Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

Yêu thương có thể học?

 

YÊU THƯƠNG CÓ THỂ HỌC?

Yêu thương là khả năng thấu cảm với người khác. Là khả năng hiểu được những gì mà người khác đang chịu đựng, đây cũng là một cấu phần quan trọng thúc đẩy các hành vi thuận xã hội, hoặc mong muốn giúp đỡ người khác.

Có thể yêu thương người khác đòi hỏi phải có lòng thấu cảm và một nhận thức rõ ràng. Bạn cần hiểu được những gì người kia đang phải đối mặt và hiểu được mọi chuyện sẽ như thế nào khi ở trong vị trí của họ.

Cho tới nay, các nhà khoa học cũng chưa hiểu rõ về việc liệu con người ta có thể nuôi dưỡng hoặc “dạy” ai đó yêu thương hay không.

 

Dùng thiền định để dạy về lòng yêu thương.

Trong một nghiên cứu, người ta dạy cho những bạn trẻ làm sao để tham gia vào quá trình thiền định tập trung vào lòng yêu thương, một kỹ thuật cổ xưa của Phật giáo được xây dựng nhằm gia tăng sự quan tâm đến những người khác đang chịu đau khổ.

Vậy chính xác thì thiền định vận hành như thế nào? Trong lúc thiền, người tham gia được yêu cầu tưởng tượng một khoảng thời gian lúc ai đó đang phải chịu đau khổ. Sau đó, họ tập cầu chúc người kia được bình an.

 

Người tham dự cũng sẽ tham gia và trải nghiệm lòng yêu thương cho nhiều nhóm người khác nhau, bắt đầu với một ai đó mà họ dễ cảm thấy yêu thương, như một thành viên trong gia đình hoặc một người bạn thân. Tiếp đó, họ tập cảm nhận lòng yêu thương cho một người xa lạ.

Tham dự viên đều được huấn luyện với thời lượng 30 phút mỗi ngày kéo dài trong hai tuần.

 

Thử nghiệm huấn luyện lòng yêu thương.

Các nhà nghiên cứu muốn biết rằng liệu hoạt động dạy yêu thương này có thể giúp tham dự viên trở nên vị tha hơn hay không. Tham dự viên sẽ phải chơi một trò chơi trong đó họ có thể dành tiền của mình để giúp những người lâm vào cảnh khó khăn.

 

Kết quả của trò chơi cho thấy, những người được dạy yêu thương trước đó sẽ có khả năng dành số tiền của chính mình để giúp những người bị đối xử thiếu công bằng, một minh chứng cho hành động vị tha. Những người chơi này có thể có lòng vị tha cao hơn những người trong nhóm chứng, là những người đã được đào tạo về quá trình tái đánh giá nhận thức trước đó.

 

Tập huấn về lòng yêu thương làm thay đổi não bộ.

Các nhà nghiên cứu cũng muốn xem xem lòng yêu thương sẽ tạo ra dạng tác động nào lên não bộ. Sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI) cả trước và sau tập huấn, các nhà khoa học đã có thể nhìn thấy được sự ảnh hưởng của loại hình thiền định này lên hoạt động của não.

 

Cái họ quan sát được là, những tham dự viên trở nên vị tha hơn sau khi được huấn luyện yêu thương cho thấy sự gia tăng trong hoạt động của não bộ ở thùy đỉnh, một vùng trong não bộ có liên đới với lòng thấu cảm và thấu hiểu người khác. Những vùng khác trong não bộ có liên đới với những luồng cảm xúc tích cực và điều tiết cảm xúc cũng cho thấy sự gia tăng trong hoạt động.

 

Các nhà nghiên cứu cho rằng cũng như nhiều loại năng lực khác, lòng yêu thương là một kỹ năng có thể được cải thiện qua luyện tập.

Các nhà nghiên cứu tin rằng kết quả của nghiên cứu mang đến những tiềm năng thú vị trong việc giúp đỡ người khác trong việc xây dựng lòng yêu thương, từ đó làm thay đổi cuộc sống của nhiều người.

Người trưởng thành khỏe mạnh không chỉ là đối tượng duy nhất hưởng lợi từ dạng huấn luyện này. Tập cho trẻ em và người lớn yêu thương có thể giúp làm giảm tình trạng bắt nạt và hỗ trợ cho những người đang gặp khó khăn với các vấn đề trong xã hội.

 

Tầm quan trọng của huấn luyện yêu thương.

Tại sao ta cần phải biết yêu thương có thể đạt được qua học tập, thậm chí là cả ở người trưởng thành? Vì lòng yêu thương là một thành tố cốt lõi trong nhiều hành vi thuận xã hội bao gồm đức tính vị tha và anh hùng.

Trước khi ta hành động để giúp người khác, điều quan trọng là ta không chỉ phải hiểu được vị trí của người kia mà ta còn cần phải có động cơ để giải tỏa họ khỏi đau đớn.

 

Theo một số nhà nghiên cứu, tình yêu thương bao gồm 3 yếu tố chính:

Đầu tiên, con người ta phải thấy được vấn đề mà người khác đang gặp phải là nghiêm trọng.

 

Sau đó, họ phải tin rằng những rắc rối này không phải do chủ thể tự làm tự chịu. Khi con người ta tin rằng tình thế khó khăn của một người là lỗi của chính người đó thì họ sẽ ít có khả năng thấu cảm và chìa tay giúp đỡ đối phương hơn.

 

Cuối cùng, con người ta phải có khả năng “hình dung” bản thân mình trong tình huống tương tự, đối mặt với vấn đề tương tự.

Nghe có vẻ như một đòi hỏi quá cao, nhưng nghiên cứu cho rằng tình yêu thương là một thứ chúng ta có thể học được.

Chúng ta không chỉ học được cách làm sao để trở nên trắc ẩn hơn mà ta còn có thể xây dựng năng lực cảm xúc giúp ta hành động và giúp đỡ mọi người.

 

Kết luận.

Trong thế giới tất bật ngày nay, thật quá dễ dàng để thấy rằng con người ta đã đang đánh mất đi kết nối với người khác. Đôi khi sự công kích dữ dội của những tin tức xấu có thể khiến con người ta cảm thấy rằng bản thân họ cũng chẳng làm được gì để thay đổi những điều đang xảy ra trên thế giới này.

 

Tuy nhiên, nghiên cứu lại cho rằng yêu thương là một kỹ năng có thể học được và củng cố được. Có lẽ bằng cách học cách làm tăng tình yêu thương trong ta thì con người mới có thể xây dựng được những kết nối sâu đậm hơn và có ý nghĩa hơn với người khác, từ đây lan tỏa những việc làm tốt, những hành động giúp đỡ và đơn giản là lòng tốt giữa người và người với nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét