Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

Nền giáo dục Athens cổ đại

 

NỀN GIÁO DỤC ATHENS CỔ ĐẠI

Athens là trung tâm giáo dục, học thuật và văn hóa của Hy Lạp cổ đại, cái nôi của nền văn minh và thế giới tinh thần phương Tây. Mục đích chính của nền giáo dục Athens cổ đại là làm cho công dân được lớn lên trong nghệ thuật và mọi thành tựu tri thức, cũng như giúp họ luôn sẵn sàng cho thời bình và thời chiến.

Trọng tâm thứ nhất của nền giáo dục sơ khai nhưng ưu việt này là bồi đắp song song phẩm chất đạo đức và khả năng thể chất của những học sinh. Tinh thần của nền giáo dục Athens có thể được tóm tắt trong một phương châm đã trở thành nền tảng của hầu hết nền giáo dục trên hành tinh này:

Một trí tuệ lành mạnh trong một cơ thể tráng kiện*. Còn trọng tâm thứ hai là xây dựng ý thức về nền dân chủ và ý thức công dân song song với giáo dục con người.

1. Giáo dục trí tuệ

Ngay từ lúc 6 tuổi, trẻ em Athen đã được dạy tại nhà, có những đứa trẻ sớm làm học trò của những bậc thầy sư phạm. Bọn trẻ được dạy những điều căn bản về đạo đức, đến năm 7 tuổi thì chính thức bước vào chương trình giáo dục tiểu học.

Bây giờ, những đứa trẻ được dạy cách đọc và viết, cũng như cách đếm và vẽ, cùng những bài học về âm nhạc và thể dục. Những bài học vỡ lòng từ cách đây hơn hai thiên niên kỷ đã được thiết kế rất bài bản, khởi đầu với bài học về chữ cái, rồi âm tiết, sau đấy là kiến thức về từ vựng từ và cấu thức câu.

Kỹ năng đọc và viết được dạy cùng một lúc. Khi những trẻ đã có thể đọc toàn bộ một quyển sách, chúng phải thường xuyên đọc thơ và học thuộc lòng. Những bài thơ quan trọng nhất với người Athens chính là những trích đoạn trong hai trường ca bất tử mà Homer để lại cho họ –  IlliadOdyssey.

Điều quan trọng nhất là một nền giáo dục tiểu học tiến bộ như vậy lại dành cho tất cả cư dân của thành Athens, nghĩa là kể cả người nghèo. Tuy nhiên, trẻ em trong những gia đình thuộc thượng tầng xã hội sẽ được đào tạo chính quy và bài bản hơn, bởi phụ huynh của chúng luôn có đủ khả năng thuê gia sư hoặc gửi chúng vào trường công lập.

Còn con em của những gia đình nghèo khó thì phải chấp nhận chương trình giáo dục không chính quy, và chính nhận thức của người làm cha mẹ cũng giới hạn tầm tiếp cận tri thức của những đứa trẻ.

Cần lưu ý, chương trình giáo dục tiểu học của Athens được phổ cập cho mọi người dân, nhưng vẫn có sự phân biệt giới tính. Những bé gái không đến trường mà được giáo dục ở nhà, bởi người mẹ hoặc gia sư. Tuy nhiên, người Athens không hề ngăn cấm phụ nữ tiếp cận những tri thức thượng tầng. Vấn đề là định kiến của người Athens: họ cho rằng mọi trọng trách với xã hội đều thuộc về người đàn ông, trách nhiệm của người phụ nữ là gìn giữ gia đình và nuôi dạy con cái.

2. Giáo dục thể chất

Đối với người Hy Lạp, một trí tuệ mẫn tiệp luôn phải đi liền với thân thể cường tráng. Song song với chương trình bồi dưỡng tri thức, những đứa trẻ Hy Lạp sẽ được giáo dục thể chất ngay khi bước vào bậc tiểu học. Đầu tiên, sẽ có một giáo viên được gọi là paidotribe dạy riêng cho từng đứa trẻ. Sau đấy, chúng sẽ được tập luyện trong phòng tập thể dục.

Thể dục được xem là điều tất yếu để tạo nên thế chất của một người trưởng thành, càng không thể thiếu đối với những chiến binh tương lai, và là nền tảng cho sức khỏe ở tuổi già. Giáo dục thể chất được đề cao đến độ có thời người Athens cho rằng việc thường xuyên có mặt ở phòng tập thể dục đã đủ để hoàn thành phần lớn chương trình giáo dục sau bậc tiểu học.

Mãi cho đến khoảng năm 420 trước Công nguyên, nhu cầu cải cách giáo dục trung học đã dẫn đến cuộc tranh cãi giữa quan điểm truyền thống và hiện đại.

Những người theo quan điểm truyền thống cho rằng việc nâng cao “trí thức” sẽ hủy hoại văn hóa Athen và đẩy Athens vào thế bất lợi trong chiến tranh.

Còn những người có tư tưởng cấp tiến khẳng định rằng sức mạnh thể chất dẫu quan trọng nhưng sẽ hao mòn theo thời gian, khoảng trống ấy cần được bồi đắp bởi sức nặng tri thức.

Cần lưu ý, những bé gái hoàn toàn có quyền tham gia những môn thể thao mạnh mẽ, điển hình là đấu vật.

Trung học

Đến lúc bước vào tuổi 14, những cậu bé trong những gia đình giàu có được quyền lựa chọn có tiếp tục tham dự chương trình giáo dục trung học hay không. Một cơ sở giáo dục trung học có thể cố định, hoặc là kết quả của những lần ngao du của những học giả thuộc triết phái Ngụy biện, hay những triết gia khác như Zeno Elea và Anaxagoras của Clazomenae**.

Chương trình giáo dục trung học bao gồm các môn khoa học tự nhiên (sinh học và hóa học), kỹ thuật hùng biện (nghệ thuật nói hoặc viết một cách hiệu quả), hình học, thiên văn học, khí tượng học và triết học. Việc để những cư dân Athens sớm tiếp cận những tri thức tinh hoa khiến Athens đã trở thành một trung tâm của tri thức, trung tâm của học thuật, một thành phố của những học giả và của những tri thức đi trước thời đại.

Người Athens tin rằng việc bồi dưỡng trí tuệ là là điều cốt yếu làm nên bản sắc của cư dân kinh thành này, cũng như là nền tảng cho danh tiếng về sau. Những thành tựu trong học thuật luôn có sức nặng làm nên vị thế của một cá nhân. Các trường hợp điển hình là Themistocles, Pericles, và Alcibiades, đều là những nhà lãnh đạo đã ảnh hưởng ghê gớm đến tiến trình chính trị và quân sự của thành Athens.

Sau trung học

Đến đây, những chàng trai vẫn có thể tiếp tục con đường học vấn bằng chương trình đào tạo công dân (ephebe). Cụ thể, họ có quyền đề xuất trở thành một công dân ở tuổi 18. Vào thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, chương trình đào tạo công dân được khởi sự như một khóa học quân sự, với hai năm phục vụ trong quân ngũ. Tuy nhiên, chương trình này về sau còn được bổ sung cả phần kiến thức học thuật.

Những hình thức giáo dục khác:

Như đã nêu trên, con em của các gia đình nghèo thường không thể tiếp xúc với nền giáo dục tiểu học chính quy. Tuy nhiên, những đứa trẻ này không hề bị lãng quên. Solon, người lãnh đạo của thành Athens từ thế kỷ VII đến giữa thế kỷ VI trước Công nguyên, đã nỗ lực rất nhiều để cải cách kinh thành này.

Ông đã khuyến khích những bậc phụ huynh nghèo để cho con em họ tham gia những chương trình đào tạo nghề. Bằng cách bồi dưỡng kiến thức kinh tế cho những đứa trẻ này, chúng không những không trở thành người thừa mà còn tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất của xã hội Athen.

Âm nhạc và vũ đạo cũng rất quan trọng đối với cư dân thành Athens. Trong hầu hết các bậc giáo dục, một công dân Athens luôn được khuyến khích thực hành nhảy múa, ca hát và sử dụng nhạc cụ, điển hình là đàn hạc, sáo và đàn lia. Đấy chính là cách người Athens duy trì truyền thống và vẻ cao sang trong thế giới tinh thần của họ, cũng chính là nền tảng của lịch sử thâm trầm của nghệ thuật phương Tây sau này.

Kết luận

Sau hơn hai thiên niên kỷ, trong kỷ nguyên hậu hiện đại, không ít quốc gia vẫn chưa thể xây dựng được một nền giáo dục ưu việt như người dân Athens cổ đại từng có. Vấn đề ở đây không chỉ là giúp học sinh nhanh chóng tiếp cận và luôn được cập nhật những kiến thức thượng tầng.

Vấn đề cốt yếu là để người học sinh được trưởng thành trong tinh thần dân chủ, nghĩa là luôn có quyền lựa chọn, và không bao giờ bị bỏ rơi, bất kể thân thế người học sinh ấy ra sao.

Chương trình giáo dục trung học của thành Athens, dù được gọi là “giáo dục trung học” (secondary education) nhưng thực ra về bản chất rất gần với chương trình giáo dục đại học. Ở đây, thầy trò trao đổi thẳng thắn với nhau trên tinh thần tìm ra chân lý, và người học trò thì từ sớm đã được khuyến khích tranh luận, hùng biện.

Tinh thần dân chủ, thẳng thắn và cầu thị ấy hoàn toàn không phải là những yếu tố khó đạt được, nhưng chính là căn cốt để những di sản tinh thần của thành Athens vẫn còn ảnh hưởng đến nhân loại trong thời đại ngày nay. 

---------

*A sound mind in a sound body

** Những học giả này thường đi lang thang, và trong quá trình ngao du tập hợp được một số môn đệ, ngày ngày họ bàn bạc, trao đổi về rất nhiều chủ đề, và cứ như vậy tạo nên một ngôi trường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét