Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2020

Giáo dục Giá Trị Bản Thân cho trẻ

Giá trị bản thân - Điều phần lớn các bậc cha mẹ Việt “quên" giáo dục trẻ

Nhiều cha mẹ Việt chưa tìm thấy phương pháp giáo dục đúng đắn cho con cái, bởi vậy, thay vì dẫn dắt trẻ tìm thấy giá trị của bản thân, họ lại áp đặt, tạo nên sự phụ thuộc và những tính cách “nguy hại". 

Phụ thuộc vào sự phán xét của người khác  

Nhiều cha mẹ, một cách vô thức, coi sự phụ thuộc về vật chất và tinh thần của con cái như một đòn bẩy cảm xúc để điều khiển chúng tuân theo hành vi họ mong muốn. Họ thường sử dụng lời khen ngợi (bao gồm cả phần thưởng khi họ công nhận và hài lòng về hành vi của con) và quở trách (bao gồm cả những hình phạt biểu thị sự không hài lòng với hành vi của con). Do đó, thay vì phát triển năng lực bản thân, hình thành nhân sinh quan đúng đắn và độc lập, những đứa trẻ trở nên “nghiện” những lời khen ngợi và coi chúng là sự bảo đảm về mặt cảm xúc và khả năng. Ngược lại, chúng xem những lời quở trách là nguồn gốc của sự sợ hãi cũng như đánh giá tiêu cực về năng lực bản thân mình.

Dần dần, đứa trẻ mải mê đuổi theo lời khen ngợi của người lớn. Mỗi lần khen ngợi sẽ xoa dịu nỗi sợ hãi của chúng trong giây lát; bởi vì nó báo hiệu rằng, ít nhất là trong lúc này, đứa trẻ có sự ủng hộ của người lớn. 

Đối với một đứa trẻ được nuôi nấng trong môi trường như vậy, năng lực tự thân và tính độc lập của chúng bị cản trở. Đứa trẻ trở nên phụ thuộc vào sự phán xét của người khác, đặc biệt là những người có quyền. Chúng không thể tự khám phá, nghiền ngẫm và vui mừng với mong muốn thật của bản thân hay năng lực mới của chính mình. Chúng chỉ chú trọng đến tinh thần bản thân khi bị người khác nhận xét.

Theo đuổi sự phù phiếm

Không chỉ phụ thuộc vào nhân sinh quan của người khác, một đứa trẻ không được giáo dục tốt về giá trị của bản thân sẽ chạy theo sự phù phiếm khi chúng trưởng thành. Chúng tạo nên sự an tâm về mặt cảm xúc bằng cách xây dựng một vẻ ngoài “hào nhoáng" và một cuộc sống “thành tích". 

Cụ thể là, chúng sẽ cố gắng ăn mặc thật hợp thời, chạy theo những xu hướng hiện đại “cool ngầu", luôn thích nói về những thành tựu của mình và ưa thích người khác nể phục. Chúng háo hức tìm kiếm lời khen trong công việc, lượt thích trên Facebook, v.v. Tồi tệ hơn, để chứng tỏ bản thân, chúng có thể sa ngã, bị cám dỗ bởi những tệ nạn xã hội. Khi không đạt được sự công nhận như kì vọng, chúng phát triển tâm lý tiêu cực về sự cạnh tranh và tính kiêu ngạo. Theo thời gian, thói quen không tốt này sẽ dẫn đến một trạng thái “trống rỗng" về tinh thần, một sự yếu đuối của nội tâm khi đối diện với những thử thách và biến cố của cuộc sống.

Kiểu giáo dục này sẽ dễ tìm thấy ở xã hội châu Á, trong khi phần lớn các nước phương Tây luôn chú trọng vào sự phát triển đúng đắn về tinh thần và thể chất của trẻ.  

Ví dụ, để tránh bệnh thành tích, một trường tiểu học tại Anh, khi gửi phiếu kết quả thi tốt nghiệp cho học sinh đã kèm theo một bức tâm thư, nhắn gửi chúng về giá trị đích thực của điểm số.

“Chúng tôi cảm thấy rất tự hào về kết quả của bạn, vì chúng tôi nghĩ rằng bạn đã nỗ lực hết mình.

...Nhưng bạn cần biết một điều, kết quả thi này kỳ thực không thể phản ánh ra bạn có bao nhiêu khả năng đặc biệt.

...Vì thế, điểm số chỉ là điểm số, chúng ta tự hào về điểm số của mình, nhưng hãy luôn ghi nhớ rằng, chúng ta có rất nhiều cách thức để chứng minh bản thân mình, thi cử tuyệt đối không phải là cách thức duy nhất!”

Thay vì để trẻ trưởng thành trong sự bất an, bất cần, lo lắng, hãy dạy trẻ cách xây dựng giá trị của bản thân. Từ đó, chúng sẽ thấy tự tin về năng lực và an toàn về mặt cảm xúc. 

Tạo ra sự độc lập, không phải sự phụ thuộc  

Người Mỹ có một quan niệm rằng: Khi con ngã, hãy để đứa trẻ tự tìm cách đứng lên. Với họ, đây là cách tốt nhất để rèn cho trẻ tính độc lập và kỹ năng sống giúp chúng ứng phó với những việc xảy ra xung quanh mình. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, con không nên dựa dẫm vào cha mẹ mà phải đứng lên bằng đôi chân của mình. Đó là điều mà bố mẹ muốn truyền dạy cho con.

Cha mẹ không nên áp đặt quan niệm đúng sai của mình vào trẻ, mà hãy giáo dục chúng tự khám phá bản thân và có một cái nhìn rộng mở về thế giới xung quanh. Hãy hỏi và lắng nghe con nhiều hơn thay vì ra lệnh và yêu cầu con làm theo. Giao tiếp đúng cách với trẻ sẽ khiến chúng thoải mái là chính mình và phát triển tính cách tự tin khi trưởng thành. 

Những lời khen chê có thể là một công cụ để giáo dục trẻ, nhưng không nên là mục tiêu quan trọng nhất hay phản ánh quan điểm duy nhất về thế giới. Hãy tạo ra sự độc lập, giáo dục chúng về giá trị bản thân, thay vì để trẻ phụ thuộc vào bạn về cả tình yêu, sự nghiệp và lối sống. 

Nếu bạn làm được điều này, bạn đã hoàn thành phân nửa nghĩa vụ của một người cha, người mẹ.

ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét