Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

Đồng hành cùng con bị Down vượt lên số phận

 

ĐỒNG HÀNH CÙNG CON BỊ DOWN VƯỢT LÊN SỐ PHẬN

Tại TP.HCM có một chàng trai bị Down 27 tuổi nhưng lại biết chơi đàn organ, đạt đai nâu võ Aikido, bơi lội, đá banh, có khả năng đọc, hiểu tiếng Anh cơ bản và đã theo học trường Đại học Văn Lang.

 

Mạc Đăng Mừng chính là chàng trai lập được những kì tích hiếm có này. Đằng sau những thành tích của Mừng là nỗ lực không biết mệt mỏi của cha, người đã tìm mọi cách thay đổi số phận của chàng trai này.

Để cậu con trai Mạc Đăng Mừng có thể hòa đồng và phát triển như những đứa trẻ bình thường khác, vợ chồng ông Mạc Văn Mỹ (66 tuổi) đã phải nỗ lực rất nhiều. Ông Mỹ cho biết, lúc ông bà bước sang tuổi tứ tuần mới sinh đứa con trai đầu lòng.

Niềm vui chưa được trọn vẹn thì nỗi buồn ập đến khi ông bà biết tin Mừng đã mắc hội chứng Down bẩm sinh.

 

Cậu bé Mừng ngày ấy 7 tuổi mới chỉ biết lết, 9 tuổi bập bẹ nói và phải đến 12 tuổi mới đi những bước tập tễnh đầu tiên. Nhìn tương lai của con quá chông chênh, không ít lần vợ chồng suy sụp, tuyệt vọng. Bà An tâm sự:


May mắn chúng tôi được một bác sĩ khuyên hãy mua một cây đàn cho cháu. Vị bác sĩ giải thích, đánh đàn sẽ giúp những đầu ngón tay được kích thích, nếu làm việc này thường xuyên sẽ giúp não bộ phát triển”. “Còn nước còn tát”, ông bà lại bấu víu vào chút hy vọng ấy để tiếp tục chữa trị cho con.

 

Về nhà, hai vợ chồng gom hết tài sản có giá trị trong nhà mang đổi được 5 chỉ vàng để mua cho con cây đàn Organ. Từ đó, người ta thấy trong căn nhà nhỏ phát ra những âm thanh từ tiếng đàn Organ. Ông Mỹ cho biết, hồi đầu để có thể chỉ cho con học đàn, ông đã phải đi học lỏm, bởi lẽ thuê giáo viên ai cũng từ chối. Họ cho rằng, một đứa bé đến đứng còn không vững như Mừng thì làm sao có thể học đàn.

Ngày Mừng biết rõ từng phím đàn, biết cảm thụ được những âm thanh trong trẻo từ tiếng đàn Organ, ông Mỹ nghĩ ngay đến một nơi dạy đàn bài bản.

 

Mỗi đêm trước khi Mừng ngủ, bà đều dành ra một khoảng thời gian nhất định để kể chuyện cổ tích cho con nghe. Ông Mỹ thì luôn sát cánh bên con trong việc học hành. “Để cho con có đầy đủ chất dinh dưỡng, tôi luôn áp dụng chế độ ăn nhiều rau củ quả, thực phẩm có lợi cho sự phát triển của não bộ. Trong quá trình tiếp xúc hàng ngày, mình phải hòa đồng với con, không chỉ làm cha, làm mẹ mà còn là một người bạn.

 

Hai vợ chồng ông Mỹ trước đây đều theo học chương trình giáo dục của Pháp, nên để dạy cho con ông bà phải tự mày mò tìm từng cuốn giáo trình tiếng Việt. Rồi họ quyết định cho Mừng đi học. Nghe tin này, họ hàng nội ngoại phản đối, vì lo Mừng không thể tiếp thu. Vậy mà Mạc Đăng Mừng đã hoàn thành chương trình học lớp 9 tại Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và đào tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM.

 

Mạc Đăng Mừng, chàng trai mắc hội chứng Down bẩm sinh nhưng đã trở thành sinh viên giỏi toàn năng khi anh biết đàn, biết võ Akido, hiểu cơ bản vài từ tiếng Anh và có chứng chỉ tin học của trường Đại học Văn Lang. Cùng đồng hành với Mừng trong suốt từng ấy năm, là sự hy sinh thầm lặng của người cha già Mạc Văn Mỹ, 66 tuổi.

Ở giải thể thao dành cho người khuyết tật TPHCM năm 2014, Mừng đạt huy chương vàng cá nhân, huy chương đồng tập thể môn bóng gỗ và huy chương bạc đồng đội môn bóng đá kết hợp dành cho người khuyết tật thiểu năng trí tuệ và người không bị thiểu năng trí tuệ. Trong ngôi nhà nhỏ treo rất nhiều huy chương thể dục thể thao mà Mừng đã đạt được, ít ai nghĩ rằng đây là một chàng trai mà 7 tuổi mới biết nói, 9 tuổi mới biết đi.

Để Mừng đạt được thành tích như bây giờ, hơn 20 năm qua người cha già Mạc Văn Mỹ luôn theo chân con đến lớp học. Một ngày của hai cha con bắt đầu từ sáng sớm, ông Mỹ thức dậy, chuẩn bị mọi thứ rồi chở con trai đến lớp. Ngày Mừng còn đi học ở trường ĐH Văn Lang, ông Mỹ cũng dự thính bên cạnh con mình, ghi chép cẩn thận để có thể truyền đạt khi con cần. Những môn học như tiếng Anh, thể thao, võ Akido... thì ông luôn đứng bên ngoài dõi theo từng bước đi của con, chưa một lần rời mắt. 

Biết mình đã già, không thể theo con đến lớp cả đời, nên thỉnh thoảng trong lúc chở con đi học, ông Mỹ nhỏ nhẹ nói với anh Mừng: "Nếu sau này, ba không còn đi với con được nữa, con phải mạnh mẽ lên, đừng buồn, con phải tự mình phấn đấu...". 

Ông nói vậy, chứ ông đâu muốn, và ông thật sự rất sợ nếu một ngày nào đó phải bỏ Mừng lại cuộc đời này một mình. Vì vậy ông luôn dạy con phải cố gắng học tập để kiếm được cái nghề, cố gắng rèn luyện thân thể để bảo vệ chính mình.

"Tôi thật sự không biết mình đã làm những gì, cho đến khi thấy mình xuất hiện trên vài trang báo cùng tiêu đề như "Người cha gần 30 năm đồng hành cùng con trai bệnh Down, tôi mới giật mình cảm nhận thì ra mình và con đã cùng nhau đi một quãng đường dài đến thế. 

 

Nhiều bậc phụ huynh có con khuyết tật hoặc bị Down cũng đến nhà vợ chồng tôi nhờ tư vấn vì họ suy sụp và bế tắc. Chúng tôi chả biết khuyên răn thế nào, cũng có bí kíp gì cho cam, chỉ biết vì tình yêu và vì bổn phận của người làm cha, làm mẹ mà hãy dành tất cả những gì tốt đẹp cho con mình dù đó là đứa trẻ không lành lặn chăng nữa. Mình yêu con mình, thì mình biết sẽ làm gì để cho nó cuộc sống tốt nhất", ông Mỹ chia sẻ.

Theo Báo Gia đình & Xã hội,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét