Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

Bốn học thuyết chi phối hệ thống truyền thông

 

BỐN HỌC THUYẾT CHI PHỐI HỆ THỐNG TRUYỀN THÔNG

Trong cuốn sách “Bốn học thuyết truyền thông – Fred S. Siebert, Theodore Peterson, Wilbur Schramm ” ra đời năm 1956, được coi là cuốn sách gối đầu giường của những ai nghiên cứu truyền thông, các học giả mở đầu cho ngành nghiên cứu hệ thống báo chí truyền thông như Fred S.Siebert, Theodore Peterson hay Wilbur Schramm đã khẳng định rằng thứ cốt lõi nhất chi phối hình thức và mục đích của hệ thống truyền thông ở một quốc gia là thể chế và cấu trúc xã hội.

1. Thuyết Độc đoán.

Thuyết Độc đoán chi phối nền truyền thông trong các triều đại phong kiến phương Tây thế kỷ XVI, XVII: Thời Tudor ở Anh, thời Bourbon ở Phap, thời Hapsburg ở Tây Ban Nha. Nước Ý của Mussolini và nước Đức của Hitler cũng dùng một phiên bản của hệ thống này.

Thuyết dộc đoán coi dân chúng đa phần như thiếu khả năng thẩm định, nên cần được truyền đạt, tuyên truyền, giảng dạy. Thực chất, tri thức và sự thật bị quy định bởi Nhà nước.

Thuyết độc đoán nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thống nhất tư tưởng, bài trừ các tư tưởng đối lập.

Trong hệ thống độc đoán, truyền thông làm nhiệm vụ ủng hộ và xúc tiến các chính sách của chính phủ, phục vụ nhà nước.

Thế kỷ XVIII ở phương Tây diễn ra cuộc chuyển giao toàn diện, hệ thống truyền thông độc đoán dần trở thành hệ thống truyền thông được vận hành theo các nguyên tắc tự do. Đầu thế kỷ XVIII, hệ thống kiểm soát báo chí truyền thông dần sụp đổ. Quyển chi phối của vua lên báo chí bị loại bỏ, nhà thờ không còn là cơ quan lãnh đạo, sự độc quyền của nhà nước trong công tác xuất bản bị xóa bỏ. Đến cuối thế kỷ, các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do đã đưa quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí vào trong các bản Hiến pháp.

2. Thuyết tự do

Thuyết Tự do được chấp nhận ở Anh sau năm 1688, ở Mỹ; và có tầm ảnh hưởng tới các nơi khác.

Nếu như các nhà lý thuyết độc đoán cho rằng Nhà nước là biểu hiện cao nhất trong sự phát triển loài người, còn các nhà tự do chủ nghĩa thì bác bỏ điều này, họ chỉ coi nhà nước như một công cụ hữu ích và cần thiết nhằm thực hiện mục đích của các cá nhân mà thôi. Tóm lại, theo họ, xã hội, tập thể không thể đóng vai trò quan trọng hơn các cá thể tạo dựng nên xã hội đó.

Về bản chất của chân lý và sự thật, học thuyết này công nhận rằng cá nhân với khả năng tư duy phân biệt phải trái đúng sai của mình, có thể tìm được sự thật và chân lí. Các cá nhân phải tìm chân lí qua các hoạt động tư duy, tìm căn cứ, hình thành lập luận, tìm luận cứ, kiểm tra các giả định… Tức là sự thật và chân lí phải được từng người xác minh, và người đó phải tìm được đủ thông tin cần thiết để phán xét, chứ không còn đợi chân lí được trao truyền từ trên xuống như trong thuyết Độc đoán.

Các nhà tự do chủ nghĩa tin tưởng rằng với việc phơi bày tối đa thông tin như thế, người đọc sẽ tự có khả năng sàng lọc, loại bỏ những gì không phù hợp, và cuối cùng, cái gì được công chúng giữ lại sau cùng chính là cái đúng đắn, theo quy luật tự nhiên

3. Thuyết Trách nhiệm xã hội

Thuyết tự do cho rằng Nhà nước là kẻ thù lớn nhất có thể tồn tại của tự do, một nhà nước “đúng đắn” phải cho phép tự do hiện hữu. Còn Thuyết Trách nhiệm xã hội thì nhấn mạnh hơn vào trách nhiệm của Nhà nước, Nhà nước không phải chỉ nên cho phép tự do, mà còn phải chủ động khuyến khích và tạo điều kiện cho tự do.

Thuyết tự do nhấn mạnh đến quyền được phát ngôn, thì Thuyết trách nhiệm xã hội nhấn mạnh đến quyền lợi của người tiếp nhận. Thuyết Tự do đặt rất ít giới hạn lên người phát ngôn, lên các nhà xuất bản, còn Thuyết Trách nhiệm xã hội thì yêu cầu nhà xuất bản phải có trách nhiệm đạo đức.

Hoàn cảnh ra đời học thuyết: Nhờ các phát triển khoa học – kỹ thuật và công nghiệp, với sự ra đời của phát thanh, truyền hình… nền báo chí truyền thông ngày cảng có ảnh hưởng lớn lao đến đời sống xã hội.

Quyền lực báo chí lớn mạnh nhanh chóng. Tuy vậy, “thị trường thông tin tự do” mà thuyết tự do hướng tới lại đang bị phá vỡ, bởi ngành này đang bị chi phối bởi một nhóm ít người. Rào cản nhập cuộc quá lớn, không nhà đầu tư mới nào đủ khả năng gia nhập và lớn mạnh trong ngành công nghiệp truyền thông.

Chỉ có 5 nhà xuất bản lớn chiếm phần lớn tổng số lượng phát hành tạp chí và tổng số chi phí quảng cáo. 5 công ti khác sản xuất gần như toàn bộ số phim người Mĩ theo dõi. 2-3 mạng lưới phát sóng lớn phục vụ toàn bộ các trạm phát sóng trên toàn quốc. Quyền lực đang bị thâu tóm bởi một số ít người.

Truyền thông thời đó truyền bá thông tin lệch lạc tùy theo lợi ích của ông chủ, hoặc các tập đoàn tài trợ; truyền thông giật gân câu khách; truyền thông vi phạm riêng tư cá nhân, hoặc góp phần làm băng hoại đạo đức xã hội…

Học thuyết này làm hình thành nên những Bộ quy tắc về đạo đức báo chí và truyền thông. Bộ quy tắc sớm nhất ra đời ở Mỹ năm 1923. Các bộ quy tắc của ngành điện ảnh, ngành phát thanh, ngành truyền hình cũng lần lượt ra đời trong các bối cảnh công chúng đã ngày một mất cảm tình với các phương tiện truyền thông.

Ủy Ban Tự Do Báo chí đưa ra các yêu cầu cụ thể của xã hội hiện đại đối với báo chí truyền thông, và chúng trở thành thước đo cho hoạt động của báo chí.

4. Thuyết Toàn trị Xô Viết

Hệ thống truyền thông vận hành như một công cụ của chính quyền. Chính quyền sở hữu toàn bộ các phương tiện truyền thông. Hệ thống truyền thông, phải thực hiện các nhiệm vụ được nhà nước giao.

Truyền thông nhấn mạnh vào sự thống nhất quốc gia: đẩy mạnh sự đoàn kết dân tộc. Sự đoàn kết dân tộc và sự thống nhất tư tưởng dưới ngọn cờ Đảng luôn song hành cùng nhau.

Báo chí phương Tây ưa các thông tin đói lập trái chiều. Báo chí Xô Viết ưa sự nhất quán, thống nhất. Người Mỹ chê truyền thông LX bị chi phối bởi chính quyền. Người LX chê truyền thông Mỹ bị chi phối bởi các tập đoàn lớn. Báo chí Mỹ đưa nhiều nguồn để độc giả phân biệt thật giả. Báo chí Xô Viết nhất quán tư tưởng để bảo vệ và hướng dẫn người đọc. Người Mỹ chê báo chí Liên Xô không tự do. Người LX chê báo chí Mỹ vô trách nhiệm.

Người Liên Xô cho rằng nền truyền thông của họ là tự do, bởi định nghĩa tự do của người theo chủ nghĩa xã hội khác với cái tự do mà phương Tây hiểu ngày nay. Khi nói đến tự do, người phương Tây thường nghĩ ngay đến tự do khỏi Nhà nước, khỏi sự can thiệp của chính phủ.

Còn người Liên Xô lúc bấy giờ hưởng thụ sự tự do ngay trong khuôn khổ nhà nước, một nhà nước vừa bảo vệ họ, vừa nâng đỡ họ. Tự do của phương Tây là đặt câu hỏi phản biện lại hệ thống xã hội, chống lại các lề thói của hệ thống quyền lực đang áp chế lên anh ta. Tự do của Liên Xô là được nhà nước bảo vệ và chia phần, được đảm bảo phần quyền lợi đã phân chia mà không bị thế lực tư bản bóc lột nào đè đầu cướp mất.

Quan điểm chính thống cho rằng nền báo chí truyền thông Toàn trị Xô viết là nền báo chí nhân dân, xây dựng và kiểm soát bởi người đại diện của nhân dân, góp phần xây dựng “hình mẫu đích thực”. Còn theo quan điểm phương Tây đó là một nền báo chí kiểm soát chặt chẽ, không phải để phục vụ nhân dân, mà để làm thay nhân dân trong việc nhận tin, suy nghĩ, lựa chọn… ngăn chặn mọi lựa chọn chủ ý cá nhân từ họ.

Khi nghiên cứu, không nên nhìn nhận học thuyết này tiến bộ, học thuyết kia không, học thuyết này xấu, học thuyết kia tốt. Xấu tốt, tiến bộ hay phản động cũng chỉ là tương đối, việc quá ghét hoặc quá thích hệ thống nào đó có thể làm ta không hiểu đúng và hiểu kỹ về nó, đi nhiều vào cảm xúc cá nhân và bỏ qua các chi tiết. Mục đích của bài viết này là điểm qua các học thuyết truyền thống có ảnh hưởng nhất, xem có những ưu và nhược điểm nào, hiểu được logic hình thành và sử dụng của nó, qua đó đi tới nhìn nhận truyền thông một cách toàn diện và sâu sắc hơn.

------

Fred S. Siebert là Giám đốc Trường Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Illinois. 

Theodore Peterson là Phó Giáo sư Báo chí và Truyền thông tại Đại học Illinois. 

Wilbur Schramm, nguyên Trưởng khoa Truyền thông của Đại học Illinois, là Giáo sư Báo chí và Truyền thông tại Đại học Stanford. Các lý thuyết quy phạm lần đầu tiên được đề xuất bởi Fred Siebert, Theodore Peterson và Wilbur Schramm trong cuốn sách của họ có tên “Bốn lý thuyết về báo chí”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét