CHÚNG TA ĐANG NÓI CHUYỆN BẰNG QUẦN ÁO?
Con người là một loài động vật mang tính chất xã hội, chúng ta có nhu cầu và thèm khát việc được giao tiếp hằng ngày. Thậm chí hành động giao tiếp còn được diễn ra một cách không ý thức bằng một hình thái ngôn ngữ tưởng chừng là mới nhưng đã tồn tại rất lâu đời trong lịch sử văn minh đó là việc giao tiếp thông qua trang phục.
Về ngôn ngữ học, giao tiếp được chia làm hai loại đó là giao tiếp bằng giọng
nói và giao tiếp phi ngôn ngữ. Ở hai phân loại này thì thời trang nằm ở
nhóm những biểu hiện giao tiếp phi ngôn ngữ. Vậy thời trang sẽ giao tiếp qua
những cách nào?
Đầu tiên, thời trang là công cụ để chúng ta tự giao tiếp với bản thân. Ví dụ
như hôm nay là một ngày chủ nhật, tôi cảm thấy tâm trạng của mình tích cực, tôi
mặc một bộ đồ cầu kì và chải chuốt hơn. Đó là một cách mà tôi tự nói chuyện với
bản thân mình mà không có sự liên quan đến việc sự kiện hôm nay tôi đến yêu cầu
phải mặc thật chải chuốt.
Tôi một cách vô thức thể hiện sự tích cực của tôi qua ngoại hình của mình và qua quần áo. Hoặc ngược lại tôi phải giữ một phong thái đĩnh đạc, trưởng thành khi mặc một bộ suit. Bộ suit chính là cách mà tôi tự giao tiếp và nhắc nhở chính mình.
Điểm thứ hai, thời trang cũng mang tính chất ngữ cảnh tương
tự như ngôn ngữ nói. Đó là ở việc bạn không thể mặc áo ba lỗ đến tham dự một
đám tang tương tự như việc ta không thể nói với gia quyến của đám tang đó là
"không việc gì phải buồn vì sinh tử là lẽ tự nhiên". Những "ngữ
cảnh trang phục" này giống hoàn toàn các quy chuẩn trong giao tiếp bằng
ngôn ngữ nói.
Điều thứ ba, mọi cuộc giao tiếp đều có mục đích và giao tiếp bằng thời trang
cũng vậy. Cái mục tiêu cuối cùng và là hình thái phát triển nhất của giao tiếp
bằng thời trang là để thể hiện một ý nghĩa, mong muốn, hàm ý nào đó, tương tự
như khi chúng ta nói. Như mặc để thể hiện sự khác biệt nhằm tách các nhóm xã
hội với nhau, mặc để hòa đồng với đám đông, mặc để phân vai mỗi cá nhân trong
các tập thể xã hội,...
Và đương nhiên là với bề dày lịch sử của trang phục khi xuất hiện từ 30.000 năm
về trước, sự phát triển trong giao tiếp bằng trang phục cũng đi song hành với
sự phát triển của giao tiếp bằng ngôn ngữ nói. Chúng ta nói về trang phục các
phương tiện truyền thông đại chúng, các nhãn hàng tổ chức những chiến dịch gồm
in ấn, phim ảnh, ca nhạc,... tiêu tốn hàng triệu $ để nói về thương hiệu và sản
phẩm của họ, điều ấy không hề thua kém các chiến dịch tuyên truyền kiến thức
tới xã hội, các chính khách tổ chức tranh cử,...
Thời trang là một hiện tượng được đan xen vào cuộc sống thường ngày nhưng lại
mang nhiều ảnh hưởng một cách vô thức. Tương tự như tất cả các hình thức giao
tiếp và truyền thông khác ở thời điểm hiện tại, thời trang có sự phát triển như
được dệt vào các tương tác xã hội ở mọi hình thái. Việc được trang bị các kiến
thức về thời trang hiện nay thực sự mang các giá trị không thua kém việc ta
biết thêm một ngôn ngữ giao tiếp khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét