GIỮ NĂM CÁI TÂM ĐỂ KINH DOANH THĂNG TIẾN
Có một vị đại sư hay giảng dạy rằng: Muốn kinh doanh thành công cần phải có đạo đức. Nhưng lấy gì để làm tiêu chuẩn đạo đức, đó là 5 cái tâm: hy sinh, siêng năng, nhẫn nhục, chân thật và tình thương. Nếu rèn luyện được năm cái tâm này, kinh doanh nhất định sẽ thành công.
Tâm chân thật: Nếu không có tâm chân thật, ở đời sẽ thật vô nghĩa. Đây là một trong những yếu tố quan trọng làm nên giá trị sống của con người, nhất là người kinh doanh. Tâm chân thật tạo niềm tin để khách hàng ngày càng ủng hộ và đó là cơ hội tốt để phát triển nghề nghiệp.
Tâm từ: Tình thương là yếu tố không thể thiếu trong xã hội loài người. Nhờ đó mà ta có động lực để phấn đấu và thực hiện những điều tốt nhất cho người thân, cộng đồng. Tình thương là chất liệu để cuộc sống trở nên đáng sống.
Tâm hy sinh: Người kinh doanh nhưng tâm ích kỷ, hẹp hòi sẽ khó lòng thành công. Làm lãnh đạo phải có tâm hy sinh cho tổ chức và nhân viên của mình.
Người có tâm rộng lớn thì trí mới rộng lớn, trí rộng lớn thì đức mới rộng lớn, đức rộng lớn thì phương tiện rộng lớn, phương tiện rộng lớn thì quyến thuộc rộng lớn, quyến thuộc rộng lớn thì hạnh phúc an lạc rộng lớn.
Như vậy, tâm có hy sinh mới đem lại lợi ích cộng đồng, vì lợi ích cộng đồng thì phúc đức rất lớn lao. Khi có phúc đức lớn, việc gì cũng thành công cả.
Tâm nhẫn nhục: Nếu muốn trở thành
một người kinh doanh mà không có tâm nhẫn nhục, sẽ khó có thể thành công. Rào
cản lớn nhất của mỗi người là thiếu kiên nhẫn, dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó
khăn. Nhờ rèn luyện tâm nhẫn nhục nên biết kiềm chế khi gặp nghịch cảnh, có sức
chịu đựng dẻo dai, bền chí khi việc chưa thành. Đó là một trong những tố chất
quan trọng của những người kinh doanh thành công.
Tâm siêng năng, Cổ nhân từng dạy:
“Giàu đâu những kẻ ngủ trưa, sang đâu những kẻ say sưa tối ngày”. Ở đời “có làm
thì mới có ăn”, trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng.
Trên thương trường, đó là sự siêng năng, cần mẫn, nỗ lực không ngừng mới có thể
đạt được mục đích.
Như vậy, chỉ cần căn cứ vào năm yếu tố trên để tự đánh giá cái tâm của mình. Đó
là thước đo đạo đức của mỗi người, đặc biệt với người lãnh đạo. Những ông chủ
tốt, công việc sẽ phát triển bền vững và nhất định thành công. Đồng thời, người
chủ cũng dựa vào năm yếu tố đó để nhận biết nhân viên, đối tác của mình có đạo
đức hay không.
Giữ gìn đạo đức trong kinh doanh là điều vô cùng quan trọng. Nó không trực tiếp
tạo ra tiền tài nhưng là nhân tố quan trọng giúp cho người kinh doanh giữ uy
tín, niềm tin với khách hàng. Người kinh doanh chân chính, tâm mới thanh thản,
tự tin và an lạc. Người kinh doanh gian dối, tâm sẽ bất an và phải cố tình tạo
ra nhiều mưu mẹo để giữ khách hàng và cách làm đó không hề bền lâu.
Giữ gìn đạo đức trên thương trường là rất khó nhưng người biết dùng năm cái tâm trong việc điều phục mình chính là biểu hiện của người có đạo đức, có khả năng thích nghi mọi hoàn cảnh để hoàn thành tốt vai trò.
Người có năm cái tâm ấy có mặt ở đâu là thành công ở đó, đem lại niềm tin yêu và hạnh phúc cho muôn người.
Theo vuon hoa phat giao
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét