TUỔI CHỚM GIÀ CŨNG CÓ CÁI SAY ĐẾN MÊ MẪN
Ở tuổi chớm già, người ta gần như phải say một cái gì đó nếu không muốn… tự tử. Có người say… hoa kiểng, chiều chiều bắt chước người áo xanh Tư mã Giang Châu tỉa một cành hoa, nắn một đốt dây còn xanh trên giàn bầu, có người trau chuốt một vần thơ, có người hò hét ở sân bóng đá, cũng có người đắm đuối vào chén rượu, canh bạc.
Có cái say tốt và cái say không tốt, dĩ nhiên. Ở đây ta nói cái say, cái đam mê, cái sở thích của tuổi chớm già. Hình như ở tuổi đó, sở thích của người ta khựng lại, chắt lọc hơn, tinh chất hơn và lắng đọng hơn.
Phần đông không chọn cái ồn ào mà chọn cái yên ả, đôi khi rất một mình để lắng nghe cái im lặng chung quanh và…”im lặng đời mình”.
Tuổi chớm già, trên dưới năm mươi như người xưa nói, là tuổi ” tri thiên mệnh” gẫm không sai. Muốn không tri cũng không được.
Tạo hóa sẽ cho ngay một vố để sáng mắt ra. Tục ngữ nói “bốn chín chưa qua năm ba đã tới” là vậy. Người bị cú này, người bị cú khác như một cảnh báo. Đủ rồi.
Hồi còn trẻ ít ai tin những gì ông bà mình nói, nay thì càng ngẫm càng thấy đúng đến phát sợ. Hình như mọi thứ đều đã được sắp đặt đâu đó rồi, nhất ẩm nhất trác giai do tiền định.
Do vậy mà tuổi chớm già thích tìm tới tôn giáo. Nhỏ đọc Khổng, lớn đọc Lão Trang, già nữa thì Lão Trang cũng không đủ mà phải Chúa, phải Phật. Người ta thích tìm đến thiền, đọc thiền, hành thiền.
Người ta theo dưỡng sinh, tập khí công, ráng đưa khí vào huyệt đan điền… trong tư thế bán già, kiết già gì gì đó.
Một số nhà khoa học đâm ra tin huyền bí, điều mà lúc trẻ họ phản đối quyết liệt. Tôn giáo trở thành niềm an ủi, niềm hạnh phúc của nhiều người. Một số thích đi chùa, lễ Phật, số thích đi nhà thờ, nguyện Chúa và người ta cũng thích làm việc từ thiện.
Nhưng nói chung, ở tuổi chớm già, ngươì ta không bám vào những giáo điều cứng nhắc.
Người ta có thể hiểu sâu xa hơn ý nghĩa cuả Từ bi, Bác ái. Người ta nhìn đời bằng con mắt cảm thông hơn, độ lượng hơn bởi vì người ta đã từng trải, đã tích lũy nhiều kinh nghiệm sống, người ta đã “tri thiên mệnh”.
Ở nông thôn, ngày xưa, người vào tuổi năm mươi đã con đàn cháu đống, ra đường đã có nhiều người gọi là ông, là cụ, và mỗi khi có lễ lạc trong làng họ luôn được ăn trên ngồi trước ( “sống lâu lên lão làng”, “kính lão đắc thọ” ).
Nhiều người mới hườm hườm cũng ráng đóng vai già, nói năng điệu bộ cho ra vẻ già khá ngộ nghĩnh.
Tuy vậy, nhờ xã hội hóa theo một nếp văn hóa lâu đời ít thay đổi ở nông thôn như vậy, người chớm già dễ dàng chấp nhận và an phận.
Đó là ngày xưa. Bây giờ nông thôn cũng đã khác. Người chớm già ở đô thị nói chung thường thích tham gia vào một công việc nào đó của cộng đồng, như tham gia vào một hội đoàn, một câu lạc bộ, là thành viên của hội phụ huynh học sinh, hội chữ thập đỏ , hội từ thiện v.v…
Nhờ sinh hoạt trong một tập thể như vậy họ thấy thoải mái, dễ chịu, thấy mình vẫn có ích cho cộng đồng, vẫn có thể đóng góp những kinh nghiệm trong lãnh vực này hay lãnh vực khác.
Những người vốn quen với công việc xã hội sẽ thích nghi dễ dàng và hài lòng với công việc mới này, nhưng những người không quen cũng không phải dễ dàng tham gia một cách thoải mái.
Một số người tìm kiếm những người bạn cùng sở thích, hợp thành những nhóm nhỏ thân mật, gần gũi, tổ chức những cuộc vui chơi yên tĩnh, hoặc đi đó đi đây, thăm viếng các thắng cảnh, chuà chiền cũng là một cái thú rất tốt.
Lúc này họ thường đi với nhau từng nhóm nhỏ mà không đi theo từng gia đình có nhiều thế hệ như trước. Thực ra bọn nhóc cũng đã lớn, có khuynh hướng tách thành từng nhóm riêng của chúng mà không theo cha mẹ nữa.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét