Thứ Năm, 12 tháng 5, 2022

Lòng vị tha từ góc nhìn tâm lý học

 

LÒNG VỊ THA TỪ GÓC NHÌN TÂM LÝ HỌC

Mỗi chúng ta ít nhiều đều biết một người nào đó sẵn lòng đánh đổi sức khỏe và hạnh phúc của bản thân để giúp người khác. Cảm hứng nào để những người này dành thời gian, công sức và tiền bạc để giúp đỡ người khác, ngay cả khi họ chẳng nhận lại được một lợi ích nào cân đo đong đếm được?

 

Sự quan tâm quên mình dành cho người khác; làm mọi thứ đơn giản chỉ vì bạn muốn giúp đỡ, không phải vì nghĩa vụ, vì lòng trung thành hay vì bất cứ lý do tôn giáo nào đó là lòng VỊ THA.

 

Cuộc sống mỗi ngày đều chất chứa nhiều hành động nhỏ mà hào hiệp, và các bản tin lại thường khai thác đưa tin về hành động vị tha lớn lao hơn, như một người đàn ông lao mình xuống dòng sông băng lạnh giá để cứu một người lạ đang sắp chết đuối hay một nhà hảo tâm trao tặng hàng ngàn đô la cho một tổ chức từ thiện tại địa phương.

 

Mặc dù chúng ta có thể không quá lạ lẫm với khái niệm lòng vị tha, nhưng các nhà tâm lý học xã hội lại rất quan tâm đến việc tìm hiểu lý do xuất hiện của đặc tính này. Điều gì đã tạo cảm hứng cho những hành vi tốt đẹp này? Động lực nào đã thúc đẩy con người ta liều cả mạng sống để cứu một người hoàn toàn xa lạ?

 

Hành vi thuận xã hội và lòng vị tha.

Vị tha là một khía cạnh của một phạm trù mà các nhà tâm lý học xã hội gọi là hành vi thuận xã hội. Hành vi thuận xã hội là bất cứ hành vi nào làm lợi cho người khác, bất kể động lực là gì hay người cho đi nhận lại được lợi ích như thế nào.

Tuy nhiên, phải nhớ rằng lòng vị tha thuần túy phải đến từ tính bất vị kỷ thực sự, tức họ phải thực sự không màng đến bản thân.

 

Mặc dù tất cả hành động vị tha đều thuận xã hội nhưng không phải tất cả các hành vi thuận xã hội đều hoàn toàn là vị tha. Ví dụ, chúng ta có thể giúp đỡ người khác vì nhiều lý do khác nhau như vì mặc cảm tội lỗi, vì nghĩa vụ, trách nhiệm hay thậm chí vì phần thưởng..

Các nhà tâm lý học đã đề xuất nhiều cách giải thích khác nhau cho sự tồn tại của lòng vị tha, bao gồm:

 

Khía cạnh sinh học. Chọn lọc họ hàng là một nội dung trong học thuyết tiến hóa cho rằng con người có khả năng giúp những người họ hàng có cùng huyết thống hơn vì nó làm tăng lợi thế trong việc truyền gen cho thế hệ sau. Theo đó, lòng vị tha dành cho họ hàng thân cận xuất hiện nhằm đảm bảo sự tiếp nối của giống gen chung. Họ hàng càng thân cận thì người ta càng giúp nhau nhiều hơn.

 

Khía cạnh thần kinh. Lòng vị tha làm kích hoạt trung tâm điều khiển hoạt động tưởng thưởng trong não bộ. Các nhà sinh thần kinh học đã phát hiện ra rằng khi thực hiện một hành động vị tha, trung tâm tưởng thưởng của não bộ đã được hoạt hóa.

 

Từ môi trường sống. Một nghiên cứu gần đây của Đại học Stanford kết luận rằng những tương tác và mối quan hệ của chúng ta với người khác có ảnh hưởng lớn lên hành động vị tha.

 

Các quy chuẩn xã hội. Những quy tắc, chuẩn mực và mong đợi từ xã hội cũng có thể ảnh hưởng lên cả người có hoặc không có hành động vị tha. Ví dụ, quy chuẩn về sự có qua có lại là một mong đợi xã hội là việc ta cảm thấy mình bị áp lực phải giúp đỡ người khác nếu người đó đã từng làm điều gì đó cho chúng ta trước đây.

 

Ví dụ, nếu một người cho bạn mượn tiền để mua đồ ăn trưa trong vài tuần thì có thể bạn sẽ cảm thấy mình có áp lực phải trả “ơn” lại cho người bạn này, bạn đồng ý cho anh ta mượn bạn $100. Anh ta đã làm “ơn” cho bạn, giờ bạn cảm thấy mình có nghĩa vụ phải “trả ơn”.

 

Nhận thức. Mặc dù theo định nghĩa, vị tha là hành động làm điều gì đó cho người khác mà không cần đền đáp. Nhưng trong nhận thức của bạn vẫn có thể tồn tại một thứ phần thưởng nào đó không thể hiện hữu hình.

Ví dụ, chúng ta giúp người khác để giải tỏa chính căng thẳng tồn tại trong lòng mình hoặc do bởi việc đối xử tốt đẹp với người khác giúp ta gìn giữ được hình ảnh bản thân mình là người tử tế, biết thấu cảm.

 

– Giúp đỡ người khác làm dịu đi những cảm xúc tiêu cực.

Một số chuyên gia khác lại cho rằng những hành động vị tha giúp làm dịu bớt những cảm xúc tiêu cực hình thành từ việc quan sát sự đau khổ của người khác, thể hiện qua một Mô hình giải tỏa trạng thái tiêu cực. Về cơ bản, thấy một ai đó đang gặp khó khăn khiến ta cảm thấy buồn bã, mệt mỏi, hoặc khó chịu, vậy nên giúp đỡ họ giúp giảm những cảm xúc tiêu cực này.

 

Một số nhà tâm lý học xã hội tin rằng mặc dù con người thường hành động vị tha vì những lý do vị kỷ nhưng lòng vị tha chân chính vẫn tồn tại.

 

Một số người khác lại cho rằng sự thấu cảm dành cho người khác thường bị dẫn dắt bởi mong muốn giúp chính bản thân mình. Dù là lý do gì đi nữa thì thế giới của chúng ta sẽ trở nên buồn thảm hơn rất nhiều nếu thiếu vắng lòng vị tha.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét