THÀNH CÔNG THƯỜNG BẮT NGUỒN TỪ CƠ HỘI
Năm 1865, cuộc chiến tranh Nam Bắc nước Mỹ đã kết thúc, trong thành phố New York tràn ngập những người không tìm được việc làm. Chàng thanh niên 18 tuổi Joseph Pulitzer là một người trong số đó. Anh có thể nói được tiếng Hungary, tiếng Đức và tiếng Pháp, nhưng tiếng Anh thì lại không tốt lắm, đây chính là trở ngại cho anh khi tìm việc ở New York.
Cuối cùng anh quyết định đến thành phố Saint Louis, nơi có đông người Đức sinh sống, ở đó có lẽ anh sẽ tìm được việc làm. Trong mắt Pulizer khi đó thì thành phố Saint Louis chính là thành phố của hi vọng.
Dưới sự thôi thúc của hi vọng như vậy, Pulitzer đã đến Saint Louis. Nhưng ở đây cũng chẳng phải là thành phố của hi vọng như anh tưởng tượng, anh vẫn thất nghiệp triền miên. Anh đã lần lượt làm qua các công việc như bảo vệ trên thuyền, thủy thủ, bồi bàn… nhưng chưa làm được bao lâu thì lại bị đuổi, đành phải đi tìm công việc khác.
Có một lần, Pulitzer cùng với mấy chục người khác nộp 5 đô la để đi theo một người đã đồng ý giới thiệu họ tới làm việc tại đồn điền mía ở bang Louisiana. Họ bị nhồi lên một chiếc ca-nô nhỏ. Tới khi chiếc ca-nô đó đưa họ tới một nơi cách thành phố 48km rồi quay đầu bỏ về thì họ mới biết mình đã bị lừa.
Pulitzer vô cùng tức giận bèn viết một bài báo vạch trần màn kịch lừa đảo này. Khi tờ báo “Bưu điện phương Tây” cho đăng bài viết này, anh đã hết sức vui mừng bởi đây là bài viết đầu tiên của mình được đăng báo.
Từ đó về sau, Pulitzer thường xuyên viết bài cho một tờ báo của Đức, dần dần các bài viết của anh đã thu hút được sự chú ý của các nhà biên tập trong nghề báo.
Cuối năm 1868, tờ “Bưu điện phương Tây” cần tuyển một phóng viên, Pulitzer đã được nhận vào làm. Anh đã vui mừng như điên và đã miêu tả tâm trạng của mình khi đó là: “Tôi từ một kẻ vô danh tiểu tốt, không may mắn, giống như là một kẻ lang thang đã được nhận vào làm công việc này.
Tất cả việc này đều giống như là một giấc mơ vậy.” Tài năng hơn người và những kiến thức về chính trị của Pulitzer đã nhanh chóng được bộc lộ.
Bốn năm sau, anh đã mua được cổ phần của tờ báo này, đồng thời không ngừng có những quyết định chính xác, dần dần trở thành chủ bút, cuối cùng ông đã mua được các tờ báo “Bưu điện phương Tây”, “Tin nhanh bưu điện Louisiana” và “Báo thế giới New York”, đồng thời tiến hành một loạt cải cách về báo chí, để chúng trở thành những tờ báo nổi tiếng nhất ở nước Mỹ lúc bấy giờ.
Trong nghề làm báo của mình, ông đã biến nghề báo trở thành một môn khoa học được xã hội công nhận. Cuộc đời của ông đã đánh dấu sự ra đời của bộ môn báo chí ở nước Mỹ và sự phát triển nhanh chóng của nghề làm báo.
Ông đã từng bỏ ra 2 triệu đô la Mỹ để thành lập Học viện báo chí đầu tiên của nước Mỹ – đó chính là Học viện báo chí Colombia nổi tiếng thế giới. Sau khi Pulitzer qua đời, tên của ông đã được đặt cho giải thưởng Pulitzer, là giải thưởng cao nhất về báo chí ở Mỹ, được toàn thế giới ngưỡng mộ.
Cho đến nay trong lòng của mỗi người, Joseph Pulitzer chính là một nhân vật vĩ đại trong nghề báo, dường như ông ở vị trí cao hơn tất cả mọi người. Nhưng khi hồi tưởng lại quá trình trưởng thành của Pu¬litzer, thì có thể thấy Pulitzer vốn chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt trắng tay mà thôi.
Cho đến khi được tờ “Bưu điện phương Tây” tuyển vào làm phóng viên thì cuộc đời Pulitzer đã rẽ sang một hướng khác – chính là cơ hội đã tạo nên Pulitzer sau này.
- Nhà văn La Rochefoucauld của Pháp đã từng nói: “Nếu chỉ dựa vào một số ưu thế được trời phú cho thì không thể tạo nên anh hùng, nó còn phải có cả vận may đi cùng nữa.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét