Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2023

Phụ huynh Hàn Quốc bỏ việc để "học thi" cùng con


PHỤ HUYNH HÀN QUỐC BỎ VIỆC ĐỂ "HỌC THI" CÙNG CON

Người Hàn tin rằng nếu không có nỗi ám ảnh về giáo dục thì quốc gia đã không thể đạt được vị thế như ngày hôm nay trong nền kinh tế thế giới.

Bức tranh giáo dục của Hàn Quốc

Ngày 01/2 vừa qua, Korea Herald đưa câu chuyện về những bà mẹ ở Hàn Quốc sẵn sàng bỏ việc để ở nhà lo cho con trước áp lực của kỳ thi đại học.

Cụ thể, khi làm một bà mẹ toàn thời gian, lịch trình hàng ngày của họ sẽ gắn liền với lịch trình của con mình.

Họ thức dậy từ sớm để đưa con đến trường, làm việc nhà, chuẩn bị bữa ăn cho con khi về và đưa đón con đi học thêm. Bên cạnh việc giáo dục con cái, các bà mẹ cũng phải tạo ra một hồ sơ tuyển sinh đại học tốt cho con.

 

Các tờ báo của Hàn Quốc ví việc trở thành một bà mẹ rời khỏi nơi làm việc, để hỗ trợ học hành cho con cái giống như trở thành chiến binh trong một cuộc chiến. Đó là cuộc chiến để đứa con của mình bước chân vào các trường đại học hàng đầu.

 

Hầu hết những bà mẹ của xứ sở kim chi đều có chung một mục tiêu là giúp con hoàn thành 12 năm học một cách xuất sắc, đỗ vào trường đại học danh tiếng, bất kể tình trạng kinh tế, xã hội của gia đình ở mức nào.

Theo thống kê, hai phần ba người Hàn trong độ tuổi từ 25 đến 34 có bằng đại học, tỷ lệ cao nhất trong số các Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tuy nhiên, con số này lại không mang lại cảm giác hạnh phúc cho người dân nơi đây.

 

Truyền thông nước này đang gọi đây là biểu hiện của tình trạng "over-educated" (lạm phát bằng cấp), tức là quá nhiều người sở hữu bằng cấp cao nhưng không có việc làm. Nguồn nhân lực này thứa mứa và không phù hợp để sử dụng trong các ngành nghề đòi hỏi công việc lao động chân tay.

 

Hơn nữa, trong môi trường cạnh tranh cao như vậy, không phải ai cũng dễ dàng về đích. Hoặc nếu có, thì quá trình chạy đua đến vạch đích mà họ chờ mong có thể tiêu tốn nhiều năm. Điều này góp phần khiến cho những người trẻ ở đây bị yếu kỹ năng sống hay kinh nghiệm xử lý vấn đề trong xã hội, đánh mất niềm vui và hy vọng vào tương lai.

 

Nhìn thấy gì ở châu Á từ bức tranh giáo dục của Hàn Quốc?

Bên cạnh Hàn Quốc, Châu Á cũng có những quốc gia ảnh hưởng nhiều của Nho giáo như Việt Nam, Trung Quốc hay Nhật Bản, vì thế, giáo dục cũng có rất nhiều nét tương đồng với Hàn Quốc, đặc biệt là tình trạng thi cử, bằng cấp.

 

Tại Trung Quốc, mỗi năm có khoảng 10 triệu học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học. Nhưng chỉ 2% trong số đó được nhận vào 38 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, và chỉ 0,05% vào được Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh (vốn được coi là Oxford và Cambridge của Trung Quốc).

 

Đối với Nhật Bản, các công ty rất chú ý đến nền tảng giáo dục của ứng viên. Điều này làm cho cuộc cạnh tranh vào các trường đại học danh tiếng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Những học sinh không trúng tuyển trong năm đầu thường chờ đến năm sau để thi lại.

 

Tại Việt Nam, kỳ thi tuyển sinh đại học hàng năm cũng rất được mong đợi và nhiều cạnh tranh khốc liệt. Mặc dù ngày nay, yêu cầu, quan niệm về bằng cấp trong xã hội đã dễ thở hơn ngày trước rất nhiều, nhưng đây vẫn là một trong những yếu tố để đánh giá và tuyển dụng của các công ty, tập đoàn lớn.

 

Chính vì thế, người Việt cũng đang nằm trong top những quốc gia đầu tư cho giáo dục và luyện thi cao nhất châu Á. Bên cạnh đó, với việc bằng thạc sỹ ngày càng nhiều và được phổ cập khiến tấm bằng cử nhân đại học cũng mất giá hơn.

 

Điều đó cũng vô tình tạo nên áp lực du học đối với những học sinh hay giới trẻ muốn học cao và có thành tích ấn tượng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn dến căng thẳng trong học hành và thi cử tại Việt Nam.

 

Tuy nhiên, ở một khía cạnh tươi sáng hơn, những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự nhiều sự thay đổi về thi cử ở Việt Nam. Nó không chỉ giúp giảm áp lực học hành, thi cử mà còn góp phần định hướng để thay đổi sản phẩm của giáo dục – yếu tố con người. Từ đấy, chúng ta có thể mong đợi một xã hội với nhiều cá nhân hạnh phúc hơn và biết kết nối với nhau hơn.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét