BIẾT THÌ NÓI LÀ BIẾT,
KHÔNG BIẾT THÌ NÓI LÀ KHÔNG BIẾT
Khổng Tử nói: “Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, ấy là biết vậy”.
Nhưng làm sao ta có thể biết ta không biết điều gì?
.
Thường thì ta biết ta biết điều gì—ví dụ nếu ta đã học nhạc 3 năm thì ta biết ta biết nhạc với kiến thức của người đã học nhạc 3 năm.
Nhưng nếu có một hành tinh như trái đất và một loại sinh linh gần giống người trên hành tinh đó, cách ta mấy trăm triệu năm ánh sáng. Chẳng ai biết sự hiệu hữu của hành tinh đó cả, thì làm sao ta biết là ta không biết đến hành tinh đó?
Nàng ngồi đợi cơm 3 tiếng đồng hồ, và chàng về nhà là nằm vật ngay xuống giường nằm ngủ, và nàng nói “em đợi cơm từ 8 giờ tối”. Nếu đó là một người đàn ông vô cảm, làm sao anh ta biết được là anh ta vô cảm, chẳng biết gì về tình cảm phụ nữ cả.
.
Bạn không biết điều bạn không biết. You don’t know what you don’t know.
Chính vì vậy mà chúng ta thường thấy có rất nhiều người, kể cả chúng ta, có thể nói tràng giang đại hải với người khác về một vấn đề mà ta chẳng biết gì cả, vì ta không biết là ta không biết.
Cho nên chúng ta phải rất rất rất nhạy cảm về điều ta không biết.
.
Nếu người nào đó có kinh nghiệm về việc gì đó—như là một đầu bếp nói về cho gia vị vào thức ăn—và ta không rành việc bếp núc, thì nên nhận ra ngay là ta không biết gì về việc cho gia vị này, và ta đang ngồi trước thầy, và hãy học cho kỹ.
.
Nếu ta nói về một việc gì, và người nghe nhẹ nhàng bổ sung hay chỉnh sửa lời ta một chút, dù là rất nhẹ nhàng như gió thoảng (vì người ta lịch sự), thì ta nên nhạy cảm là ta có thể đang nói điều ta không biết.
.
Muốn nhạy cảm như thế, ta phải là người rất khiêm tốn, rất sẵn sàng học hỏi, và luôn luôn nhận bất cứ ai biết nhiều hơn mình trong một lĩnh vực là thầy của mình trong lĩnh vực đó.
Đó chính là không biết thì nói là không biết.
.
Không khó để thực tập. Chỉ cần khiêm tốn, hiếu học và nhạy cảm.
Chúc các bạn một ngày rất biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét