Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

Tấm lòng của ‘bà giáo dở hơi’

 

TẤM LÒNG CỦA ‘BÀ GIÁO DỞ HƠI’

Chở che những “thiên thần” đặc biệt

Chúng tôi đến thăm bà Ở ngõ Khâm Đức, nằm trong phố chợ Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội vào một buổi chiều khi những người phụ nữ của gia đình bận rộn với công việc bếp núc.

Riêng ngôi nhà nhỏ của bà giáo Đào Ngọc Huấn, bếp vẫn chưa đỏ lửa, bà đang bận dạy một bé trai tự kỷ. Bé trai vừa viết chữ “O”, vừa nói liên hồi những từ không rõ nghĩa. Bà cũng không thể dứt việc “kèm em” để tiếp khách, vì bé gọi bà liên tục: Mẹ, mẹ…

 

Đây là một bé trai bị tự kỷ bà dành nhiều tâm huyết. Tầm 4 giờ chiều, dù đang bận vẽ tranh hay bất cứ công việc gì, bà Huấn cũng bỏ đó, tất tả đi đón cậu bé tại ngôi trường cậu đang theo học, rồi đưa về nhà mình dạy dỗ.

Có những khi vừa ra khỏi cổng trường, cậu bé đã vứt ba lô và giày ngay xuống đất, rồi chạy đi ầm ầm, khiến bà giáo xấp xỉ 70 tuổi vai đeo ba lô, tay xách giày phải đuổi theo cậu bé trên đường phố. Song chẳng khó khăn nào khiến bà bỏ cuộc.

 

Tò mò hỏi về thù lao nhận được qua công việc này, bà cười: “Tôi không mở lớp, không kinh doanh. Chỉ nhận vài cháu chăm sóc tình nguyện, phụ huynh thương bà lão già, có gửi cho tôi tiền xăng xe đưa đón các cháu, tiền đi xe ôm… Vậy thôi”.

Phụ huynh đưa 500 ngàn đồng/tháng là nhiều. Cũng có phụ huynh khó khăn hơn, không đưa đồng nào, bà cũng chẳng đòi hỏi.

 

Chúng tôi hỏi bà đã kinh qua trường lớp chuyên đào tạo giáo viên dạy trẻ em đặc biệt chưa? Bà thú nhận: Không được học trường lớp nào, chủ yếu bà thu lượm kiến thức qua sách vở và trải nghiệm tiếp xúc với những “thiên thần” đặc biệt.

 

Dang tay với trò lầm đường, lạc lối

Bà Đào Ngọc Huấn nguyên là giáo viên cấp 1: “Tôi từng dạy ở trường Phú Diễn, rồi trường Cầu Diễn, sau lại ra trường Nguyễn Khả Trạc, ở Đồng Xa, Mai Dịch, lại về Cầu Diễn, rồi nghỉ hưu luôn”.

Hơn 20 năm dạy học ở các ngôi trường ngoại thành Hà Nội, bà đã dìu dắt bao thế hệ học sinh. Có những học trò của bà lớn lên thành người lương thiện, gặt hái thành công trong cuộc sống, song cũng có những học trò đi vào ngõ tối khiến bà đau lòng. Mới có chuyện, cô giáo giúp học trò cũ cai nghiện.

 

Con giai tôi bảo, mẹ già rồi, mẹ khổ quá rồi, mẹ nghỉ ngơi một chút đi”. Nhưng nào có được nghỉ ngơi, ngay sau đó bà lại bận bịu với các em nhỏ tự kỷ.

Song không phải lúc nào sự ứng xử tử tế cũng nhận được trái ngọt. Cách đây vài năm, cũng chính tại con ngõ Khâm Đức, nơi bà đang sống, lòng tốt của bà đã bị người ta sỉ nhục: “Có một cháu trai ngoài hai mươi tuổi bị đuổi ra khỏi nhà.

Tôi thương cháu nên cho cháu ở nhờ nhà tôi. Bà của cháu, vốn chơi khá thân với tôi trước đó, đã sang mắng tôi thậm tệ, đau nhất là bà ấy chửi tôi “thèm giai” nên mới chứa chấp. Tôi chỉ biết ôm mặt khóc thầm”.

 

Mẹ của những bé thơ không nhà

Nổi tiếng với tấm lòng Bồ Tát nên bà Đào Ngọc Huấn không ít lần bị người nọ, người kia gây phiền: “Hồi đó, tôi đang sống ở Mai Dịch. Một người phụ nữ trẻ đến bảo: Nghe nói cô giáo rất yêu thương trẻ thơ. Em bận quá lại phải đi việc rất cần, em gửi cháu một lát, quần áo cháu đây. Thế là tôi đồng ý.

 

Nào ngờ họ đi một mạch, không quay lại. 3 mẹ con tôi nuôi bé. Có một lần mẹ của bé về thăm, vào lúc tôi vừa mua cho con gái ruột cái xe đạp mới, mẹ bé mượn đi, lần này bặt tăm cả người lẫn xe đạp”.

Em bé bị người mẹ vô tâm bỏ rơi ấy được bà đặt cho cái tên kiêu sa: Hoàng Yến. “Hoàng” là họ của cha bé, bà đã vô tình biết được khi chuyện trò cùng mẹ của bé.

 

Nuôi Hoàng Yến từ khi đỏ hỏn đến khi bé đã biết làm vài việc cỏn con, con ruột của bà Huấn nhắc: “Mẹ ơi, em sắp đến tuổi đi học rồi đấy. Mẹ xem làm giấy khai sinh cho em, để em được đi học”.

Nghe con nhắc, bà dắt xe đạp bắt đầu hành trình tìm kiếm cha em bé. Nghe láng máng mẹ bé kể, cha bé tên Hoàng Tùng, làm nghề lái xe, ở Ngõ Thổ Quan, (hay Quan Thổ?) trên phố Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội.

 

Bà đi hết ngõ Thổ Quan không tìm được người có tên “Hoàng Tùng”.  Lại sang ngõ Quan Thổ, đi khắp Quan Thổ 1, Quan Thổ 2 rồi Quan Thổ 3, bà dừng lại ở một quán nước, hỏi người bán nước: Ở đây có ai tên Hoàng Tùng, làm nghề lái xe?

Một người phụ nữ từ ngôi nhà cạnh đó nói vọng ra: “Cháu ơi, cháu quen Tùng nhà bác à?”. Bà mừng rỡ, bước ngay đến. Trò chuyện một hồi mới hay, cha mẹ Hoàng Yến khi xưa yêu nhau nhưng bị các bậc phụ huynh ngăn cản, họ chia xa.

 

Đến nhà cha của Hoàng Yến, bà giáo Huấn mới biết, bố em và bên nội lâu nay vẫn đi tìm “giọt máu” bị bỏ rơi. Bà giáo trả con cho người ta. Đến nay, cô bé Hoàng Yến ngày nào đã trưởng thành, lập gia đình và sinh con như bao người phụ nữ bình thường khác.

 

“Thương người như thể thương thân”

Bà Đào Ngọc Huấn đang sống trong một ngôi nhà nhỏ, bình dị: “Lương hưu của tôi trên 3 triệu đồng một tháng nhưng tôi được con gái “tài trợ” tiền điện, nước, internet”, bà khoe. Với mức lương hưu khiêm tốn ấy, bà vẫn làm từ thiện, giúp đỡ người neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn…

“Tôi ăn uống đơn giản lắm, có khi củ khoai, cái bánh mỳ cũng qua bữa. Có hôm hàng xóm gọi: Bà giáo ơi, có bát canh, bà có ăn không? Tôi ăn bát canh và thôi không nấu nướng gì nữa”, bà sống đạm bạc, tiết kiệm để dành tiền làm từ thiện.

 

Thế nên người ta có bảo bà “dở hơi”, bà không dám phản ứng, chỉ cười. Cách đây không lâu, để dạy trẻ tự kỷ, bà mua lại một cây đàn piano cũ, với giá 26 triệu đồng. Người bán đàn cho phép bà trả góp. Biết vẽ, biết đàn, biết thơ phú song hầu hết những món tài lẻ ấy đều do bà mày mò tự học.

Ngày trước bà chăm đọc sách, mấy năm nay, bà vào mạng tra cứu tài liệu. Bà giáo tự nhận “dở hơi” nhưng chẳng bao giờ chịu đi sau thời đại.

Nông Hồng Diệu (Báo Tiền Phong)

Chị ơi, cho em hỏi

CHỊ ƠI, CHO EM HỎI

“Chị ơi! Sao em thấy lúc nào chị cũng cười vui vẻ, thế chị không biết buồn hả chị?”

Chà “Em ơi! Là người mà nếu lúc nào cũng cười không biết buồn là gì thì một là dở hơi hay hâm hấp mà cũng có khi là quá vô duyên. Cuộc sống ai cũng có đủ vui buồn, vấn đề là ở chỗ vui lúc nào và buồn lúc nào.

Khi lòng mình buồn, không nhất thiết phải đi kêu rên hết chỗ này đến chỗ khác, thở than than thở hết người nọ đến người kia, mặt nhăn mày nhó ca cẩm để cho thiên hạ thấy ôi tôi buồn quá tôi khổ quá đây. Làm thế chả được cái ích lợi gì cả, chỉ tổ làm người ta chán mình thêm.

Đành rằng cũng có những lúc tâm trạng tệ quá không cầm nổi thì cũng phải nói ra với một ai đó, ít nhất cũng cảm giác là mình xả ra được một phần, và khi nhận lại những lời vỗ về hoặc động viên, mình cũng nhẹ bớt đi, nghĩ sáng hơn. Nhưng chỉ là lúc hết sức chịu đựng, còn thì hãy tự biết điều tiết tinh thần.

Bởi nếu được chọn lựa, không ai là thích cái chuyện ngồi nghe người khác than vãn u sầu phiền muộn cả.

Hơn nữa, khi đang buồn mà có dịp vui cười hể hả với ai đó, thì cũng là một tác động tích cực cho chính mình lắm. Nên hãy biết cười ngay cả lúc tưởng như mình không thể cười nổi.

Hãy tin đi, cười vẫn tốt hơn khóc cả vạn lần mà. Khi nào có chuyện gì không vui, bức ách hay buồn khổ thì hãy chọn một tâm thế như thế này: Cuộc đời vốn không có nhiều ưu đãi, vậy nên cái gì không hay không vui thả vào gió cho nó bay đi.

Và mỗi con người nên tự lập cho mình một cái bồn có sức chứa và có sức tiêu, để giải quyết mọi điều bất ái”.

Chị ơi “Ừ thì cứ cho là chị giỏi giấu cảm xúc, giỏi đeo mặt nạ tâm trạng để không ai biết chị đang buồn. Thì ít nhất cũng phải bộc lộ ra trong tác phẩm chứ? Người viết thường vận dụng ngôn ngữ là cách tốt nhất để thổ lộ mà”.

“Đồng ý viết là cách tốt nhất để tháo trút tâm tư, để trang trải cõi lòng, để gửi gắm bao nỗi niềm.

Nhưng không phải là cái gì cũng có thể vứt bừa ra trên giấy được. Cho dù văn chương thi ca là sự phản ánh chân thực của đời sống, thì cũng phải biết cách chuyển tải như thế nào cho người đọc cảm thấy dễ chịu, cho dù họ có thể khóc sướt mướt vì một nhân vật, cho dù họ có thể động lòng trắc ẩn vì một hoàn cảnh, nhưng không thể bắt họ phải tha lôi hòn đá đau khổ của tác giả cồ tình ném vào.

Cuộc sống vốn đã buồn nhiều hơn vui, khổ nhiều hơn sướng, Viết một cách có trách nhiệm thì phải biết gia giảm phong vị thế nào đủ để người đọc vẫn nắm bắt được tính đa chiều của cuộc sống mà không thấy mình bị bắt ép phải chấp nhận hay chịu đựng nối thống khổ mệt mỏi của người khác.

Đưa ra những khuôn mặt méo mó để biết trân quý những đẹp đẽ tròn đầy, đưa ra những gập ghềnh trúc trắc để biết trân trọng những bằng phẳng êm ái.

Nhưng quan trọng là cách thắt và mở của vấn đề, để người đọc khi đọc xong có chút ưu tư nhưng tiếp nhận một cách thoải mái. Có những bài viết kêu ca khóc than gào thét cay cú hay rên rẩm đều có thể xem như một vấn nạn của văn chương.

Nói nhỏ nghe nha: các đấng trượng phu thích nghe phái yếu thở than ca cẩm kêu rên lắm đó, là để họ có dịp sung sướng được làm người cứu giúp mà.

Nói tóm lại là không phải nhiều thứ, còn những gì cần thiết với bản thân thì tự biết điều chỉnh và khắc phục chứ. Cuộc sống của mình mà cứ chờ người này người nọ người kia làm cho mình lo cho mình thì chán chết đi được.

Cái gì cũng có tính hai mặt, chấp nhận mặt này thì cũng phải biết thích ứng mặt kia. Mình không khuyến khích sống độc thân, mà có khuyến khích cũng không được, vì mỗi người một nhu cầu, họ không có ý thì cũng chẳng lôi kéo được, chỉ là sống thế nào phù hợp với mình mà lại không gây ảnh hưởng gì cho người khác thì cứ việc thoải mái mà thôi”.

 

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2023

Chọn người tri kỷ

CHỌN NGƯỜI TRI KỶ

Ở bên Mỹ, có anh chàng kia rất đẹp trai, tài ba, tốt nghiệp đại học thuộc hàng ưu tú, có việc làm lương rất lớn, và có rất nhiều cô bạn gái thật xinh đẹp.

Bà mẹ rất ngạc nhiên khi thấy anh rất thân với một cô gái không phải là đẹp. Cô này hơi thấp, nước da hơi đen, mà sao con trai mình có vẻ thích cô này hơn các cô khác?

Bà cũng tò mò. Bữa đó hai mẹ con ngồi riêng với nhau, bà nói: “Má thấy mấy đứa kia ngó được quá mà sao con không chọn, con lại đi chọn con nhỏ này hơi đen mà lại thấp nữa?” Anh chàng không biết trả lời làm sao hết. Anh chàng chưa suy nghĩ thành ra bị hỏi bất ngờ quá không trả lời mẹ được.

Nhưng sau ba bốn ngày quán chiếu, anh ta tìm ra câu trả lời. Cái cô này mỗi khi anh nói chuyện, cô biết lắng nghe.

Anh là nhà khoa học nhưng anh cũng ưa làm thơ. Mỗi khi anh đọc thơ, cô lắng nghe, và cô hỏi những câu hỏi chứng tỏ cô hiểu được thơ của anh. Còn những cô khác cũng nghe, nhưng nghe do lễ phép, bắt buộc phải nghe thơ nhưng không thích. Thành ra cái đặc biệt của cô này là cô thích thơ, cô hiểu thơ, cô lắng nghe thơ. Và cô trở thành tri kỷ của anh.

Tri kỷ là người hiểu được mình. Trên cuộc đời này mà tìm được một người có thể hiểu được mình thì mình là người có hạnh phúc. Món quà quý nhất mà người kia có thể tặng cho mình là khả năng hiểu được mình.

Có những người sống trong cuộc đời này mà chưa bao giờ tìm được một người có thể gọi là hiểu mình cả.

Dù là con trai hay con gái, trong cuộc sống này nếu mình có thể tìm được một người có khả năng lắng nghe mình, có thể hiểu được những khó khăn, những khổ đau, những ước vọng của mình thì tức là mình tìm thấy nơi người đó một tâm hồn tri kỷ.

Tri kỷ là biết nhau, là hiểu nhau.

Cái người mà khi mình nói cứ cắt lời mình, không để cho mình nói, cứ khoe cái của họ, không có khả năng hiểu được những khó khăn, những khổ đau của mình, không biết lắng nghe mình… muốn nhận ra người đó rất dễ, chỉ cần vài ba phút là được.

Đừng để cho mình bị hấp dẫn bởi những cái bên ngoài: Sắc đẹp, địa vị, danh lợi, xe hơi, nhà cửa, lương tiền, bằng cấp… Đừng để cho những cái đó làm cho mình mờ mắt. Hai con mắt mình hãy tỉnh táo để có thể nhận rằng người con gái đó, hay người con trai đó là một người có thể hiểu được mình, và hiểu được mình thì có thể có khả năng thương mình. Rất rõ ràng như vậy.

Đó là tiêu chuẩn của đạo Phật về hạnh phúc, về tình yêu. Những người yếu đuối thường bị hấp dẫn bởi những cái phù phiếm bên ngoài.

Trong đời sống đang bao quanh muôn vẻ phù phiếm, ta cũng tránh xa những cái hấp dẫn của vật chất, cái bề ngoài phù phiếm không thể coi thường được, lỡ dính mắc vào nó sẽ làm hại cả cuộc đời.

Làng Mai > Tàng kinh các > Bài Viết > Chọn người tri kỷ