Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2022

Công bằng là gì?

 

CÔNG BẰNG LÀ GÌ?

 Các triết gia nói gì về công bằng

Từ cổ chí kim người ta luôn tranh cải về công bằng là gì?

 

Có câu trả lời mang tính vị lợi đó là công bằng có nghĩa là tối đa hóa hạnh phúc của đa số.

Câu trả lời thứ hai, được đưa ra bởi Immanuel Kant, nói rằng công bằng là một vấn đề về sự tôn trọng phẩm giá con người, những trách nhiệm và quyền hạn nhất định.

Câu trả lời thứ ba tới từ Aristotle: công bằng có nghĩa là cho mọi người thứ họ xứng đáng, mà thứ họ xứng đáng thì phụ thuộc vào phẩm hạnh của họ và vào việc họ đối mặt với các vấn đề hóc búa nhằm hướng tới một cuộc sống tốt.

Và khó khăn thực sự bắt đầu với việc tìm ra ai xứng đáng điều gì và tại sao.

 

Kant thế` kỷ 18 loại bỏ quan điểm mang tính vị lợi rằng đạo đức là vấn đề của tối đa hóa hạnh phúc của số đông, cũng vì thế, không nên tìm kiếm bất cứ hậu quả cụ thể nào. Đối với Kant đạo đức có nghĩa là tôn trọng con người và xem họ như mục đích ở ngay trong chính họ, không đối xử với con người chỉ như phương tiện.

 

Quan điểm này của Kant tạo nền tảng cho diễn ngôn về quyền con người ngày nay – với ý tưởng rằng có những trách nhiệm chung trong việc xem con người như những sinh vật có lý trí. Và điều này yêu cầu chúng ta cư xử với nhau bằng sự tôn trọng, không quan tâm họ là ai, hay họ đang làm gì, hay họ sống ở đâu.

 

Hegel nhận thấy rằng ý tưởng của Kant về đạo đức là quá trang trọng và trừu tượng, không tích hợp được vào cuộc sống.

Nhưng Hegel theo nhiều cách đã nhìn lại xa hơn, thậm chí đến tận thời cổ đại và cụ thể là tới Aristotle, vì ở Aristotle chúng ta tìm thấy ý tưởng rằng con người bản chất là sinh vật chính trị, rằng chúng ta không thể sống trọn vẹn một đời người trừ khi là thành viên của một cộng đồng chính trị.

 

Vì vậy điều này dẫn chúng ta đến một trường phái thứ ba về đạo đức và công bằng: quan điểm của Aristotle đó là khi nói về công bằng, chúng ta phải nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống tốt và của phẩm hạnh.

Ông ấy đưa ví dụ về ống sáo. Giả sử chúng ta phân phối những cây sáo, ai nên được nhận cây tốt nhất? Câu trả lời của ông ấy là: người chơi sáo hay nhất, nhạc sĩ giỏi nhất.

 

Bạn có thể nghĩ một người theo chủ nghĩa vị lợi sẽ đồng ý – vì người chơi sáo tốt nhất sẽ có bản nhạc hay nhất và sẽ làm cho tất cả chúng ta hài lòng khi lắng nghe bản nhạc hay.

Nhưng không, đó không phải lập luận của Aristotle.

Ông cho rằng: “đó là mục đích của cây sáo – để được thổi hay.” Lý thuyết ông đưa ra được đặt tên là mục đích luận (teleological).

 

Và nó liên quan tới quan điểm về danh dự, được kính trọng. Một phần quan điểm về trình diễn âm nhạc không chỉ để tạo nên bản nhạc hay, mà còn thể hiện sự kính trọng đối với những người sở hữu tài hoa như các nhạc sĩ.

 

Hiện nay, ví dụ chơi sáo có thể dường như không còn quan trọng, nhưng trọng tâm thực sự của Aristotle là gợi ý cho chúng ta nghĩ về mô hình chính trị và danh dự – quyền lực và thẩm quyền nên được phân bổ như thế nào trong một cộng đồng chính trị?

Và câu trả lời của ông ấy cho câu hỏi này dựa trên ví dụ về cây sáo. Những ai sở hữu những phẩm hạnh liên quan ở phạm vi lớn nhất nên có quyền lực và sức ảnh hưởng chính trị rộng nhất – điều ông ấy nói có nghĩa là những người có phẩm hạnh dân sự vĩ đại nhất, những người giỏi nhất trong việc suy tính cẩn thận những lợi ích chung.

 

Trong đời sống thực tế

 

Có nhiều người đồng ý chúng ta nên tra tấn một kẻ tình nghi khủng bố để tìm ra bom nổ chậm được đặt ở đâu. Đó là một quan điểm mang tính vị lợi – con số quan trọng, hậu quả quan trọng.

Để phản đối lại, những người theo trường phái Kant sẽ cho rằng “Không, có những quyền con người nhất định và những thứ nhất định là sai – tra tấn là một trong số đó, không cần biết đến hậu quả là gì. ”Vì thế chúng ta rất quen với cuộc tranh luận giữa quan điểm mang tính vị lợi và quan điểm theo kiểu nhân quyền. Tôi nghĩ điều chúng ta bỏ qua thường xuyên chính là cách nhìn của Aristotle.

 

Hãy tiếp tục với tranh luận về tra tấn. Một vài người nói theo khía cạnh vị lợi, bạn nên tra tấn tên khủng bố tình nghi nếu bạn rất rất cần thông tin, và bạn không thể lấy được bằng bất cứ cách nào khác và nhiều mạng người đang bị đe dọa.

Nhiều người nói rằng tra tấn trong tình huống tìm bom hẹn giờ ở trên là thích đáng – đó là vì họ đang ỷ vào suy nghĩ rằng “dù thế nào thì hắn ta cũng là một kẻ tồi tệ, hắn ta xứng đáng nhận trừng phạt tàn bạo, hắn ta là tên khủng bố”.

 

Vì vậy ai xứng đáng với cái gì và tại sao, và phải làm gì với phẩm hạnh của con người thường xuyên hiện diện mà chúng ta không nhận thức được trong nhiều cuộc tranh luận. Vì thế điều tôi đang gắng làm là chỉ ra trong các tranh cãi về sự công bằng, không chỉ lợi ích và nhân quyền mà còn cả những câu hỏi về xứng đáng, phẩm hạnh và lợi ích chung như Aristotle đã hiểu chúng, đang hiện diện và không thể thiếu ngày nay.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét