Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

Mỹ nhân dưới góc nhìn khoa học


 Marilyn Monroe – biểu tượng của sắc đẹp và sự quyến rũ. Ảnh: Resimsi

MỸ NHÂN DƯỚI GÓC NHÌN KHOA HỌC

Cái đẹp xưa nay vốn thuộc phạm trù mỹ học, luôn được xem là trừu tượng và rất khó định nghĩa. Tuy nhiên, dưới góc nhìn khoa học nó lại trở nên hết sức rõ ràng, cụ thể…

Tỷ lệ vàng

Quan điểm về cái đẹp luôn thay đổi theo thời gian và không gian. Mỗi một quốc gia, dân tộc đều có cho mình những tiêu chí riêng về cái đẹp. Chẳng hạn, vào thời Đường ở Trung Quốc, phụ nữ đẹp phải là những người có thân hình tròn trịa, phúc hậu. Nhưng hiện nay, những cô gái có thân hình mảnh mai mới được coi là đẹp.

Tuy nhiên, dù liên tục có sự thay đổi trong quan điểm về cái đẹp nhưng một tiêu chuẩn hàng đầu, quan trọng nhất vẫn không đổi. Đó là sự cân xứng.

Một nghiên cứu được các nhà khoa học thuộc Đại học Oxford, Anh tiến hành đã chỉ ra rằng, sự cân xứng là tiêu chuẩn tiên quyết của cái đẹp, kể cả phái nam và nữ. Điều này vẫn đúng, thậm chí là đối với các loài động, thực vật.

Theo nghiên cứu của tiến sĩ Randy Thornhill - Đại học New Mexico, Mỹ, những con ruồi bò cạp có đôi cánh cân xứng nhất sẽ có nhiều bạn đời nhất; hay như loài ong luôn bị những bông hoa cân xứng thu hút vì những bông hoa này thường cho nhiều mật.

Càng khám phá, con người càng thấy các thực thể hữu cơ và vô cơ cân đối trên thế giới đều theo một tỷ lệ đặc biệt, còn gọi là tỷ lệ vàng. Con số này đã chi phối vẻ đẹp cân đối hài hòa của toàn vũ trụ và nhân loại mà đến nay vẫn chưa ai giải thích được tại sao.

Tỷ lệ vàng xuất hiện trong kích thước của cơ thể con người (chiều dài từ rốn đến đỉnh đầu, đến chân; chiều cao toàn thân, chiều dài cẳng tay và chiều dài cánh tay…) và là thước đo cho một vẻ đẹp hoàn hảo.

Nếu một người có mọt tỷ lệ vàng như ước tính như thế trong tỉ lệ vàng thì chắc chắn người đó mang một vẻ đẹp rất hoàn mỹ.

Ví dụ, gọi độ dài từ rốn lên đến đỉnh đầu là x, độ dài từ rốn xuống đến chân là y. Độ dài một sải tay gọi là a. Nếu x/y = a/(x+y) = 1,618 = Ф, thì đây là thân hình của các siêu người mẫu.

Con người là một thực thể của tạo hóa. Con người đẹp một cách hoàn hảo và cái đẹp đó nằm ở tỷ lệ vàng của cơ thể, hay nói cách khác là sự cân đối về vóc dáng.

Một khuôn mặt thật sự hoàn hảo là một khuôn mặt cân đối với sự hiện hiện của tỷ lệ vàng. Khuôn mặt đó kết hợp với những tỷ lệ cơ thể lý tưởng khác, chúng ta sẽ có những tuyệt tác của tự nhiên.

 Những nghiên cứu đặc biệt về cái đẹp

Theo các nhà khoa học, khuôn mặt là nơi ta dễ dàng cảm nhận và đánh giá về cái đẹp. Khuôn mặt cân đối được cho là kết quả của một quá trình phát triển hoàn thiện từ trong tử cung của nguồn gene tốt và lối sống hoàn hảo. Người có khuôn mặt hoàn hảo rất dễ kết bạn và tìm được một công việc tốt bởi đây thường là những người hướng ngoại, tận tâm.

Một nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Geneva, Thụy Sỹ tiến hành đã chỉ ra rằng, đàn ông có ngón tay đeo nhẫn dài hơn ngón trỏ càng nhiều thì khuôn mặt càng hấp dẫn. Theo đó, tỷ lệ giữa ngón tay đeo nhẫn và ngón trỏ có liên quan tới lượng hormone tình dục testosterone, từ đó liên quan tới số lượng tinh trùng, sức khỏe sinh sản, khả năng cạnh tranh tốt và có nguồn gene tốt.

“Hormone tình dục được coi là kim chỉ nam để đánh giá độ quyến rũ, vẻ đẹp của một người. Những người có xương gò má cao là những người có lượng testosterone cao, đồng nghĩa với việc họ có hệ miễn dịch khỏe mạnh” - Helen Fisher, một nhà nhân chủng học thuộc Đại học Rutgers, New Jersey (Mỹ) cho hay.

Các nhà khoa học cũng đã chứng minh được rằng đàn ông có thân hình cân đối sẽ dễ khiến phụ nữ đạt khoái cảm và nếu đàn ông có bộ ngực cân xứng, họ sẽ có nhiều tinh trùng hơn.

Về phần mình, phụ nữ cuốn hút đàn ông được chia thành hai loại: Những người có lượng testosterone cao (được thể hiện qua hàm khỏe, trán cao và chiều cao tương đối) và người có lượng estrogen cao (thể hiện qua đôi môi dày, mũi hếch và đôi mắt to so với tổng thể khuôn mặt).

Tuy còn chưa thống nhất quan điểm về việc liệu con người có tỏa ra chất pheromones - một chất hóa học giúp động vật tìm bạn tình, nhưng các nhà khoa học đồng thuận rằng chúng ta có thể “đánh hơi” ra mùi hệ miễn dịch của bạn tình, xem họ có hợp với chúng ta không và họ có thể cùng chúng ta kết hợp để có những đứa con khỏe mạnh không?

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phụ nữ hay cười được đánh giá là khá hấp dẫn, trong khi những người đàn ông hay biểu lộ niềm hạnh phúc thì bị đánh giá ít thu hút hơn.

-------

Hòa An

Marilyn Monroe – biểu tượng của sắc đẹp và sự quyến rũ. Ảnh: Resimsi

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

Khổng Tử và Hạng Thác


KHỔNG TỬ VÀ HẠNG THÁC

Khổng Tử hỏi: “Có bao nhiêu ngôi sao trên Trời?”, cậu bé 7 tuổi trả lời và lập tức được Khổng Tử bái làm thầy

Trong “Sách thời Chiến Quốc” của nhà Tần có ghi chép câu chuyện về cậu bé 7 tuổi đã khiến Khổng Tử phải bái làm Thầy. Vậy đứa bé ấy là ai? Tại sao một Đại thánh hào như Khổng Tử lại nhận một đứa trẻ 7 tuổi làm thầy?

Khổng Tử nói: “Trong 3 người đi đường thì ắt có một người là thầy của ta, gặp người tốt thì theo gương, gặp người xấu thì sửa mình”.

Khổng Tử là người sáng lập Nho gia, thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc là thời kỳ “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, gọi là bách gia chư tử. Sau này, khi Hán Vũ Đế đăng cơ, ông đã đề xuất “trục xuất bách gia, độc tôn Nho thuật.”

Kể từ đó về sau, Nho gia trở thành xu hướng tư tưởng chủ lưu trong 2000 năm lịch sử của Trung Quốc. Khổng Tử không chỉ nổi tiếng ở Trung Quốc, mà còn vang danh thiên hạ. Khổng Tử có thể có được một địa vị cao cả như vậy, sự uyên bác và kiến thức của ông được mọi người công nhận, và được hậu thế xưng là Thánh nhân. Nhưng vì sao Khổng Tử lại từng bái một đứa trẻ 7 tuổi làm thầy?

Người ta kể rằng, khi đứa trẻ này chào đời, dao kéo không cắt đứt dây rốn được, cuối cùng người mẹ lấy cỏ tranh cắt mới đứt được. Đứa trẻ này tên là Hạng Thác. Hạng Thác từ nhỏ đã là một đứa trẻ thông minh, có tài hùng biện và là một thần đồng được nhiều người biết đến. Một hôm, Khổng Tử dẫn các đệ tử đi về phía đông để thuyết giảng, trên đường đi gặp Hạng Thác lấy cát và đất để đắp một cái thành, chặn đường đi của ông.

Khổng Tử tò mò hỏi Hạng Thác: “Cậu bé, tại sao khi nhìn thấy xe ngựa, con lại không nhường đường?”

Hạng Thác đáp: “Từ xưa đến nay, chỉ nghe nói xe phải tránh thành chứ không hề có chuyện ngược lại bao giờ.”

Khổng Tử cười gật đầu khen: “Thật là một đứa trẻ thông minh.”

Vì yêu mến Hạng Thác, nên Khổng Tử đã mời Hạng Thác đi cùng. Trên đường đi, Hạng Thác chỉ vào một vài cây tùng và cây bách, cậu bé hỏi Khổng Tử: “Lão tiên sinh, ngài nghĩ vì sao cây tùng và cây bách không rụng lá vào mùa đông, dù trời lạnh vẫn bốn mùa xanh tốt?”

Khổng Tử trả lời: “Đó là vì gỗ cây tùng là loại gỗ cứng rắn, không xốp, chịu được giá rét nên thường xanh”.

Hạng Thác hỏi vặn lại: “Vậy thì cây tre kia rỗng ruột, làm sao có thể xanh tươi quanh năm được?”

Một người học thức uyên bác như Khổng Tử đã bị câu hỏi của cậu bé này làm khó.

Khi đến sông Hộ Thành, thấy một đàn ngỗng trắng đang nhảy xuống sông, Hạng Thác nghiêng đầu hỏi Khổng Tử: “Tiên Sinh, tại sao ngỗng có thể kêu to như vậy?”

Khổng Tử cười nói: “Đó là vì ngỗng có cổ dài, nên nó mới có thể kêu to như vậy.”

Hạng Thác lại hỏi vặn lại: “Thế con ếch ở dưới ruộng, cóc ở trong giếng, chúng có cổ dài đâu mà tiếng kêu của chúng không thua gì ngỗng trắng.”

Khổng Tử lập tức á khẩu, không trả lời được. Lúc đó Tử Lộ ở bên cạnh không thể chịu đựng được nữa, đành nói với Hạng Thác rằng: “Cậu thường theo cha xuống ruộng cuốc đất. Vì cậu thông minh như thế nên chắc cậu phải biết mỗi ngày cha cậu phải đào bao nhiêu nhát cuốc chứ nhỉ?”

Hạng Thác trả lời: “Đương nhiên cháu biết số lần cuốc đất mỗi ngày của cha cháu. Tiên sinh ông mỗi lần đi lại bằng xe ngựa, chắc hẳn cũng biết mỗi ngày phải biết chân ngựa mỗi ngày phải nhấc lên bao nhiêu lần.”

Câu trả lời thông minh của Hạng Thác khiến Khổng Tử cười ha ha, lại càng thêm yêu mến Hạng Thác. Khổng Tử muốn kiểm tra cậu bằng một chủ đề khó hơn. Vừa hay trên trời đã xế chiều, trên trời xuất hiện một vài ngôi sao, Khổng Tử hỏi: “Trên trời có bao nhiêu ngôi sao, dưới đất có bao nhiêu ngũ cốc.”

Hạng Thác không cần suy nghĩ mà đáp lại ngay: “Ngôi sao trên trời có một ngày một đêm, ngũ cốc dưới đất là một năm một vụ”.

Khổng Tử hết sức ngạc nhiên khi nghe câu trả lời của Hạng Thác, một cậu bé bảy tuổi đã có tư duy nhanh nhẹn như vậy, quả thật là một thần đồng. Không chỉ có tài hùng biện, cậu không kiêu ngạo cũng không tự ti, trước một Thánh nhân nổi danh thiên hạ như Khổng Tử, cậu vẫn can đảm chất vấn, can đảm phản bác. Khổng Tử bị choáng ngợp trước trí tuệ và lòng dũng cảm của Hạng Thác.

Thế rồi, Khổng Tử đã quyết định kết bạn vong niên với Hạng Thác, bái Hạng Thác bảy tuổi làm thầy.

Thừa nhận sự nông cạn, thiếu hiểu biết của bản thân, rút kinh nghiệm học hỏi từ người khác, để lĩnh hội và học tập phẩm chất cao quý, là không biết xấu hổ khi phải hỏi người thấp kém, và xin lời khuyên một cách khiêm tốn.

Sở dĩ Khổng Tử có thể dẫn dắt văn hóa Nho gia có tầm ảnh hưởng cho đến ngày nay, nhất định là nhờ vào đại trí tuệ tuyệt vời như trên. Trong mắt nhiều người, kiến thức lịch sử không có tác dụng thiết thực, tuy nhiên, những gì chúng ta tìm hiểu về lịch sử không chỉ là lịch sử, mà còn là đạo đức và tín ngưỡng của người xưa. Lịch sử là quá khứ của chúng ta, và nó cũng khai mở tương lai của chúng ta.

Nguồn: Sound Of Hope (Lý Tịnh Nhu)

 

SỐNG THUẬN THEO THIÊN ĐẠO, HỌA TỰ RỜI XA

Văn hóa truyền thống dạy con người lấy đức báo oán, không nên tranh giành, oán hận người khác. 

Nhưng trong cuộc sống có một số người cứ mải mê tranh đấu mà không biết được rằng tranh đấu với Trời là không biết lượng sức mình, tranh đấu với người thì cả đời mang nặng, tranh tới tranh lui bất quá cũng chỉ là công dã tràng mà thôi.

Vạn vật trong thế gian đều có quy luật. Nếu một người tuần hoàn theo các quy luật ấy thì tự nhiên sẽ có kết quả tốt đẹp. Trái lại, người nào đi ngược lại thì tất sẽ gặp họa.

Tục ngữ nói: “Người tính không bằng Trời tính”. Thứ không phải của chúng ta, chúng ta càng tranh đoạt thì chính là càng tự làm khó cho mình. Con người sống nơi thế gian nên hiểu rằng, người đang làm trời đang nhìn.

Xưa nay, những người đi ngược lại với Thiên ý và phép tắc, thì không ai có thể trốn khỏi, sớm hay muộn đều sẽ phải trả giá gấp bội phần.

Cho nên, làm người hay làm việc, đừng quá ngông cuồng ngang ngược, đừng đánh mất lương tâm, bởi vì cho dù một người có mạnh mẽ đến thế nào đi nữa cũng không thể thắng được đạo Trời, làm việc xấu dù che giấu khéo đến đâu cũng không giấu được Trời.

Làm người, xử thế, phải có thiện niệm trong tâm, phàm là mọi việc đều phải có độ, đó cũng chính là cấp cho mình đường lui.

2, Tranh với người, cả đời mang nặng

Xưa có một người học trò thường ngày rất thích cùng người khác tranh hơn thua, rất để tâm vào việc đúng sai.

Một hôm, người học trò này đến hỏi thăm thầy thì gặp một người trên đường đi. Người khách này ngăn vị học trò kia lại và nói: “Ngài cho ta hỏi một năm có mấy mùa?”

Vị học trò nói ngay: “Xuân, Hạ, Thu, Đông, có bốn mùa!” Người khách cãi lại: “Có ba mùa chứ!” Người học trò cảm thấy thực sự kỳ quái nói: “Rõ ràng là một năm có bốn mùa, sao ngươi lại nói là có ba mùa?”

Tranh cãi không ngớt, vị khách nóng mặt yêu cầu người học trò: “Người đúng, ta sẽ dập đầu quỳ lạy, còn nếu ngươi sai thì phải bái lạy ta.”

Đúng lúc này thì người thầy đi ra, nghe thoáng qua câu chuyện. Vị khách kia thấy vậy bèn hỏi: “Ngài là thầy, xin hãy phân xử xem, một năm rốt cuộc là có mấy mùa?”

Người thầy nhìn vị khách một lượt rồi nói: “Ba mùa!”

Vị khách vô cùng vui vẻ, đòi học trò bái lạy xong rồi mới bước đi. Người học trò khó hiểu hỏi: “Thưa thầy! Một năm rõ ràng là có bốn mùa, sao vừa rồi thầy lại nói là có ba mùa?”

Người thầy trả lời: “Một năm, châu chấu chỉ sống có ba mùa, xuân, hạ và thu, nó đâu có biết mùa đông?

Con cùng với người ta say mê tranh luận, thích tranh hơn thua như vậy, chẳng phải là cách quá xa cảnh giới tu thân sao? Người ta tạo cho con cơ hội để vứt bỏ cái tâm háo thắng, còn không mau cảm tạ?”

Lại có câu chuyện kể rằng, ở một ngôi chùa có hai vị hòa thượng trẻ tuổi giao ước hàng ngày đều tụng kinh cùng nhau để xem ai tụng kinh giỏi hơn, hay hơn.

Sư trụ trì sau khi biết chuyện đã gọi hai vị hòa thượng trẻ đến và nói: “Hai hòa thượng các ngươi phải chăng đã giao ước tụng kinh cùng nhau xem ai tụng kinh giỏi hơn?”

Hai vị hòa thượng trẻ đáp: “Thưa sư phụ, đúng vậy.”

Vị sư trụ trì liền khai thị cho hai hòa thượng trẻ tuổi: “Tụng kinh vốn là tu hành, nếu là để phân thắng bại thì tu hành còn ý nghĩa gì đâu. Con người một khi có tâm tranh đấu thì sẽ sinh ra phiền não, nếu không có tâm tranh đấu thì mới có thể tĩnh tại.”

Phật gia cho rằng đời người có ba thứ độc là tham, sân, si. Hết thảy thống khổ và phiền não của con người đều do tham, sân, si sinh ra. Vì có tham nên con người tranh giành nhau, vì có sân cho nên người ta có tâm oán giận, vì si nên không buông bỏ xuống được.

Đây đều là những điều tạo nên gánh nặng của đời người.

Tục ngữ nói: “Trong mệnh có thì cuối cùng sẽ có, trong mệnh không có chớ cưỡng cầu”. Thế giới có hàng ngàn hàng vạn thứ hấp dẫn, mê hoặc con người, lấy bình thường tâm mà đối đãi mới có thể sống bình yên vô sự.

Người có thể đạm bạc thì sẽ tiêu được sầu, không tranh cái lợi trước mắt thì tâm tự nhiên sẽ thanh thoát, tiêu sái.

Người không có tâm truy cầu thì tự nhiên sẽ không tranh giành, không tranh giành thì tự nhiên sẽ không có tức giận, không tức giận thì sẽ ít oán trách, ít oán trách thì tự nhiên phúc sẽ nhiều hơn. Đây chính là đạo lý.