THAY ĐỔI CÁCH THẾ GIỚI THỰC HÀNH PHẬT GIÁO
Những lời dạy và phương pháp của Thiền sư thu hút sự quan tâm của nhiều người với những quan điểm tôn giáo, tâm linh và chính trị khác nhau. Báo New York Daily News mô tả Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người "đã thay đổi cách thế giới thực hành Phật giáo", đồng thời xem Thiền sư là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn.
Chánh niệm là một phương pháp tu tập cổ truyền trong đạo Phật, vẫn còn rất thích hợp đến đời sống hiện tại của chúng ta ngày nay. Sự thích hợp ấy tự nó không dính dáng gì đến đạo Phật, hoặc việc trở thành một Phật tử, nhưng nó là sự tỉnh thức dậy, biết sống hòa hợp với chính mình và thế giới chung quanh.
Chánh niệm có nghĩa là ta biết tự nhìn lại mình, quan niệm sống của mình và ý thức được tính chất toàn vẹn của từng giây phút trong cuộc sống. Và trên hết, chánh niệm có nghĩa là tiếp xúc được với thực tại, những gì đang xảy ra chung quanh ta.
Bởi, theo quan điểm của Phật giáo, thì trạng thái tỉnh thức của một người bình thường rất có giới hạn và đang bị giới hạn. Nói rõ ra thì có nghĩa là trạng thái ấy giống như của một người nằm mộng hơn của một người tỉnh thức.
Thiền tập sẽ giúp đánh thức ta dậy từ một giấc ngủ mê của những tập quán hành động máy móc vô ý thức.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng thực hành chánh niệm giúp nhận diện niềm đau nỗi khổ và chuyển hóa chúng. Chánh niệm là sự biết rõ những gì đang có mặt, đang xảy ra. "Khi nắm tay một em bé, ta hãy để tâm một trăm phần trăm vào bàn tay em. Khi ôm người thương trong vòng tay cũng thế.
Hãy thực sự có mặt, thực sự tỉnh thức". Điều này trái ngược hẳn với cách sống và làm việc của ta trước đây.
Trong cuốn sách "Quyền lực đích thực", Thiền sư Thích Nhất Hạnh có viết: Chúng ta từng có thói quen làm nhiều việc cùng một lúc. Vừa trả lời e-mail vừa nói điện thoại. Trong khi đang họp về một dự án này, ta viết xuống những ghi chú cho một dự án khác.
Thay vì luôn làm nhiều việc cùng một lúc, ta phải tập thói quen chỉ làm mỗi lần một việc. Giả sử, bạn đang uống trà và ý thức được mình đang uống trà. Chánh niệm về việc uống trà đó là một dạng giác ngộ. Có rất nhiều khi bạn uống mà không để ý vì đang đắm chìm trong lo lắng. Vì thế, chánh niệm về việc uống chính là một dạng giác ngộ.
Nếu tập trung tâm trí vào hành động, hạnh phúc có thể đến trong lúc bạn uống trà. Nhưng nếu không biết uống trà bằng chánh niệm và tập trung, bạn không thực sự uống trà mà uống nỗi đau, nỗi sợ, cơn giận và không chút hạnh phúc.
Cõi tịnh độ của Đức Phật không phải vấn đề của tương lai. Thiền sư nói trong một bài phỏng vấn “Tôi nghĩ Đức Phật đang ở đây rồi. Nếu đủ chánh niệm, bạn có thể nhìn thấy Đức Phật trong bất cứ điều gì, đặc biệt là trong Tăng đoàn.
Thế kỷ XX là thế kỷ của chủ nghĩa cá nhân nhưng chúng tôi không muốn như vậy nữa. Giờ đây, chúng tôi cố gắng sống như một cộng đồng. Chúng tôi muốn trôi đi như một dòng sông chứ không phải một giọt nước. Sông chắc hẳn đi tới biển, còn một giọt nước có thể sẽ bay hơi giữa chừng.
Đó là lý do chúng tôi nhận ra sự hiện diện của Đức Phật ở đây và bây giờ. Tôi nghĩ rằng mọi bước đi, mọi hơi thở, mọi lời nói được sinh ra trong chánh niệm chính là biểu hiện của Đức Phật. Đừng tìm kiếm Phật ở nơi nào khác. Phật nằm chính trong nghệ thuật sống chánh niệm từng phút giây của cuộc đời”.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét