CẬU BÉ THIỂU NĂNG LỚN LÊN TRỞ THÀNH THIÊN TÀI
Thomas Alva Edison (1847-1931) sinh ra và lớn lên tại Mỹ, là một trong những nhà bác học lừng danh nhất lịch sử.
Ông đã sáng chế ra rất nhiều thiết bị có ảnh hưởng tới cuộc sống con người, nổi tiếng nhất là bóng đèn, máy hát, máy ghi âm... Trước khi qua đời, Edison đã nắm giữ tổng cộng hơn 1.500 bằng sáng chế trên thế giới.
Thế nhưng ít ai biết rằng, ông đã từng bị đánh giá là đứa trẻ kém cỏi, thiểu năng. Chính lời nói dối của người mẹ đã giúp Edison có được thành công sau này và đó cũng là câu chuyện kinh điển khi nói về cách dạy dỗ con thành tài.
Tuổi thơ cơ cực, bị chê ngu dốt
Tuổi thơ của Edison không hề trôi qua suôn sẻ và bình thường như bao đứa trẻ khác. Cậu bé kháu khỉnh nhưng thường bị chê là ngu dốt, thậm chí là thiểu năng.
Có một lần, thầy giáo của Edison phải than phiền: "Edison không chịu học hành hẳn hoi gì cả, chỉ toàn làm phiền người khác bằng những câu hỏi chẳng đâu vào đâu.
Hôm qua cậu ta còn hỏi: Tại sao 2 cộng 2 lại bằng 4? 2 cộng 2 thì đương nhiên là bằng 4, lại còn hỏi vớ vẩn gì nữa. Cậu ta chỉ làm ảnh hưởng xấu đến các bạn khác mà thôi!".
Vào khoảng năm 1854-1855, khi ấy Edison chỉ khoảng 7 tuổi, cậu bé từ trường trở về và hào hứng đưa cho mẹ là bà Nancy Elliott một tờ giấy của giáo viên gửi về nhà. Edison nói với mẹ bằng giọng hồ hởi: "Mẹ ơi, thầy giáo bảo con đưa mẹ tờ giấy này".
Bà Nancy nhanh chóng mở ra xem nhưng vừa đọc dứt, nước mắt bà giàn giụa, bật khóc nức nở.
Tò mò không biết bên trong lá thư viết gì, Edison đã gạn hỏi mẹ. Lúc này, bà Nancy mới lấy lại bình tĩnh, đọc cho con trai nghe:
"Con trai của bà là một thiên tài. Ngôi trường này và giáo viên của chúng tôi không đủ khả năng để đào tạo cậu bé. Bà hãy tự dạy dỗ con trai mình".
Chính vì thế, Edison chỉ nhập học trường Port Huron, bang Michigan, Mỹ, được đúng 3 tháng thì được mẹ cho tự học ở nhà. Chính tay bà Nancy đã dạy dỗ con trai học hành, đồng thời dạy con rất nhiều bài học cuộc sống quý giá khác.
Mọi chuyện cứ trôi qua như thế cho đến khi bà Nancy qua đời vào năm 1871, Edison vô tình khám phá ra sự thật về lời nói dối của mẹ mình năm xưa.
Trong lúc dọn dẹp lại những tài liệu cũ của mẹ mình, ông Edison đã tìm thấy một mẩu giấy cũ, xếp gọn trong ngăn tủ.
Tò mò mở ra xem, Edison vô cùng bất ngờ khi phát hiện đó là những dòng chữ của người thầy năm xưa ở trường tiểu học, trong đó có ghi:
"Con trai ông bà là đứa trẻ đần độn. Chúng tôi không chấp nhận cho cậu bé đến trường nữa".
Lúc đó, Edison mới nhận ra những lời nói năm xưa của mẹ là nói dối. Bà Nancy đã cố tình làm vậy vì không muốn con trai tự ti, thất vọng và bỏ cuộc.
Thực chất, Edison đã từng bị cho là có vấn đề về thần kinh và chậm phát triển, mãi 4 tuổi mới biết nói, tưởng sẽ không thể sống tới tuổi trưởng thành, sau này ông cũng hay bị đau ốm và bị khiếm thính một bên tai.
Tuy nhiên, bà Nancy không bao giờ bỏ rơi con trai mình và luôn đặt niềm tin vào ông.
Khi Edison bị cả thế giới quay lưng, bà Nancy lại dùng tình yêu thương vĩ đại để động viên, nâng đỡ, đánh thức tiềm năng trong ông, gieo những hạt giống niềm tin để rồi chúng thật sự nảy nở, đơm hoa kết trái ngoài sức tưởng tượng.
Sau này, ông Edison đã khóc rất nhiều khi nhớ vào câu chuyện trên và tự viết vào cuốn sổ của mình một cách trân trọng: "Thomas Edison là đứa trẻ đần độn. Nhờ người mẹ anh hùng mà đã trở thành thiên tài của thế kỷ".
Mẫu chuyện về bà mẹ Nancy Elliott và nhà phát minh thế kỷ Thomas Edison minh chứng cho thuyết “Lời tiên tri tự ứng nghiệm” dưới đây:
Lời tiên tri tự ứng nghiệm lần đầu tiên được khám phá và định nghĩa bởi Merton. Ông đặt tên hiện tượng là “Lời tiên tri tự ứng nghiệm” vào năm 1948, định nghĩa là:
“Một nhận định sai lệch về tình huống làm xuất hiện một hành vi khiến nhận định sai lầm ban đầu trở thành sự thật.”
Vòng tuần hoàn của lời tiên tri tự ứng nghiệm.
Khi ta tin vào điều gì đó về chúng ta, chúng ta có khả năng hành xử theo cách đáp ứng lại những niềm tin đó, rồi củng cố chúng và khuyến khích sự xuất hiện của hành vi tương tự.
Khi ta tin vào điều gì ở người khác, ta có thể hành xử làm sao để khuyến khích họ xác nhận giả định của chúng ta là đúng, từ đó củng cố niềm tin của ta về họ.
Niềm tin là một thứ cực kỳ quyền lực!
Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra các bằng chứng mạnh mẽ về tác động của những niềm tin và mong đợi lên kết quả, đặc biệt là khi ta bị thuyết phục rằng những mong đợi của chúng ta sẽ thành hiện thực.
Bài học ứng dụng cho các thầy cô giáo và các vị phụ huynh đánh thức tiềm năng của những đứa trẻ sẽ là những thiên tài trong tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét