Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

Tu thân bắt đầu từ cái miệng

 

TU THÂN BẮT ĐẦU TỪ CÁI MIỆNG

Tu được cái miệng là tu hơn nửa đời người, lời nói không đúng lúc, đúng chỗ dễ khiến bạn mang hoạ vào thân.

Khẩu đức của một người tốt mới có có thể gặp thời vận tốt. Nói mà không biết suy nghĩ, lời nói độc địa thốt ra, vừa hại mình lại hại người, chắc chắn vận khí sẽ ngày càng xấu đi, điều không may sẽ ập tới. "Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy", vì thế đừng bao giờ nói ra miệng những lời hại người, tổn hại cả vận mệnh của chính mình.

1. Nói nhiều

Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra. Dù trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng chỉ nên nói vừa đủ những điều cần thiết. Nói nhiều sẽ dễ lỡ lời. Mặc Tử từng nói với học trò rằng: "Cóc và ếch kêu cả ngày không dừng, kêu nhiều tới mức khô cổ rát họng nhưng nào có ai nghe chúng. Một chú gà trống cất tiếng gáy đúng 3 lần lúc bình minh, mọi người đều tỉnh giấc. Ngươi xem, nhiều lời nào có ích gì đâu? Lời nói chỉ vừa đủ, đúng lúc mới có tác dụng".

2. Nói thẳng

Nhiều người cho rằng nói thẳng là nói thật nên cứ vô tư nói hết những gì xuất hiện trong suy nghĩ mà không màng đến hậu quả. Những lời nói thiếu cân nhắc như vậy đem lại nhiều rắc rối không đáng có.

Lời thẳng phải nói một cách khéo léo, cân nhắc tới sự cảm nhận của người khác, thể hiện sự chân thành.

3. Nói năng tùy tiện

Lời nói là thứ không thể tùy tiện, vì đã nói ra thì không thể sửa đổi. Làm người không thể tùy tiện nuốt lời. Lời hứa có thể thay đổi thì chi bằng đừng hứa. Gặp chuyện đừng tùy tiện phát ngôn, điều đó dễ mang đến cho bạn những phiền phức.

4. Nói lời ngông cuồng

Lời nói ngông cuồng lúc phấn khích hay tức giận thường khiến người ta phải hối hận. Sự bốc đồng hay khiêm nhường ảnh hưởng trực tiếp đến phúc - họa của mỗi người. Trước mặt người khác, hành vi, lời nói sẽ quyết định cách họ đối xử với bạn. Những kẻ lộng ngôn dễ khiến người khác khó chịu, dễ tự chuốc lấy rắc rối, tai họa cho bản thân.

5. Nói những lời cạn tình cạn nghĩa

Trong lời ăn tiếng nói, đừng lấy được là trọng. Dẫu có nhìn thấu người khác cũng không cần nói hết những gì mình biết, hãy chừa lại cho đối phương một đường lùi, coi như tích chút khẩu đức cho bản thân.
Trách mắng người khác không nên quá cạn tình, hà khắc, chừa lại vài phần cho người, giữ lại sự khoan dung độ lượng cho mình.

6. Tiết lộ bí mật

Người thông minh hiểu được điều gì nên nói ra, điều gì nên mãi mãi giữ lại. ĐỐi với chuyện bí mật của người khác, cơ mật trong công việc, nhất thiết đừng tùy tiện kể cho ai. Đó không chỉ là vấn đề đánh giá phẩm chất con người mà còn để tránh những hậu quả nghiêm trọng khó lường trước.

Khi sự thật chưa được xác nhận, đừng nói bóng gió để gây hiểu lầm, khiến người khác cảm thấy bạn không nghiêm túc hay quá hà khắc.

7. Nói lời ác khẩu

Cổ nhân có câu, vết dao dễ lành, lời ác khó quên. Người hay nói xấu sau lưng người khác, bới móc gây ly gián hoặc phỉ báng, hạ thấp và nhục mạ người khác một cách ác ý, nói càn đều là kẻ tiểu nhân. Những lời ác ý gây ra tổn thương về tâm lý còn vượt xa so với vết thương trên thân thể. Đừng để những lời nói của mình vô tình trở thành vết dao đâm với người khác.

8. Nói lời kiêu căng

Có câu rằng: "Khiêm nhường thì người càng phục, ngạo mạn người tất ngờ vực". Cao ngạo, tự đại là biểu hiện một người không đủ tu dưỡng. Những người tự cho rằng bản thân đúng đắn hơn người, huênh hoang, khoác lác thường bị tiêu giảm công lao, không thể tiến xa, bước dài. Những lời tự đại không phải vì kiêu ngạo thì là vô tri, dễ dàng khiến người khác nhận ra sơ hở, bất lợi cho sự phát triển của bản thân, khiến người khác chán ghét.

9. Nói lời tức giận

Không ai giăng buồm trong cơn bão, người khôn ngoan hiểu rằng khi tức giận càng phải giữ mồm giữ miệng. Một lời nói ra không thể rút lại, lời khi tức giận như hòn đá nặng quăng vào người khác vừa khiến người khác tổn thương, vừa làm hại chính bản thân mình nên càng cần phải suy xét cẩn thận.

Những gì bạn không muốn nghe thì cũng đừng dành để nói cho người khác. Tu dưỡng đạo đức bắt nguồn từ tu khẩu. Tâm sáng ắt sẽ biết nghĩ tới cảm nhận của người khác mà lựa lời hay.

Người có sự tu dưỡng may mắn ắt sẽ tự tìm đến.

Nguồn: theo Lưu Ly | Nhịp sống kinh tế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét