Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2023

Giới tỷ phú “đổ tiền” vào các phương pháp chống lão hóa

GIỚI TỶ PHÚ “ĐỔ TIỀN” VÀO CÁC PHƯƠNG PHÁP CHỐNG LÃO HÓA

Tuổi tác càng cao, khát khao trẻ mãi không già càng trở nên mãnh liệt. Nhiều người thuộc giới siêu giàu không ngần ngại “vung tiền” để theo đuổi giấc mộng này...

Hồi cuối tháng 9/2022, một hội nghị các nhà đầu tư về chủ đề “trường sinh bất lão” đã diễn ra trong bầu không khí sôi động tại thị trấn nghỉ mát Gstaad trên dãy núi Alpes của Thụy Sĩ.

 

Thành phần khách mời gồm ba nhóm: các nhà đầu tư siêu giàu (67%), các lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao (19%) và các nhà khoa học nghiên cứu về công nghệ sinh học (14%). Dù là khách mời, mỗi người trong số họ phải nộp 4.500 USD mới có thể tham dự.

Tại hội nghị, các nhà khoa học đã giới thiệu nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau nhằm mục đích kéo dài số năm con người có thể sống trong tình trạng sức khỏe tốt.

 

Theo tờ Business Insider, thậm chí ngày càng nhiều doanh nhân công nghệ muốn sử dụng tài sản của họ cho các mục đích chống lão hóa.

Bên cạnh việc dùng thực phẩm bổ sung, tuân thủ việc tập thể dục nghiêm ngặt, họ còn đầu tư hàng triệu USD vào những công ty sinh học, dự án nghiên cứu công nghệ chống lão hóa, trẻ hóa, giúp kéo dài tuổi thọ…

 

Các nhà khoa học đã giới thiệu nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau nhằm mục đích kéo dài số năm con người có thể sống trong tình trạng sức khỏe tốt.

 

Tỷ phú Christian Angermayer (44 tuổi) nói rằng những người siêu giàu cuối cùng cũng đạt đến điểm mà việc có nhiều tiền hơn cũng không cải thiện được cuộc sống là mấy. "Nếu mua du thuyền, bạn luôn có thể mua một cái lớn hơn. Nếu bạn mua máy bay, bạn cũng có thể mua một chiếc to hơn. Nhưng cũng chỉ đến thế mà thôi". Tỷ phú giải thích chính sự thiếu thỏa mãn này đã dẫn đến khoản đầu tư 4,4 tỷ USD trong 5 năm qua của giới tỷ phú vào công cuộc chống lão hóa, kéo dài cuộc sống.

 

Jeff Bezos đã rót tiền vào Altos Labs, công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học tập trung vào "lập trình trẻ hóa tế bào để khôi phục sức khỏe, với mục tiêu đẩy lùi bệnh tật, kéo dài tuổi thọ".

Khoản đầu tư khổng lồ của người sáng lập Amazon đã khiến Altos trở thành công ty công nghệ sinh học bắt đầu hoạt động với số vốn lớn nhất, theo Financial Times. Được giám sát bởi các nhóm gồm những người nổi tiếng trong lĩnh vực, từng đạt giải Nobel, Altos mở hai phòng thí nghiệm ở California (Mỹ), một phòng thí nghiệm ở Cambridge (Anh) và hợp tác với các nhà khoa học của Nhật Bản.

 

Liệu pháp thở oxy cao áp (HBOT) cũng thường được giới nhà giàu áp dụng để chống lão hóa. Để xác minh tác dụng chống lão hóa của buồng oxy cao áp, Đại học Tel Aviv từng mời 35 người trên 64 tuổi, sức khỏe ổn định tham gia thí nghiệm.

Họ được thở oxy tinh khiết 90 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần. 

 

Kết quả sau 3 tháng, lượng tế bào lão hóa trong cơ thể giảm 37%, độ dài telomere tăng 20% - tương đương với việc trẻ ra 25 tuổi. Mặc dù liệu pháp HBOT chưa có nghiên cứu sâu song giới thượng lưu châu Âu, Mỹ rất hưởng ứng. Justin Bierber từng chi hàng chục triệu đô để trang bị buồng oxy cao áp trong nhà làm chỗ nghỉ ngơi.

Cầu thủ bóng rổ LeBron James cũng sử dụng nó để tăng tốc độ phục hồi cơ thể.

 

Mới đây, các nhà khoa học Harvard tuyên bố họ đang tiến gần hơn đến nguồn thuốc “trường sinh” có thể giúp con người đảo ngược quá trình lão hóa.

Tiến sĩ Sinclair đã chia sẻ phát hiện này, cùng với tuyên bố các thử nghiệm trên người có thể bắt đầu trong năm tới. "Trước đây chúng tôi đã chứng minh rằng có thể đảo ngược tuổi tác bằng cách sử dụng liệu pháp gene để kích hoạt các gene của phôi thai.

 

Bây giờ chúng tôi cho thấy điều đó là có thể thực hiện với các loại cocktail hóa học, một bước hướng tới trẻ hóa toàn bộ cơ thể với giá cả phải chăng", Sinclair đăng trên Twitter. Ngay sau đó, ông Elon Musk tỏ ra lạc quan rằng nếu có đủ tiền, chỉ vài năm nữa thôi, sẽ có kết quả nghiên cứu khoa học khả thi về kéo dài tuổi thọ con người. 

 

Thì ra tình yêu là định mệnh!

THÌ RA TÌNH YÊU LÀ ĐỊNH MỆNH!

Đá hỏi: “Rốt cuộc tôi nên tìm một người tôi yêu hay người yêu tôi làm vợ?”

Phật cười rồi nói: “Câu trả lời thực ra ở ngay trong lòng cậu. Mấy năm gần đây người có thể khiến cậu vì tình yêu mà chết đi sống lại có thể khiến cậu cảm thấy cuộc sống này đầy màu sắc, đầy ý nghĩa; có thể khiến cậu luôn hướng về phía trước là người cậu yêu hay là người yêu cậu?”

Đá cũng cười: “Nhưng bạn bè đều khuyên tôi nên tìm người con gái yêu tôi làm vợ.”

Phật nói: “Nếu thực sự như vậy thì cuộc sống của cậu từ đó trở đi nhất định sẽ rất tầm thường. Cậu vẫn luôn không ngừng hoàn thiện bản thân trong quá trình theo đuổi tình yêu, bây giờ cậu không theo đuổi người mà mình yêu thì bước đi tự hoàn thiện mình cũng sẽ dừng lại.”

Đá vội cướp lời của Phật: “Thế nếu tôi theo đuổi được người mà tôi yêu thì sao? Có phải sẽ…..”

Phật nói: “Vì cô ấy là người cậu yêu nhất, có thể khiến cho cô ấy sống hạnh phúc và vui vẻ cũng chính là hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời, cho nên cậu sẽ vì hạnh phúc và vui vẻ của cô ấy mà không ngừng nỗ lực.

Hạnh phúc và niềm vui là không có giới hạn, cho nên sự nỗ lực của ngươi cũng không có giới hạn, tuyệt đối không dừng lại.”

Đá hỏi: “Tại sao trước kia khi tôi yêu một người con gái thì trong mắt tôi cô ấy là người đẹp nhất, vậy mà bây giờ tôi vẫn yêu cô gái đó, nhưng lại thường xuyên phát hiện thấy những cô gái khác đẹp hơn?”

Phật hỏi: “Cậu dám khẳng định rằng cậu thực sự yêu cô ấy như thế không, có dám khẳng định rằng trên đời này cậu là người yêu cô ấy sâu nặng nhất không?”

Đá nói không chút do dự: “ Điều đó là đương nhiên!”

Phật nói: “Chúc mừng. Tình yêu mà cậu dành cho cô ấy là tình yêu trưởng thành, lý trí, chân thành mà sâu sắc.”

Đá tỏ ra ngạc nhiên: “Hả!”

Phật lại nói tiếp: “Cô ấy không phải là người đẹp nhất thế gian này, thậm chí khi cậu yêu cô ấy cũng đã biết rõ sự thật này nhưng cậu vẫn yêu cô ấy như thế, vì cậu yêu cô ấy không phải chỉ vì vẻ đẹp thanh xuân bên ngoài. Phải biết rằng tuổi xuân thấm thoát trôi qua, hồng nhan cũng sẽ già đi.

Nhưng tình yêu cậu dành cho cô ấy đã vượt qua những thứ bề ngoài đó, cũng vượt qua cả năm tháng. Cái mà cậu yêu chính là cả con người cô ấy, chủ yếu là tấm lòng có một không hai của cô ấy.”

Đá liền nói: “Đúng. Tôi quả thực rất yêu vẻ đẹp lương thiện và trong sáng của cô ấy, thương mến tính trẻ con của cô ấy.”

Phật cười: “Bất cứ thử thách nào của thời gian đối với tình yêu của cậu cũng không đáng là gì.”

Đá hỏi: “Tại sao sau này khi ở bên nhau, hai người không còn có tình cảm mãnh liệt như trước kia nữa, phần nhiều chỉ là sự nương tựa lẫn nhau.”

Phật nói: “Đó là vì trong lòng cậu tình yêu đã thay đổi một cách vô tri vô giác biến thành tình thân….”

Đá sờ lên đầu: “Tình thân?”

Phật nói tiếp: “Khi tình yêu đến một trình độ nhất định thì sẽ chuyến thành tình thân một cách vô tri vô giác.

Câu sẽ dần dần coi cô ấy như một phần sinh mệnh của cậu. Như vậy cậu sẽ có thêm được lòng khoan dung và cảm thông, cũng chỉ có tình thân mới là thứ được ông trời sắp đặt sẵn khi cậu vừa mới ra đời cho nên việc sau này cậu làm chỉ có thể là thích ứng với tình thân của cậu thôi.

Bất kể xuất thân của cậu cao quý ra sao, cậu đều phải chấp nhận họ, đồng thời có trách nhiệm và đối xử tốt với họ.”

Đá nghĩ một lát rồi gật đầu nói: “Tình thân đích thực là như vậy.”

Phật cười: “Tình yêu bắt đầu vì yêu thích nhau, vì động lòng mà yêu nhau, vì không thể xa nhau mà kết hôn. Nhưng một điểm quan trọng hơn là cần phải khoan dung, cảm thông, quen và thích ứng mới có thể tay nắm tay nhau đi suốt cuộc đời.”

Đá lặng im: “Hóa ra tình yêu là định mệnh.”

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

Tấm lòng của ‘bà giáo dở hơi’

 

TẤM LÒNG CỦA ‘BÀ GIÁO DỞ HƠI’

Chở che những “thiên thần” đặc biệt

Chúng tôi đến thăm bà Ở ngõ Khâm Đức, nằm trong phố chợ Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội vào một buổi chiều khi những người phụ nữ của gia đình bận rộn với công việc bếp núc.

Riêng ngôi nhà nhỏ của bà giáo Đào Ngọc Huấn, bếp vẫn chưa đỏ lửa, bà đang bận dạy một bé trai tự kỷ. Bé trai vừa viết chữ “O”, vừa nói liên hồi những từ không rõ nghĩa. Bà cũng không thể dứt việc “kèm em” để tiếp khách, vì bé gọi bà liên tục: Mẹ, mẹ…

 

Đây là một bé trai bị tự kỷ bà dành nhiều tâm huyết. Tầm 4 giờ chiều, dù đang bận vẽ tranh hay bất cứ công việc gì, bà Huấn cũng bỏ đó, tất tả đi đón cậu bé tại ngôi trường cậu đang theo học, rồi đưa về nhà mình dạy dỗ.

Có những khi vừa ra khỏi cổng trường, cậu bé đã vứt ba lô và giày ngay xuống đất, rồi chạy đi ầm ầm, khiến bà giáo xấp xỉ 70 tuổi vai đeo ba lô, tay xách giày phải đuổi theo cậu bé trên đường phố. Song chẳng khó khăn nào khiến bà bỏ cuộc.

 

Tò mò hỏi về thù lao nhận được qua công việc này, bà cười: “Tôi không mở lớp, không kinh doanh. Chỉ nhận vài cháu chăm sóc tình nguyện, phụ huynh thương bà lão già, có gửi cho tôi tiền xăng xe đưa đón các cháu, tiền đi xe ôm… Vậy thôi”.

Phụ huynh đưa 500 ngàn đồng/tháng là nhiều. Cũng có phụ huynh khó khăn hơn, không đưa đồng nào, bà cũng chẳng đòi hỏi.

 

Chúng tôi hỏi bà đã kinh qua trường lớp chuyên đào tạo giáo viên dạy trẻ em đặc biệt chưa? Bà thú nhận: Không được học trường lớp nào, chủ yếu bà thu lượm kiến thức qua sách vở và trải nghiệm tiếp xúc với những “thiên thần” đặc biệt.

 

Dang tay với trò lầm đường, lạc lối

Bà Đào Ngọc Huấn nguyên là giáo viên cấp 1: “Tôi từng dạy ở trường Phú Diễn, rồi trường Cầu Diễn, sau lại ra trường Nguyễn Khả Trạc, ở Đồng Xa, Mai Dịch, lại về Cầu Diễn, rồi nghỉ hưu luôn”.

Hơn 20 năm dạy học ở các ngôi trường ngoại thành Hà Nội, bà đã dìu dắt bao thế hệ học sinh. Có những học trò của bà lớn lên thành người lương thiện, gặt hái thành công trong cuộc sống, song cũng có những học trò đi vào ngõ tối khiến bà đau lòng. Mới có chuyện, cô giáo giúp học trò cũ cai nghiện.

 

Con giai tôi bảo, mẹ già rồi, mẹ khổ quá rồi, mẹ nghỉ ngơi một chút đi”. Nhưng nào có được nghỉ ngơi, ngay sau đó bà lại bận bịu với các em nhỏ tự kỷ.

Song không phải lúc nào sự ứng xử tử tế cũng nhận được trái ngọt. Cách đây vài năm, cũng chính tại con ngõ Khâm Đức, nơi bà đang sống, lòng tốt của bà đã bị người ta sỉ nhục: “Có một cháu trai ngoài hai mươi tuổi bị đuổi ra khỏi nhà.

Tôi thương cháu nên cho cháu ở nhờ nhà tôi. Bà của cháu, vốn chơi khá thân với tôi trước đó, đã sang mắng tôi thậm tệ, đau nhất là bà ấy chửi tôi “thèm giai” nên mới chứa chấp. Tôi chỉ biết ôm mặt khóc thầm”.

 

Mẹ của những bé thơ không nhà

Nổi tiếng với tấm lòng Bồ Tát nên bà Đào Ngọc Huấn không ít lần bị người nọ, người kia gây phiền: “Hồi đó, tôi đang sống ở Mai Dịch. Một người phụ nữ trẻ đến bảo: Nghe nói cô giáo rất yêu thương trẻ thơ. Em bận quá lại phải đi việc rất cần, em gửi cháu một lát, quần áo cháu đây. Thế là tôi đồng ý.

 

Nào ngờ họ đi một mạch, không quay lại. 3 mẹ con tôi nuôi bé. Có một lần mẹ của bé về thăm, vào lúc tôi vừa mua cho con gái ruột cái xe đạp mới, mẹ bé mượn đi, lần này bặt tăm cả người lẫn xe đạp”.

Em bé bị người mẹ vô tâm bỏ rơi ấy được bà đặt cho cái tên kiêu sa: Hoàng Yến. “Hoàng” là họ của cha bé, bà đã vô tình biết được khi chuyện trò cùng mẹ của bé.

 

Nuôi Hoàng Yến từ khi đỏ hỏn đến khi bé đã biết làm vài việc cỏn con, con ruột của bà Huấn nhắc: “Mẹ ơi, em sắp đến tuổi đi học rồi đấy. Mẹ xem làm giấy khai sinh cho em, để em được đi học”.

Nghe con nhắc, bà dắt xe đạp bắt đầu hành trình tìm kiếm cha em bé. Nghe láng máng mẹ bé kể, cha bé tên Hoàng Tùng, làm nghề lái xe, ở Ngõ Thổ Quan, (hay Quan Thổ?) trên phố Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội.

 

Bà đi hết ngõ Thổ Quan không tìm được người có tên “Hoàng Tùng”.  Lại sang ngõ Quan Thổ, đi khắp Quan Thổ 1, Quan Thổ 2 rồi Quan Thổ 3, bà dừng lại ở một quán nước, hỏi người bán nước: Ở đây có ai tên Hoàng Tùng, làm nghề lái xe?

Một người phụ nữ từ ngôi nhà cạnh đó nói vọng ra: “Cháu ơi, cháu quen Tùng nhà bác à?”. Bà mừng rỡ, bước ngay đến. Trò chuyện một hồi mới hay, cha mẹ Hoàng Yến khi xưa yêu nhau nhưng bị các bậc phụ huynh ngăn cản, họ chia xa.

 

Đến nhà cha của Hoàng Yến, bà giáo Huấn mới biết, bố em và bên nội lâu nay vẫn đi tìm “giọt máu” bị bỏ rơi. Bà giáo trả con cho người ta. Đến nay, cô bé Hoàng Yến ngày nào đã trưởng thành, lập gia đình và sinh con như bao người phụ nữ bình thường khác.

 

“Thương người như thể thương thân”

Bà Đào Ngọc Huấn đang sống trong một ngôi nhà nhỏ, bình dị: “Lương hưu của tôi trên 3 triệu đồng một tháng nhưng tôi được con gái “tài trợ” tiền điện, nước, internet”, bà khoe. Với mức lương hưu khiêm tốn ấy, bà vẫn làm từ thiện, giúp đỡ người neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn…

“Tôi ăn uống đơn giản lắm, có khi củ khoai, cái bánh mỳ cũng qua bữa. Có hôm hàng xóm gọi: Bà giáo ơi, có bát canh, bà có ăn không? Tôi ăn bát canh và thôi không nấu nướng gì nữa”, bà sống đạm bạc, tiết kiệm để dành tiền làm từ thiện.

 

Thế nên người ta có bảo bà “dở hơi”, bà không dám phản ứng, chỉ cười. Cách đây không lâu, để dạy trẻ tự kỷ, bà mua lại một cây đàn piano cũ, với giá 26 triệu đồng. Người bán đàn cho phép bà trả góp. Biết vẽ, biết đàn, biết thơ phú song hầu hết những món tài lẻ ấy đều do bà mày mò tự học.

Ngày trước bà chăm đọc sách, mấy năm nay, bà vào mạng tra cứu tài liệu. Bà giáo tự nhận “dở hơi” nhưng chẳng bao giờ chịu đi sau thời đại.

Nông Hồng Diệu (Báo Tiền Phong)