JOHN C.MAXWELL NÓI VỀ NGHỆ THUẬT LÃNH ĐẠO
Phương thức lãnh đạo phản ánh sức sống của doanh nghiệp. Đó cũng là một công việc gian nan đòi hỏi quá trình học tập và trau dồi. Nghệ thuật trong lãnh đạo được thuyết gia nổi tiếng thế giới John C.Maxwell nhắc nhở những nhà lãnh đạo.
Tìm kiếm thế mạnh và không ngừng phát triển thế mạnh đó
Để trở thành một nhà lãnh đạo được kính trọng, anh cần phải là chuyên gia thực sự trong một lĩnh vực nào đó. Maxwell nhắn gửi, những nhà lãnh đạo trẻ đừng vội nản chí khi chưa biết thế mạnh của mình ở đâu, trong thời gian đó hãy làm thử nhiều công việc và nhận thêm nhiều trách nhiệm để có cơ hội thử thách bản thân.
Bản thân Maxwell cũng thử nghiệm rất nhiều công việc từ mục sư, nhân viên các công ty, trải qua một thời gian dài tìm tòi hướng đi trong công việc diễn thuyết trước khi lừng danh thế giới với biệt danh “thầy phù thủy về lãnh đạo doanh nghiệp”.
Nhà lãnh đạo phải biết trân trọng các thành viên doanh nghiệp
Nói cho cùng, 50% sự thành bại của doanh nghiệp được quyết định bởi sự cống hiến của nhân viên. Khi các nhân viên cảm nhận được sự tin tưởng và trân trọng của nhà lãnh đạo đối với họ, họ sẽ không ngại hi sinh vì lợi ích chung của doanh nghiệp.
Hãy biết lắng nghe nhân viên của mình, hiểu họ cần và quan tâm đến điều gì để cải thiện công việc dù họ không tự nói ra. Hãy thể hiện sự quý trọng những giá trị được tạo ra bởi nhân viên, kể cả khi chúng chưa thực sự giúp ích cho doanh nghiệp tại thời điểm đó.
Lãnh đạo là gây ảnh hưởng – không hơn, không kém
Nếu anh là một doanh nhân và muốn tự kiểm chứng xem mình có đủ khả năng lãnh đạo hay không, hãy dành thời gian phục vụ cho các tổ chức vì cộng đồng. Trong khuôn khổ doanh nghiệp, anh có địa vị hoặc quyền lực về tiền lương, thưởng phạt làm bệ đỡ cho mình. Điều này không đúng tại các tổ chức cộng đồng. Nếu anh có thể làm mọi người nghe theo tiếng nói của mình, anh mới thực sự là một nhà lãnh đạo.
Hãy tập trung quanh mình những con người tích cực
Theo Maxwell, một doanh nghiệp có nhiều điểm tương đồng với việc những đứa trẻ tập trung chơi với nhau. Trong nhóm những đứa trẻ, mỗi đứa sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ và cách hành động của bạn bè chúng, theo cả hai hướng xấu và tốt. Nếu xung quanh đều là những bạn bè tích cực, mỗi đứa trẻ sẽ phát triển theo cách hoàn thiện nhất.
Là một nhà lãnh đạo, trách nhiệm của anh là phải tập trung những nhân sự tích cực cho doanh nghiệp. Những người này sẽ tác động lên nhau và tỏa ra nguồn năng lượng tươi mới cho toàn bộ hệ thống.
Đào tạo người yếu thay vì sa thải họ
Không phải người giỏi nhất mà chính là người yếu nhất sẽ nói lên nhiều điều nhất về tổ chức của anh. Nếu một nhân viên trải qua hàng năm làm việc cho anh nhưng vẫn có năng lực yếu kém, anh là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm về điều đó. Trân trọng mọi thành viên trong doanh nghiệp. Và vì trân trọng họ, anh phải là người khai phá tiềm năng và dẫn dắt họ trở thành một nhân viên giỏi hơn.
Tôi phải làm gì để đưa họ đến thành công?
Đó là câu hỏi mà một nhà lãnh đạo luôn phải chất vấn chính mình. Nhà lãnh đạo chính là cố vấn của mọi người khác, bao gồm các nhân viên trong doanh nghiệp. “Nhà lãnh đạo sẽ chùn bước xuống để nâng đỡ người khác lên”.
Để trở thành một nhà cố vấn kiêm lãnh đạo, anh phải thực hành đánh giá người khác theo những góc nhìn khác nhau. Có người tệ ở lĩnh vực này nhưng lại tỏa sáng ở khía cạnh khác. Và người lãnh đạo sẽ cho họ niềm tin để họ bứt phá ra những tài năng còn tiềm ẩn.
Nhân viên quan trọng hơn nhiều vị trí của nhà lãnh đạo
Điều này được nhắc đi nhắc lại trong các bài phát biểu cũng như những cuốn sách về lãnh đạo của John C.Maxwell. Ông luôn nói rằng, yêu thương là bước đầu tiên để có được sự phụng sự của nhân viên. Nhiều nhà lãnh đạo có quan niệm “nếu không phải là nhân viên này thì sẽ là nhân viên khác”, nhưng thực tế người chịu cống hiến cho doanh nghiệp không có nhiều như anh nghĩ.
Tôi đã sẵn sàng để thăng cấp cuộc chơi của mình
Điều cuối cùng liên quan đến việc trau dồi chính khả năng của người lãnh đạo. Nếu muốn thăng cấp thành lãnh đạo, anh phải là người đòi hỏi ít nhất. Anh làm việc trong môi trường công việc khắt khe nhất, có thể với số tiền lương ít ỏi nhất và đôi khi sẽ không có đồng nghiệp nào đứng ra giúp đỡ anh trong những thời điểm gian nan.
Nhưng đó lại chính là môi trường thúc đẩy sức chiến đấu của một người đầu tàu tài ba. “Lấy lửa thử vàng” là điều mà tất cả những nhà lãnh đạo hoặc muốn trở thành lãnh đạo cần biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét