LỜI TIÊN TRI TỰ ỨNG NGHIỆM (SELF-FULFILLING PROPHECY)
Niềm tin là một thứ cực kỳ quyền lực!
Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra các bằng chứng mạnh mẽ về tác động của những niềm tin và mong đợi lên kết quả, đặc biệt là khi ta bị thuyết phục rằng những mong đợi của chúng ta sẽ thành hiện thực.
Thí nghiệm về hiệu ứng giả dược (placebo) đã chứng minh rằng niềm tin là một thứ cực kỳ quyền lực! các cuộc thử nghiệm điều trị lâm sàng và có hiệu quả mạnh mẽ đến mức người ta bổ sung thêm các biện pháp mới dựa trên hiệu ứng này nhằm thể hiện tác động của nó trên những kết quả thực nghiệm.
Lời tiên tri tự ứng nghiệm lần đầu tiên được khám phá và định nghĩa bởi Merton. Ông đặt tên hiện tượng là “Lời tiên tri tự ứng nghiệm” vào năm 1948, định nghĩa là:
“Một nhận định sai lệch về tình huống làm xuất hiện một hành vi khiến nhận định sai lầm ban đầu trở thành sự thật.”
Vòng tuần hoàn của lời tiên tri tự ứng nghiệm.
Khi ta tin vào điều gì đó về chúng ta, chúng ta có khả năng hành xử theo cách đáp ứng lại những niềm tin đó, rồi củng cố chúng và khuyến khích sự xuất hiện của hành vi tương tự.
Khi ta tin vào điều gì ở người khác, ta có thể hành xử làm sao để khuyến khích họ xác nhận giả định của chúng ta là đúng, từ đó củng cố niềm tin của ta về họ.
Ta không nghĩ nhiều về những chu kỳ này khi kết quả đầu ra là tích cực, nhưng lại có hẳn một thuật ngữ chung cho các chu trình này khi kết quả đầu ra là tiêu cực: những vòng luẩn quẩn.
Hiện tượng lời tiên tri tự ứng nghiệm còn có thể tìm thấy ở rất nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống. Ví dụ cụ thể trong 3 lãnh vực dưới đây:
Ví dụ trong giáo dục.
Một ví dụ kinh điển về lời tiên tri tự ứng nghiệm (hay Hiệu ứng Pygmalion) trong giáo dục đến từ nghiên cứu gây chấn động của Rosenthal năm 1968 trên nhóm giáo viên và học sinh.
Người ta đưa cho giáo viên một bản báo cáo rực rỡ về một số học sinh, giáo viên sẽ làm việc với những học sinh này để giúp chúng cải thiện kỹ năng và bổ sung kiến thức, điều này khiến những học sinh đó thực sự có kết quả tốt hơn trong học hành.
Không may thay là điều ngược lại cũng không hề sai: khi giáo viên cảnh cáo một số học sinh có hành vi không tốt hay năng lực học tập kém thì họ có thể vô tình đối xử với những học sinh này như thể chúng yếu kém, không thông minh và không vâng lời thực sự.
Học sinh tiếp nhận những nhận xét và mong đợi này và có thể bắt đầu áp nó vào bản thân, từ đó, chúng hành xử theo đúng như niềm tin ban đầu của thầy cô giáo.
Ví dụ tại nơi làm việc.
Có lẽ ví dụ nổi bật nhất về lời tiên tri tự ứng nghiệm tại chỗ làm là cuộc phỏng vấn xin việc – một trong những tương tác đầu tiên trong công việc.
Tưởng tượng, hai người có bằng cấp như nhau, nền tảng học vấn như nhau, kinh nghiệm như nhau, kỹ năng như nhau.
Một người cực kỳ tự tin vào năng lực ứng phó với cuộc phỏng vấn, người khi cảm thấy bất an về kỹ năng đi phỏng vấn và dự đoán mình không thể được nhận.
Người tự tin bước vào cuộc phỏng vấn với một nụ cười trên môi và trả lời gãy gọn hết các câu hỏi được đưa ra, trong khi người kia luôn bồn chồn bất an, trả lời ấp úng, ngập ngừng trong lúc nói.
Bạn nghĩ ai có khả năng là người được nhận? Rõ ràng là người được phỏng vấn nào tin tưởng bản thân và hành xử dựa trên niềm tin đó sẽ có cơ hội được nhận cao hơn người nào cứ chăm chăm nghĩ mình sẽ thất bại
Ví dụ trong các mối quan hệ.
Nếu một người phụ nữ hẹn hò một người đàn ông và cho rằng anh này không thực sự “nghiêm túc trong các mối quan hệ” hoặc “nghiêm túc về hôn nhân”, khả năng cao là cô ta sẽ không coi mối quan hệ là nghiêm túc và kềm lại, không đầu tư quá nhiều thời gian và công sức vào nó.
Vì thiếu đầu tư vào mối quan hệ nên đối phương có thể cảm thấy cô này xa cách và không dành cho mình, anh ta sẽ không theo đuổi cô này lâu bền. Khi anh ta rời đi, cô lại nghĩ rằng quan điểm của mình hoàn toàn chính xác – anh ta không nghiêm túc trong các mối quan hệ.
Tuy nhiên, có lẽ cô ta không nhận ra rằng chính nhận định của cô đã làm ảnh hưởng lên hành vi của bản thân và rằng cô ta thực sự khiến mối quan hệ gẫy vỡ qua hành vi của chính mình.
Cách nó định hình giao tiếp?
Khi ta nắm giữ niềm tin và mong đợi trong đầu hay dự đoán về một ai đó, ta thường hành xử với họ sao cho thống nhất với những niềm tin và mong đợi đó. Ví dụ, nếu ai đó nói bạn rằng người mà bạn sắp gặp mặt là một người cực kỳ thú vị và tuyệt vời với nhân cách tỏa sáng, thì khả năng cao là bạn sẽ cư xử hơi khác bình thường một chút, thân thiện hơn, và hỏi nhiều câu hỏi hơn.
Khi người này cảm nhận được sự quan tâm bạn dành cho anh ta và thích thú khi được quan tâm thì anh ta cũng sẽ quan tâm ngược trở lại bạn và đưa ra những câu trả lời đầy đủ, chặt chẽ cho câu hỏi của bạn.
Anh ta có thể trở thành một người mà có lẽ không ai mô tả là thú vị hay được gắn nhãn là “nhân cách tỏa sáng”, nhưng sự chú ý của bạn dành cho anh ta khiến anh ta cảm thấy mình thực sự được coi trọng và từ đó hành vi của anh ta cũng điều chỉnh lại cho phù hợp.
Tôi hy vọng bạn thấy những thông tin về các lời tiên tri tự ứng nghiệm là thú vị và bổ ích. Chắc chắn đây là một trong những nội dung vừa có ý nghĩa trong bối cảnh học thuật vừa có liên quan mật thiết đến đời sống từng cá nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét