Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

Nghĩ về cái chết thực ra rất tốt

 

NGHĨ VỀ CÁI CHẾT THỰC RA RẤT TỐT

 

Nhiều nhà tư tưởng vĩ đại tin rằng, nhận thức được cái chết sẽ giúp chúng ta sống một đời tốt hơn. Khoa học cũng đồng tình với quan điểm này, như trang Science Daily kết luận sau nhiều nghiên cứu: "Nghĩ về cái chết thực ra rất tốt.

Nó giúp ta cải thiện sức khỏe thể chất và hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra."

 

Hãy nghĩ xem, nếu không có cái gọi là "deadline", bạn sẽ hoàn thành được bao nhiêu công việc? Cái chết cũng vậy, nó là lời nhắc nhở rằng chúng ta không thể trì hoãn mãi mãi. Nó giúp chúng ta tập trung sống một cuộc đời có ích.

 

Nếu lờ cái chết đi, chúng ta sẽ không bao giờ biết cái gì là quan trọng. Cái gì là ưu tiên. Cái gì là tầm nhìn dài hạn. Cái gì là có ý nghĩa.

Chúng ta sẽ không còn coi trọng người thân, bạn bè và niềm vui trong cuộc sống.

 

Nếu cuộc đời không có điểm dừng, chúng ta sẽ không biết quý trọng những tháng ngày tồn tại mà lãng phí nó. Điều đó còn đáng sợ hơn cả cái chết.

 

Karl Pillemer tại ĐH Cornell từng thực hiện khảo sát 1200 người từ 70 tuổi trở lên về bài học cuộc sống quan trọng nhất mà ai cũng cần biết.

Gần như họ đều cho rằng: "Cuộc sống thực sự rất ngắn ngủi." Họ muốn gửi gắm thông điệp này đến thế hệ trẻ, không phải để sợ hãi mà để trân trọng thời gian và biết làm nhiều điều khôn ngoan hơn.

 

Càng trưởng thành, chúng ta sẽ càng cảm nhận được sự hữu hạn của thời gian.

Vậy chúng ta nên làm gì đây?

 

Hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng. Bạn không cần tưởng tượng mình bị ung thư giai đoạn cuối - hãy nghĩ rằng bạn đang sắp sửa đi tới một nơi thật xa và rời bỏ công việc, gia đình, bạn bè, cuộc sống mà bạn đang có.

 

Khi biết điều gì đang chờ đợi phía trước, bạn sẽ biết trân quý mọi thứ hơn.

 

Tôn trọng là một loại tu dưỡng

 

TÔN TRỌNG LÀ MỘT LOẠI TU DƯỠNG

 

Người thông minh, ưu tú thì đối với bất kể ai cũng sẽ tôn trọng.

Tôn trọng cấp dưới chính là một loại mỹ đức, tôn trọng khách hàng chính là một loại ý thức, tôn trọng đối thủ là một loại độ lượng, tôn trọng tất cả mọi người là một loại giáo dưỡng.

 

Ngày nọ, một ông lão ăn mày quần áo rách tả tơi, đầu tóc bù xù, trên người bốc ra một mùi hôi khó chịu đứng trước một cửa tiệm bánh ngọt náo nhiệt.

Những vị khách mua hàng đứng bên cạnh đều bịt mũi, nhíu mày, tỏ rõ thái độ ghét bỏ và khó chịu với ông ấy.

 

Nhân viên bán hàng quát to: “Đi ngay! Đi ngay đi!”

Người ăn mày lập cập lấy ra mấy đồng tiền lẻ bẩn thỉu và nói: “Tôi đến mua bánh ngọt! Loại nào là nhỏ nhất?”.

Ông lão chủ tiệm bánh ngọt đi đến, niềm nở lấy ra một chiếc bánh ngọt nhỏ và đẹp đẽ từ trong tủ kính đưa cho người ăn mày, rồi cúi người thật sâu xuống, nói: “Cảm ơn quý khách đã mua hàng! Hoan nghênh lần sau lại tới!”.

Người ăn mày vẻ mặt thất kinh rời khỏi cửa tiệm, dường như anh ta chưa từng được đối xử tôn trọng đến như vậy ở trong đời…

 

Cháu trai người chủ tiệm bánh thấy lạ liền hỏi: “Ông nội! Sao ông lại niềm nở với người ăn mày bẩn thỉu đó như vậy ạ?”.

 

Chủ tiệm bánh giải thích: “Mặc dù đó là một người ăn mày nhưng cũng là khách hàng. Ông ấy vì để ăn được bánh ngọt của chúng ta đã không tiếc tiêu những đồng tiền khó khăn lắm mới kiếm được.

Thực sự là rất khó có được! Nếu ông không tự tay phục vụ ông ấy thì sao có thể xứng đáng với phần ưu ái của ông ấy giành cho chúng ta đây?”.

 

Cháu trai lại hỏi: “Đã vậy thì sao ông lại còn thu tiền của ông ấy ạ?”.

Người chủ tiệm bánh nói: “Ông ấy hôm nay đến đây là khách chứ không phải là đến ăn xin đâu cháu ạ! Đương nhiên, chúng ta phải tôn trọng ông ấy chứ! Nếu như ông không thu tiền của ông ấy, thì chẳng phải đã xử nhục ông ấy rồi sao?

 

Cậu bé nghe xong có phần hiểu nên gật gật đầu.

Ông chủ tiệm bánh này chính là ông nội của nhà kinh doanh, tỷ phú Nhật Bản – Yoshiaki Tsutsumi.

 

Tỷ phú Tsutsumi từng nói: “Năm đó, mỗi cử động của ông nội đối với người ăn mày đó đều khắc sâu vào trong tâm trí của tôi”. Về sau, Tsutsumi đã kể lại rất nhiều lần câu chuyện này cho nhân viên của mình nghe để họ học tập cách tôn trọng khách hàng.

 

Có thể nói, “tôn trọng” người khác cũng không phải là sự lễ phép xã giao mà nó đến từ sự hiểu, thông cảm và kính trọng người khác được ẩn sâu ở trong tâm hồn mỗi người.

Tôn trọng ấy không có hàm chứa bất cứ sắc thái lợi ích nào, cũng không bị ảnh hưởng bởi thân phận hay địa vị, đó mới là nét đẹp thuần túy nhất, chất phác nhất và cũng là sự báo đáp đáng giá nhất.

 

Có câu nói: “Lòng rộng một thước, con đường sẽ rộng một trượng”, hãy mở rộng tấm lòng đối xử tốt với người khác! Bất luận đó là người bạn yêu mến hay chán ghét, bất luận là bạn bè hay kẻ thù, đều phải tôn trọng họ. Đây chính là một loại dũng khí, cũng là một loại trí tuệ.

Theo phunugiadinh

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

'Đủ duyên ta lại tương phùng' - tìm bình yên trong tâm hồn

 

'ĐỦ DUYÊN TA LẠI TƯƠNG PHÙNG' - TÌM BÌNH YÊN TRONG TÂM HỒN

Trong Sát-na này là thiên thu, tác giả phân tích thuật ngữ Sát-na (Kṣaṇa) theo triết lý nhà Phật - đơn vị phân chia thời gian rất nhỏ, chỉ 0,013 giây. Mỗi sát-na trôi qua có muôn vàn sinh diệt, biến chuyển.

Điều này đồng nghĩa không gì tồn tại mãi mãi và chúng ta chỉ có thời khắc hiện tại để sống trọn vẹn trong chánh niệm, tỉnh giác.

Ông Thích Đồng Tâm cho rằng rất nhiều người không hiểu thực tế trên, họ mải miết tìm về quá khứ hoặc trông ngóng tương lai, rồi tự khiến bản thân đau khổ vì dục vọng. Tác giả lý giải chỉ cần bớt chút mong cầu, đời sẽ nhẹ tênh, hạn chế hờn ghen, đường đời rộng mở.

Nhìn đời bằng ánh mắt yêu thương, chánh niệm, nhận thức trong mỗi sát-na ngắn ngủi đều tồn tại sinh diệt. Do đó, quá khứ và tương lai không quan trọng bằng mỗi phút giây hiện hữu. Hiện tại là nhất thời nhưng cũng có thể là thiên thu, nếu ta sống trọn từng khoảnh khắc.

Với Đủ duyên ta lại tương phùng, Thích Đồng Tâm gợi ý độc giả cách chiêm nghiệm mọi khía cạnh cuộc sống trên nền tảng chữ "duyên" - vốn là giáo lý nhà Phật.

Trong tương giao của muôn vật, muôn người đều tồn tại chữ duyên, nếu không đủ trong sáng và từ bi, người đời dễ vướng mắc, khổ lụy.

"Yêu trong lời nói, thương trong lặng thinh. Nói càng nhiều, tình thương yêu càng trở nên nông cạn và hời hợt. Ngồi yên và lắng nghe để cảm nhận tình yêu chân thật là gì".

Trong Phật ngữ, tịch tịnh là sự an lành, tĩnh tại, vắng lặng, thoát khỏi trói buộc bởi vô minh và phiền não. Đó cũng là cảnh giới niết bàn và sự giải thoát cao nhất của Phật giáo - xa lìa khổ đau, yên lặng thường trụ, không sinh không diệt.

"Đức Phật chỉ ra nguồn hạnh phúc vô biên chẳng ở đâu xa, chẳng cần vất vả kiếm tìm, nó có sẵn trong mỗi người và chỉ cần quay về ta sẽ thấy ngay".

Bị ai đó phụ bạc cũng không sao, nhưng bạn không nên phụ bạc chính mình. "Đừng phụ bạc hiện tại bởi từng giây phút dù đẹp đẽ hay khổ đau cũng là thực tại nhiệm màu mình đang sống".

Vỹ Cầm