Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

Kỷ lục gia Siêu trí nhớ thế giới

 

KỶ LỤC GIA SIÊU TRÍ NHỚ THẾ GIỚI

Dương Anh Vũ là người đầu tiên xác lập 4 kỷ lục thế giới về Siêu trí nhớ học thuật và được công nhận là người nhớ được khối lượng dữ liệu khoa học lớn nhất thế giới, từng được ghi nhận với các khả năng ở nhiều lĩnh vực: Toán học, nhớ được hơn 20.000 số Pi sau 3,14; nhớ được 1.022 tác phẩm văn học kinh điển thế giới (tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn – không bao gồm thơ); nhớ được 10.056 mốc sự kiện lịch sử qua 7.000 năm của nhân loại…

Có người hỏi vì sao em xác lập kỷ lục ở nhiều thể loại như vậy, bởi thông thường người ta chỉ bám theo đúng một thể loại thôi, đó là bởi em muốn khẳng định bộ não con người có thể tiếp nhận kiến thức đa dạng, nó không nhất thiết phải một môn, một chuyên ngành hay một lĩnh vực”, Vũ chia sẻ.

Vũ kể: “Suốt từ nhỏ cho đến năm lớp 10, em là học sinh học rất dốt. Mới vào lớp 1 em đã thi lại rồi. Là học sinh bị xếp loại yếu liên tục trong 8 năm liền, trong đó có 1 năm ở lại lớp (lưu ban). Cấp III em phải học bổ túc, vì không có bất cứ trường THPT nào chịu nhận, do điểm thi tốt nghiệp của em quá thấp”.

Vũ chia sẻ tiếp, “nhiều lúc em bế tắc, nhất là giai đoạn em học dốt này, khi đó não em là con số 0, rất trống rỗng.

Học xong lớp 10 em mới hốt hoảng, nếu không vượt qua được cái dốt thì suốt đời không thể ngẩng đầu lên, vì thế em cứ kiên trì, kiên trì, khi càng kiên trì thì phát hiện hóa ra mình đâu có dốt. Những kiến thức này nó vẫn vô đầu mình được, tự nhiên em thèm học, thèm tri thức như người đói ăn lâu ngày, như một con nghiện, rồi em lao vào học bất kể ngày đêm…”.

Thời học cấp III em phải đạp xe đi học rất xa, lên đến 42 km mỗi ngày. kỳ thi tốt nghiệp năm đó em đạt điểm cao ngất ngưởng và thi đậu vào Trường Đại học Quốc gia TP.HCM trong năm đầu tiên. Tốt nghiệp đại học, Dương Anh Vũ nhận học bổng du học thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Sau khi tốt nghiệp, làm trợ giảng liên tục trong 4 năm, đi qua 6 nước, cứ mỗi nước Vũ ở đó 6 tháng đến 1 năm. Quốc gia cuối cùng Vũ làm việc đó là Thái Lan trước khi về nước, đây cũng là nơi Vũ tỏa sáng, được cả thế giới biết tới sau khi xác lập kỷ lục về khả năng ghi nhớ và trở thành người nước ngoài duy nhất đến nay được tôn vinh về trí nhớ bởi Sách Kỷ lục Hoàng gia Thái Lan.

Rèn luyện trí nhớ từ năm thứ hai đại học

Dương Anh Vũ thừa nhận mình là người có tính tình kỳ quặc, nhất là sau các cú sốc về chuyện học hành. “Khi vào đại học, em sống khép kín, không cởi mở với ai, không ra bên ngoài như các sinh viên khác, không chơi với các bạn mà thường một mình vào thư viện đọc suốt, em nạp tất cả tri thức một cách ngấu nghiến. Đây là khoảng thời gian em dành tất cả thời gian cho việc học ngoại ngữ, đặc biệt là em bắt đầu rèn luyện trí nhớ từ năm thứ hai đại học”, Vũ chia sẻ.

Em cắt đứt mọi quan hệ với xung quanh để chuyên tâm học hành và nghiên cứu. Em làm điều này hơi lập dị một chút, có lẽ thuộc về tính cách con người em chứ không phải đó là phương pháp học tập”, kỷ lục gia Dương Anh Vũ cho hay.

Chia sẻ bí quyết rèn luyện trí nhớ, phương pháp đầu tiên để tiếp cận tri thức không phải là phương pháp ghi nhớ mà là tạo thói quen. Ta cần rèn luyện thói quen đúng đắn thì bộ não sẽ tiếp cận tri thức đúng đắn. Ví dụ em tạo ra thói quen mỗi ngày dành 3 tiếng đồng hồ để đọc sách, khi mà ngày nào bận quá không đọc được thì cảm thấy rất khó chịu, bứt rứt. Cho nên theo quan điểm của em, thì nền giáo dục - đầu tiên phải rèn luyện được cho đứa trẻ những thói quen tốt trước khi bắt nó học những thứ quá cao siêu”.

Vũ nói rằng, dù là kỷ lục gia trí nhớ nhưng đối với em không phải cái gì em cũng nhớ, chúng ta chỉ nhớ được những gì chúng ta “thích”, còn những thứ chúng ta không quan tâm, chắc chắn sẽ không bao giờ nhét được vào đầu. Nó cũng giống như việc ta đá một quả bóng vào bức tường vậy, nó sẽ dội ngược lại.

“Chẳng hạn em không nhớ số điện thoại của bất cứ ai trong danh bạ, đơn giản bởi do em thấy không cần thiết vì điện thoại đã lưu lại rồi.

Nhưng vào mỗi cuối năm, khi Tổng cục Thống kê công bố các báo cáo, số liệu về kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục… em lại nhớ hết. Em nhớ từng năm để có thể liên kết các số liệu với nhau nhằm phân tích, đánh giá và đưa ra dự báo. Nhiều người cho rằng tư duy là cái gì đó rất cao siêu nhưng thực ra đó là sự liên kết những mảng trí nhớ đã có được trong não lại với nhau. Cho nên nếu không lưu trữ được kiến thức thì con người sẽ không có cơ sở dữ liệu để phục vụ cho tư duy.

Nhiều người cũng cho rằng giờ đây internet có tất cả, chỉ cần vào google là cho ra số liệu, nhưng nhiều người đang sai lầm, ngay cả khi chúng ta không tính đến tin giả trên google đi chăng nữa, thì dữ liệu đó vẫn có sự sai số, ngoài ra trong một lúc chúng ta chỉ tiếp cận được vài dữ liệu thôi chứ không thể tiếp cận tất cả. Nhưng em phát hiện ra rằng, khi em ghi nhớ rồi thì những dữ liệu đó nó tự liên kết với nhau mà không cần phải suy nghĩ nhiều”, Vũ phân tích.

Hiện nay Dương Anh Vũ đang tập trung cho chương trình nghiên cứu sinh chuyên ngành Giáo dục và hỗ trợ cho Viện Quy hoạch Giáo dục Quốc tế của UNESCO (IIEP) về các dự án giáo dục tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời tiếp tục nhận lời hỗ trợ phân tích địa chính trị và dữ liệu toàn cầu cho một số cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam.

Dương Anh Vũ hiện là Đại sứ Trí tuệ của Chương trình Talent Generation 2018 – Dự án giáo dục lớn nhất của UNESCO – CEP (Đại sứ Trí tuệ năm 2017 là Tiến sĩ Vũ Duy Thức). Vũ đồng thời là trợ lý nghiên cứu của IIEP – UNESCO, thành viên điều hành của Chương trình Tủ sách Nhân ái Việt Nam. Đây là dự án tặng sách mở thư viện và khuyến đọc dành cho các trường học trên khắp cả nước.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét