tại đến ngày nay. Nếu chúng ta hỏi mọi người rằng hình ảnh nào có liên hệ đến tình yêu nhất, chắc chắn hình trái tim Valentine sẽ là câu trả lời đứng đầu danh sách. Hình trái tim, gọi là đường hình tim, rất phổ biến trong tự nhiên. 

Được thấy trong các loại lá, hoa và hạt của nhiều loài cây. bao gồm cả cây silphium, từng được dùng để ngừa thai vào thời Trung Cổ và có lẽ đó là lý do hình trái tim có liên hệ tới tình dục và tình yêu lãng mạn. 

Bất kể vì lý do gì, trái tim đã bắt đầu xuất hiện trong tranh vẽ về tình yêu ở thế kỷ 13. Qua thời gian, hình trái tim dần trở thành màu đỏ, màu của máu, một biểu tưởng của đam mê. Trong Giáo hội Công giáo La Mã, trái tim dần trở thành Trái tim Thánh Chúa Giêsu. Được bọc trong vòng gai và vầng hào quang lấp lánh, trái tim đó trở thành biểu tượng của tình yêu chúa. Mối liên hệ giữa tình yêu và trái tim vẫn đứng vững cho tới ngày nay. Khi Barney Clark, một nha sĩ đã về hưu bị suy tim giai đoạn cuối, nhận trái tim nhân tạo vĩnh viễn đầu tiên ở bang Utah năm 1982, người vợ 39 năm của ông nghe nói đã hỏi bác sỹ là: "Ông ấy sẽ vẫn yêu tôi chứ?" 

Ngày nay chúng ta biết là trái tim không phải nguồn gốc của tình yêu hay các cảm xúc khác, về bản chất; cổ nhân đã hiểu lầm. Tuy nhiên, ngày càng ngày, chúng ta dần hiểu được mối liên hệ giữa trái tim và các cảm xúc là rất mật thiết. Trái tim có thể không phải là nguồn gốc các cảm xúc. nhưng nó phản ứng rất mạnh với chúng. Ở mặt nào đó, đời sống tình cảm của chúng ta được lưu lại trong tim. Ví dụ, nỗi sợ và đau buồn có thể gây tổn thương lớn cho tim. Các dây thần kinh kiểm soát hoạt động vô thức như nhịp tim có thể cảm nhận căng thẳng  và kích hoạt phản ứng chiến-hay-chạy khó thích nghi, nó làm cho mạch máu thắt lại, tim đập nhanh và tăng huyết áp, dẫn đến thương tổn. Nói cách khác, càng lúc ta càng thấy rõ rằng tim chúng ta cực kỳ nhạy cảm với hệ cảm xúc của mình. với trái tim ẩn dụ, nói cách khác. 

Có một loại bệnh tim lần đầu được phát hiện cách đây hai thập kỷ có tên "bệnh cơ tim takotsubo" hay "hội chứng vỡ tim"; tim suy nghiêm trọng khi phản ứng với căng thẳng hoặc đau buồn tột độ như khi chia tay người yêu hoặc có người thân bị chết. Như trong những ảnh này, quả tim đau buồn ở giữa nhìn rất khác so với trái tim bình thường bên trái. Nó có vẻ bị đơ và thường phồng lên thành hình đặc trưng của một cái bình takotsubo, hình nằm bên phải, một loại bình Nhật có đáy rộng và cổ hẹp. Chúng ta không biết chính xác tại sao lại như vậy, và hội chứng này sẽ hết sau vài tuần. Tuy nhiên, ở giai đoạn trầm trọng, nó có thể gây suy tim, rối loạn nhịp tim nguy hiểm tính mạng, thậm chí tử vong. 

Ví dụ, bà lão bệnh nhân của tôi có ông chồng vừa mới mất. Bà ấy buồn, đương nhiên, nhưng chấp nhận. Thậm chí có thể thấy đôi chút nhẹ nhõm. Ông ấy đã mắc bệnh rất lâu; ông bị suy giảm trí nhớ. Nhưng một tuần sau đám tang, bà ấy ngắm di ảnh ông và bắt đầu đẫm lệ. Rồi bà bắt đầu tức ngực, kèm theo đó là khó thở, sưng tĩnh mạch cổ, đổ mồ hôi trán, thở dốc dù đang ngồi trên ghế -- toàn là dấu hiệu của suy tim. Bà được nhập viện, kết quả siêu âm khẳng định điều chúng tôi nghi ngờ: tim của bà đã yếu đi một nửa so với khả năng bình thường và nó đã phình lên thành hình takotsubo đặc trưng. Nhưng các xét nghiệm khác đều ổn, không hề thấy dấu hiệu của tắc động mạch ở đâu hết. Hai tuần sau, trạng thái cảm xúc của bà trở lại bình thường và kết quả siêu âm khẳng định, tim bà cũng thế. 

Bệnh cơ tim Takotsubo có liên quan đến nhiều tình huống gây căng thẳng: như việc nói trước đám đông, mâu thuẫn gia đình, thua bài bạc, thậm chí cả tiệc sinh nhật bất ngờ. 

Nó thậm chí còn liên quan đến những biến động xã hội diện rộng như sau các thảm họa tự nhiên. Ví dụ, năm 2004, một trận động đất lớn đã tàn phá một quận thuộc hòn đảo lớn nhất Nhật Bản. Hơn 60 người chết, hàng ngàn người bị thương. Ngay sau thảm họa này, các nhà nghiên cứu thấy rằng số trường hợp mắc bệnh cơ tim takotsubo tăng gấp 24 lần trong quận chỉ sau một tháng trận động đất, so với cùng kỳ năm trước. Nơi ở của những bệnh nhân này có liên quan mật thiết với cường độ chấn động. Đa phần trường hợp, bệnh nhân sống gần tâm chấn. 

Hay nữa là, bệnh cơ tim takotsubo cũng xảy ra sau các sự kiện vui, nhưng tim có vẻ phản ứng theo cách khác, chẳng hạn, nó phình lên ở giữa chứ không phải ở đỉnh. Lý do vì sao kết tủa cảm xúc khác nhau sẽ làm tim thay đổi khác nhau vẫn còn là bí ẩn. Nhưng ngày nay, có lẽ là lời ngợi ca các triết gia cổ đại, chúng ta có thể nói rằng ngay cả khi cảm xúc không được chứa trong tim, nhưng phần tình cảm của tim lại lấn át phần sinh học của nó, một cách không ngờ và bí ẩn. 

Các hội chứng tim mạch, kể cả đột tử, từ lâu đã thấy xuất hiện ở người trải qua những nhiễu loạn cảm xúc dữ dội hoặc xáo trộn mạnh trong tim ẩn dụ. Năm 1942, nhà sinh lý học Harvard, Walter Cannon, đã có bài viết tựa là "'Voodoo' Death," trong đó ông mô tả các trường hợp tử vong do sợ hãi ở những người tin rằng họ bị nguyền rủa, chẳng hạn bị thầy phù thủy nguyền hoặc do ăn phải trái cây cấm kỵ. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân trở nên vô vọng và chết ngay tại chỗ. Những trường hợp này có một điểm chung là nạn nhân đều tin tuyệt đối rằng có một ngoại lực nào đó có thể lấy mạng họ và khiến họ bất lực không thể chống cự. Việc mất kiểm soát nhận thức này, theo Cannon, gây ra một phản ứng sinh lý học không thuyên giảm, các mạch máu sẽ thắt lại đến mức độ mà thể tích máu giảm mạnh, huyết áp hạ đột ngột, tim cực kỳ yếu, và các cơ quan bị tổn thương lớn do thiếu ô-xy cung cấp. 

Cannon tin rằng các trường hợp tử vong Voodoo chỉ giới hạn ở dân bản địa hoặc người "nguyên thủy". Nhưng qua nhiều năm, người ta thấy kiểu tử vong này cũng xảy ra ở đủ mọi loại người thời hiện đại. Ngày nay, chết do đau buồn được thấy ở những bạn đời hay anh chị em ruột. "Trái tim tan vỡ" hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng đều nguy hiểm. 

Những mối liên hệ này cũng đúng ngay với động vật. Trong một nghiên cứu thú vị năm 1980 được công bố trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu đã cho thỏ nuôi nhốt ăn chế độ cholesterol cao để nghiên cứu ảnh hưởng của nó đối với bệnh tim mạch. Ngạc nhiên là, họ thấy rằng một số con thỏ phát triển bệnh nhiều hơn những con khác, nhưng họ không biết tại sao. Các con thỏ đều có chế độ ăn, môi trường sống và cấu trúc gen giống nhau. Họ nghĩ rằng nó có thể liên quan đến tần suất tương tác của các kỹ thuật viên với lũ thỏ. Nên họ làm lại nghiên cứu, chia lũ thỏ thành hai nhóm. Cả hai nhóm đều được ăn chế độ cholesterol cao. Nhưng ở nhóm một, thỏ được thả ra khỏi chuồng, được ôm ấp, vuốt ve, trò chuyện, được chơi cùng, còn ở nhóm kia, thỏ vẫn bị nhốt trong chuồng và để một mình. Sau một năm, khi giải phẫu xác, các nhà nghiên cứu thấy rằng thỏ ở trong nhóm một, nhóm được tương tác với con người, mắc bệnh động mạch chủ ít hơn 60% so với thỏ trong nhóm hai, mặc dù có cùng mức cholesterol, huyết áp và nhịp tim. 

Ngày nay, chăm sóc tim mạch ít thuộc phạm vi của các triết gia, những người chỉ dừng lại ở nghĩa bóng của trái tim; mà thuộc nhiều hơn phạm vi của các bác sĩ như tôi, sử dụng những công nghệ mà thậm chí một thế kỷ  trước, khi văn hóa con người còn xem trái tim là cao quý, bị cho là cấm kỵ. Trong quá trình đó, trái tim đã thay đổi từ một thứ gần như siêu nhiên mang đầy ẩn dụ và ý nghĩa thành một cỗ máy có thể thao túng và điều khiển được. Nhưng đây là điểm mấu chốt: giờ chúng ta đã hiểu, những thao túng này, phải được bồi dưỡng bằng việc quan tâm đến đời sống tình cảm vốn được tin tồn tại trong tim trong hàng ngàn năm. 

Ví dụ, xem xét Thử nghiệm Tim mạch Lối sống, đã được công bố trên tạp chí Anh "The Lancet" năm 1990. 48 bệnh nhân mắc bệnh mạch vành vừa hoặc nặng được chỉ định ngẫu nhiên để chăm sóc thường hay lối sống chuyên sâu bao gồm chế độ ăn chay ít béo, tập thể dục nhịp điệu chừng mực, hỗ trợ tâm lý xã hội theo nhóm, và tư vấn kiểm soát căng thẳng. Các nhà nghiên cứu thấy rằng các bệnh nhân có lối sống đã giảm gần 5% mảng bám mạch vành. Ngược lại, bệnh nhân điều trị thường có mảng bám mạch vành nhiều hơn 5% sau một năm và thêm 28 % sau 5 năm. Họ cũng có gần gấp đôi tỷ lệ các biến cố tim, như đau tim, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành và tử vong liên quan đến tim. 

Có một sự thật rất thú vị: vài bệnh nhân nhóm thường đã áp dụng kế hoạch tập thể dục và ăn kiêng gần như khắt khe giống các bệnh nhân trong nhóm lối sống chuyên sâu. Bệnh tim của họ vẫn phát triển. Ăn kiêng và tập luyện chưa đủ để giúp làm giảm bệnh mạch vành. Theo dõi sau một năm và cả sau 5 năm, kiểm soát căng thẳng có tương quan mạnh hơn với việc đảo ngược bệnh mạch vành hơn việc tập thể dục. 

Rõ ràng, nghiên cứu này và những cái tương tự đều nhỏ, và dĩ nhiên, tương quan không chứng minh được quan hệ nhân quả. Chỉ có thể chắc chắn rằng căng thẳng dẫn đến những thói quen không lành mạnh, và đó là nguyên nhân thực sự cho nguy cơ mắc bệnh tim ngày càng tăng. Nhưng cũng như sự liên quan của hút thuốc và ung thư phổi, tuy rất nhiều nghiên cứu chỉ ra cùng một điều, và tuy có các cơ chế để giải thích mối quan hệ nhân quả, nhưng có vẻ bất thường nếu phủ nhận rằng có một thứ chắc chắn tồn tại. Điều mà nhiều bác sỹ đã kết luận cũng là điều mà tôi rút ra được trong gần hai thập kỷ làm chuyên gia tim mạch: phần cảm xúc của tim tương giao với phần sinh học của nó theo cách ngạc nhiên và đầy bí ẩn. 

Chưa hết, y học ngày nay vẫn tiếp tục khái niệm trái tim là một cái máy. Khái niệm này có những cái lợi lớn. Tim mạch, lĩnh vực của tôi, chắc chắn là một trong những câu chuyện khoa học thành công lớn nhất trong 100 năm qua. Stent mạch vành, máy tạo nhịp tim, phẫu thuật bắc cầu mạch vành, ghép tim -- tất cả những thứ này được phát triển hoặc phát minh sau Thế chiến II. 

Tuy nhiên, rất có thể rằng chúng ta đang tiến đến giới hạn của những gì y học có thể làm để chống lại bệnh tim. Thật vậy, tốc độ giảm tỷ lệ tử vong do tim mạch đã chậm lại đáng kể trong thập kỷ qua. Chúng ta cần chuyển sang một mô thức mới để tiếp tục tạo ra kiểu tiến bộ mà chúng ta đã quen thuộc. Ở mô thức này, yếu tố tâm lý xã hội sẽ phải là trọng tâm hàng đầu trong cách chúng ta nghĩ về bệnh lý tim mạch. 

Đây sẽ là một cuộc chiến cam go, và vẫn là một lĩnh vực phần lớn chưa được khám phá. Hiệp hội Tim mạch Hoa kỳ vẫn chưa liệt kê căng thẳng cảm xúc là yếu tố nguy cơ khả biến cho các bệnh về tim, có lẽ một phần vì giảm cholesterol trong máu dễ hơn nhiều so với giảm xáo trộn cảm xúc và xã hội. 

Có lẽ, sẽ có giải pháp tốt hơn, nếu chúng ta nhận ra rằng khi chúng ta nói "trái tim tan vỡ", là thực ra đôi khi chúng ta đang nói đến trái tim tan vỡ thật. Chúng ta phải để ý nhiều hơn tới sức mạnh và tầm quan trọng của các cảm xúc trong việc chăm sóc tim của mình. 

Tôi rút ra được rằng, căng thẳng cảm xúc, thường là vấn đề sinh tử. 

Bài nói của nhà tim mạch Sandeep Jauhar.

 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét