Thứ Hai, 4 tháng 4, 2022

“Học thật, thi thật, nhân tài thật”


 “HỌC THẬT, THI THẬT, NHÂN TÀI THẬT”

 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận nhiệm vụ của mình theo định hướng chung mà Thủ tướng đã nêu: “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Điều này hàm ý nhận ra những sai lệch trong quá khứ: thay vì “học thật” nghĩa là học với tư duy phản biện, người ta bắt trẻ học thuộc lòng theo những lối mòn; thay vì “thi thật” người ta cho điểm cao tất cả thí sinh mà không sàng lọc nghiêm túc; thay vì chọn “nhân tài thật” người ta không đánh giá tài năng và kỹ năng một cách đầy đủ, cũng không thừa nhận người có năng lực.

Ba vấn đề này có thể được thảo luận kỹ hơn, chúng là vấn đề chung toàn cầu ngày nay, không phải là vấn đề riêng của Việt Nam, cũng không riêng trong lĩnh vực giáo dục, tuy nhiên ta hãy dành nó cho một bài báo khác.

 

Việt Nam thiếu một cơ quan chịu trách nhiệm cho cả hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu. Việc tồn tại vài trăm viện nghiên cứu công lập hoạt động độc lập với các trường đại học dựa trên một mô hình tách biệt giữa dạy học và hoạt động nghiên cứu khiến hệ thống quản lý thêm phần phức tạp.

 

Dấu hiệu tích cực đầu tiên từ thông điệp của vị Bộ trưởng là ông kiên trì đề nghị sự ủng hộ, không chỉ từ các giáo viên mà cả những người trong các ngành khác. Ông lặp lại đề nghị này trong một thông điệp đăng trên Facebook vào tháng Tám. Chúng ta hãy phản hồi tích cực lại đề nghị này, tin rằng ông nói thực lòng; hãy bắt đầu thảo luận trong cộng đồng, lắng nghe các tiếng nói với những quan điểm khác nhau, và hy vọng hội tụ thành những kiến nghị hữu ích. 

 

Thảo luận và lắng nghe một cách tích cực chưa phải là thói quen truyền thống của người Việt, nhưng nếu chúng ta thay đổi được thói quen này thì sẽ thúc đẩy ý thức về trách nhiệm chung, điều mà hiện nay hầu như vô hình: hãy nhìn nhận lời đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn như lời khích lệ chúng ta hành động như những công dân có trách nhiệm, bày tỏ quan điểm và những kiến nghị của mình một cách cởi mở vì một tương lai tốt đẹp hơn.    


Dấu hiệu tích cực thứ hai trong thông điệp của vị Bộ trưởng là ấn tượng về sự chân thành. Kinh nghiệm trước đây của ông, đặc biệt là trong việc lãnh đạo thành công Đại học Quốc gia HN suốt năm năm qua, giúp chúng ta tin rằng ông thực lòng trong lời nói của mình. Là người am tường triết lý Nho học trong nhiều năm, hẳn ông thấm nhuần những trí tuệ kết kinh trong Luận ngữ và có nhiều dịp để suy ngẫm về sự thịnh suy của nhân loại trong lịch sử. 

 

Ông đề cập nhiều vấn đề mấu chốt cho thực trạng giáo dục ngày nay: tầm quan trọng của việc đánh giá đạo đức (đặc biệt là nạn đạo, nhái, tham nhũng, lạm quyền); mức lương bổng quá thấp cho giảng viên và người làm nghiên cứu; đưa giảng dạy gần gũi hơn với thực tế, đáp ứng những gì cần thiết về kỹ năng và tài năng để phát triển đất nước; bổ nhiệm và thăng cấp nhân sự đúng với năng lực, đặc biệt với những vị trí chịu trách nhiệm; sự cần thiết khuyến khích tư duy phản biện để hình thành những công dân có trách nhiệm.


Chúng ta nhìn thấy ở đây một tia hy vọng: hãy đừng bỏ lỡ cơ hội này.


Theo Tia Sáng 3/4/22

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét