Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

Chữ tâm trong công việc và cuộc sống

CHỮ TÂM TRONG CÔNG VIỆC VÀ CUỘC SỐNG

 

Bạn có biết, mỗi ngày, trái tim của chúng ta tạo ra năng lượng đủ để lái một chiếc xe tải đi xa 20 dặm? Điều đó có nghĩa là trong suốt cuộc đời mình, trái tim bạn sẽ sản sinh ra lượng năng lượng đủ để đi một đoạn đường gấp hai lần khoảng cách từ trái đất đến mặt trăng! Bạn có tưởng tượng được sức mạnh đó không?

 

Trước nay, trái tim vốn là phạm trù của năng lực tinh thần, nhưng sức mạnh thể chất của nó cũng thật bất ngờ phải không bạn? Nếu ở lĩnh vực không phải thế mạnh của mình mà trái tim đã có một nguồn sức mạnh ‘khủng’ ít ai ngờ như vậy, thì hẳn bạn sẽ khó hình dung ở lĩnh vực tinh thần nó chứa đựng những tiềm năng to lớn đến nhường nào, có thể tạo nên sự khác biệt đến đâu cho cuộc sống này.

 

Nhưng để thực sự phát huy được sức mạnh đó, chúng ta cần một trái tim thực thụ, một chữ “tâm” đúng nghĩa. Trên thế giới, nhiều điều kỳ diệu đã được hình thành từ những cái tâm như thế.

 

Có một người thầy từng bảo: “Sau này, các em có thể làm nhiều công việc khác nhau, có người theo nghề được xã hội trọng vọng, có người theo nghề ít nổi tiếng hơn, nhưng cho dù là làm nghề gì đi nữa, nếu các em thật sự có tâm, các em sẽ được hạnh phúc và đạt nhiều thành tựu.”

 

Đó là năm chúng tôi sắp tốt nghiệp đại học, chập chững bước vào ngưỡng cửa đầu tiên của ‘trường đời’, nói đúng hơn là những bước đầu tiên bước vào thế giới nghề nghiệp. Lời khuyên của thầy là ‘insight’ (hay ‘kiến thức bí truyền’) quan trọng đầu tiên về nghề nghiệp mà chúng tôi được truyền lại.

 

Tuy nhiên lúc đó, chúng tôi không nghĩ rằng chữ ‘tâm’ mà thầy nói còn tiềm ẩn nhiều ý nghĩa sâu xa hơn nữa, về công việc cũng như trong cuộc sống.

Mãi sau này, tôi lại đọc được đâu đó trong cuốn sách dạy bán hàng rằng “bạn bán hàng không phải bằng cách quan tâm đến doanh số, mà bằng cách quan tâm đến khách hàng.” Thoạt nghe có vẻ vừa nghịch lý, vừa… có lý (!), bạn có nghĩ vậy không?

 

Bán hàng mà không quan tâm đến doanh số thì quan tâm đến cái gì?

Nhưng vế thứ hai có thể khiến người ta suy nghĩ: thật ra, dĩ nhiên doanh số là một trong những quan tâm hàng đầu, nhưng đó không nên là thứ duy nhất ta quan tâm khi bán hàng.

Một điều cũng quan trọng không kém cần quan tâm: khách hàng.

Khá hiển nhiên phải không? Nhưng đây chính là cái bẫy mà nhiều người bán hàng mắc phải: họ nghĩ là họ đang quan tâm đến khách hàng, nhưng thực ra, họ đang quan tâm đến bán hàng.

 

Họ đang quan tâm đến việc làm sao để bán được hàng, làm sao để khiến người khách này mua hàng, chứ không phải thật sự quan tâm đến bản thân người khách hàng.

Điều đó không sai, nhưng như cuốn sách đề cập thì chính những thứ này làm ngăn cản bạn bán được hàng.

 

Trong Đắc Nhân Tâm, Dale Carnegie cũng từng đưa ra ví dụ về câu chuyện một người bán hàng chất đốt cho nhà máy dù cố gắng nhiều năm vẫn chưa thể bán được cho một khách hàng rất tiềm năng.

 

Tuy nhiên, chỉ sau một lần tìm đến người khách hàng này, không phải để tiếp tục bán hợp đồng chất đốt nữa, mà là để thật sự tìm hiểu và lắng nghe ý kiến từ người đó, với một tâm thái không phải đang cố thuyết phục để bán hàng, mà chỉ muốn giúp cho cho khách hàng có được một lựa chọn về giải pháp tốt nhất với họ.

 

Cuối cùng, nhờ đó mà ông đã mang về hợp đồng lớn mà nhiều năm chiến đấu “vật vã” vẫn không mang lại hiệu quả. Quả thật, khi ta chuyển mối quan tâm từ bán hàng sang khách hàng, chúng ta có thể mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn cho cả đôi bên.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét