Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2022

Bí quyết nâng cao sức khỏe và trí tuệ

 

BÍ QUYẾT NÂNG CAO SỨC KHỎE VÀ TRÍ TUỆ

Chúng ta đều biết rằng chế độ ăn uống và thói quen thường xuyên tập thể dục có đóng vai trò nhất định đối với sức khỏe, nhưng một nhân tố nguy hiểm hơn rất nhiều lần chính là tâm lý lại đang bị bỏ qua.

Trong một nghiên cứu mới đây về mối quan hệ giữa tình trạng căng thẳng triền miên với bệnh tim mạch công bố trên trang Health, các nhà khoa học khuyến cáo mọi người không nên để mình rơi vào trạng thái stress triền miên nếu muốn có một cuộc sống khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ.

Chủ nhân giải Nobel Sinh lý và Y khoa 2009, Elizabeth từng nói rằng, con người muốn sống khỏe mạnh qua 100 tuổi, những tiêu chí quan trọng là ăn uống hợp lý chiếm 25%, các thứ khác chiếm 25%, còn chính việc cân bằng tâm lý chiếm đến 50%.

Con người lúc vui vẻ, cơ thể tiết ra hooc-môn hạnh phúc là dopamine rất có ích đối với sức khỏe, làm cho tinh thần thả lỏng, sản sinh khoái cảm, khi đó tâm và thân đều trong trạng thái thoải mái, các chức năng của cơ thể phối hợp nhịp nhàng, cân bằng, tăng cường sức mạnh não bộ.

Do đó, dopamine liên quan đến cảm giác hạnh phúc, động lực, trí nhớ, khả năng tập trung và điều chỉnh các chuyển động của cơ thể.

Ngược lại, nếu ai đó thường xuyên bị bồn chồn bất an, phẫn nộ, căng thẳng… dopamine hạ thấp, làm mức độ hooc-môn stress liên tục tăng cao không hạ, hệ thống miễn dịch của cơ thể bị ức chế và phá hủy, hệ thống tim mạch cũng sẽ bị mệt mỏi suy yếu khác thường.

Ngoài ra, stress còn ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết tố trong cơ thể, cộng với tình trạng dễ bị kích động có thể là căn nguyên gây ra hàng loạt bệnh nguy hiểm khác.

Cuốn sách Đông y nổi tiếng Trung Quốc “Hoàng đế nội kinh” có ghi: “Bách bệnh sinh ra từ khí. Phẫn nộ thì khí thăng, Hoan hỉ thì khí hoãn, Bi thương thì khí kết, Kinh sợ thì khí loạn, Lao lực thì khí hao…”. Vì vậy, nếu cần chữa bệnh thì nên ưu tiên chữa “tâm” trước bằng 4 nguyên tắc quan trọng sau:

1. Xác định mục tiêu sống và siêng năng tư duy

Các nghiên cứu đã chứng minh, sở hữu một mục tiêu sống lạc quan, tích cực sẽ có lợi cho sức khỏe. Bởi vì điều này quyết định tâm thái của một người, nhờ vậy quyết định tới trạng thái tâm lý và ảnh hưởng tình trạng sinh lý của người đó về lâu về dài.

Bên cạnh đó, não bộ được sử dụng thường xuyên sẽ luôn duy trì quá trình trao đổi chất, làm chậm sự lão hóa. Do đó mới xuất hiện tình trạng nhiều người sau khi về hưu, vì mục tiêu sống đột nhiên thay đổi, hoạt động trí óc cũng giảm đột ngột nên tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần đều đi xuống.

Cần thay đổi trọng tâm cuộc sống từ công việc sang thư giãn, đi học khiêu vũ quảng trường, tham gia hội nhóm bạn bè cũ, cùng hát, cùng vẽ, cùng giao lưu… để duy trì sự hoạt động của não bộ, nâng cao tinh thần.

Nếu không, tư duy sẽ luôn coi tuổi già rồi chết trở thành đích đến duy nhất, vậy thì ẩn trong tiềm thức là cơ chế tự hủy lặng lẽ nổi dậy, làm cho cơ thể ngày càng đi xuống.

2. Giúp đỡ mọi người cũng có tác dụng trị liệu

Nghiên cứu phát hiện, lấy việc thiện để đối xử với người, thường xuyên giúp đỡ người khác bằng vật chất có thể giảm 42% tỷ lệ tử vong (hỗ trợ vật chất cũng là hình thức từ thiện tạo tinh thần phấn chấn), hỗ trợ trên phương diện tinh thần có thể giảm 30% tỷ lệ tử vong.

Khi làm điều tốt và có thói quen thiện lành, trái tim sẽ cảm thấy vui vẻ, thỏa mãn, giảm mức độ hormone căng thẳng và thúc đẩy sự tiết ra “hormone hạnh phúc”. Do đó, đây trở thành phương thuốc dự phòng và trị liệu chứng trầm cảm rất tốt.

3. Gia đình hòa thuận là bí quyết trường thọ

Tại Hoa Kỳ, hai giáo sư tâm lý học đã tích lũy 20 năm nghiên cứu và nhận thấy rằng, trong các nhân tố có tính quyết định ảnh hưởng tuổi thọ, xếp thứ nhất là “quan hệ giữa người với người”.

Họ nói rằng, các mối quan hệ có lẽ còn quan trọng hơn thực phẩm hay thói quen tập thể dục. Đó không chỉ bao gồm sự kết nối giữa bạn bè mà còn liên quan mật thiết tới các thành viên trong gia đình.

Khi tâm lý không tốt, tràn ngập sự phẫn nộ, oán hận, thù địch hoặc bất mãn thì thần kinh giao cảm luôn ở trong trạng thái căng thẳng tột độ.

Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỷ lệ phát bệnh tim ở những người hẹp hòi, hay so đo tức giận cũng cao hơn gấp 5 lần so với những người rộng lượng bao dung. Vì thế, gia đình hòa thuận, vui vẻ với bạn bè, có những mối quan hệ xã hội tốt là một trong những bí quyết trường thọ.

4. Trao thân thiện, nhận lại thân thiện

Khi chúng ta cười với người khác, người khác cũng sẽ trả lại bạn một nụ cười. Bất kể là tụ họp cùng bạn bè, hay là chuyện trò với bạn đồng môn cũ, nhớ là đều phải giữ nụ cười, thái độ thân thiện.

Thân thiện bằng cách khen ngợi, hài hước, mỉm cười, tôn trọng, lễ phép, lịch sự, nhã nhặn, khoan dung, tha thứ, hiểu biết, đồng tình, trung thành, lắng nghe. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể nhận lại được sự thân thiện của người khác, tâm lý cũng theo đó mà tốt hơn lên.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là để năng lượng tích cực lấp đầy cuộc sống và tâm trí của bạn đó là tôn trọng mọi người xung quanh, duy trì các mối quan hệ bằng giá trị đạo đức, để cuộc sống được thoải mái về cả thể chất lẫn tinh thần. Như vậy, chúng ta mới có cơ hội khỏe mạnh hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét