Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

6 kiểu người mẹ sai lầm trong việc nuôi dạy con cái

 

6 KIỂU NGƯỜI MẸ SAI LẦM TRONG VIỆC NUÔI DẠY CON CÁI

Khổng Tử từng giảng: “Tính tương cận dã, tập tương viễn dã”. Có nghĩa là bản tính thiên phú của con người khi sinh ra sai biệt không nhiều, nhưng do cách giáo dục, môi trường sống khác nhau mà càng lớn khác biệt giữa con trẻ càng nhiều. Ta thường thấy có 6 kiểu người mẹ sai lầm trong việc nuôi dạy con cái:

1. Kiểu người mẹ hay so sánh con với người khác

Nhiều người mẹ thường lấy con mình ra so sánh với người khác từ thành tích học tập, giỏi giang, thông mình … mà không quan tâm đến cảm nhận của con. Khi con đứng thứ 3 trong lớp thì phải hỏi cho được ai đứng nhất, đứng nhì để rồi thúc giục con vượt qua.

Dần dà, đứa trẻ sẽ cảm thấy tự ti vì chúng không bằng người khác. Lúc này trong lòng trẻ sẽ tự hoài nghi chính mình, đánh mất sự tin vào bản thân. khi lớn lên trẻ sẽ trở nên căng thẳng, lo lắng, suy tính thiệt hơn, hoặc trở nên khoe khoang, khoác lác.

2. Người mẹ hay áy náy quá mức và luôn nhận lỗi về mình

Hầu hết cha mẹ ở Đức rất tinh tế trong việc nuôi dạy con. Họ thường để con tự trải nghiệm cảm giác thành công, thất bại, để con tự rút ra bài học cho mình. Và quan trọng hơn hết là qua đó trẻ sẽ học được cách tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

Ngược lại, nhiều bậc phụ huynh Á đông thường cảm thấy lo lắng, thậm chí luôn áy náy trong tâm khi để con tự làm các việc, sợ con có thể sẽ vấp ngã hoặc mắc sai lầm.

Các bà mẹ thường hay ôm hết trách nhiệm lên mình, sau này khi con trẻ gặp phải những vấn đề không thể giải quyết, trẻ sẽ chỉ biết trách móc người khác, tìm lý do bao biện cho bản thân mà không biết nhìn lại lỗi của mình, khiến trẻ ngày càng không cách nào tiến bộ lên được.

3. Mẫu người mẹ lo lắng quá mức

Khi dẫn con cái ra ngoài, họ thường không ngừng nhắc đi nhắc lại: “Qua đường phải cẩn thận xe cộ nghe con”, “Mặc nhiều áo ấm vào không cảm lạnh”, “Đừng có tùy tiện đụng vào những thứ bên đường”…

Đương nhiên, các nhân tố không an toàn ngoài xã hội cũng tăng thêm gánh nặng tâm lý cho các bà mẹ. Nhưng nếu lúc nào bạn cũng lo lắng thái quá và chỉ nhìn mọi thứ ở góc độ tiêu cực thì đó cũng chẳng khác chi “một lời nguyền”.

Nếu bạn luôn lo lắng, gợi ý cho trẻ những điều tiêu cực, thì con bạn chỉ có thể phát triển theo chiều hướng không tốt, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng, lo âu, và trở nên rất nhạy cảm.

4. Người mẹ mong muốn kiểm soát tâm lý con

Trong mắt rất nhiều người mẹ, nếu con cái không làm theo định hướng của mình mà tùy ý biểu đạt suy nghĩ riêng, làm theo quyết định của bản thân, thì chính là “chống đối, nổi loạn”. thậm chí con cái trưởng thành rồi mà cha mẹ vẫn muốn quản, dẫn đến con trở thành người không có tư duy độc lập.

Không ít phụ huynh có sự nghiệp không thuận lợi cũng dồn hết tâm trí, kỳ vọng vào con. Vì muốn con phát triển theo suy nghĩ của mình, nên những tâm tư mong muốn của trẻ họ đều để ngoài tai.

Có câu nói rằng, trọng tâm của giáo dục chính là “thưa thì thông, đầy thì nghẹn”. Con cái nếu không được sống theo ý mình, dần dần chúng sẽ cảm thấy bế tắc, mù mịt, mất phương hướng, và trở nên ý lại vào cha mẹ. Về lâu về dài, đây là một cái vòng luẩn quẩn, sai lầm trong việc dạy dỗ con.

5. Mẫu người mẹ là “nô lệ của con cái”

Những người mẹ này hầu như cả đời dốc sức cho con cái, luôn bận rộn vì con, kiếm tiền vì con để rồi không còn thời gian cho bản thân, đánh mất đi cuộc sống của chính mình.

Rất nhiều bà mẹ thường hay ngậm ngùi trước sự khác biệt lớn giữa trước và sau khi sinh. Họ trở thành vệ tinh chỉ biết quay quanh đứa con của mình. Thời gian ở bên chồng ít hẳn đi, cũng không còn liên lạc mấy với bạn bè, xã hội, thậm chí còn từ bỏ luôn cả sự nghiệp tươi sáng của mình.

6. Mẫu người mẹ vất vả quá mức

Những người mẹ thức khuya dậy sớm vì con, canh khuya nửa đêm vẫn còn giặt giũ quần áo, sáng sớm tinh mơ đã vội ra chợ mua đồ nấu ăn; đưa con đi học, suốt chặng đường đều đeo cặp cho con, trong khi đứa con bên cạnh ung dung tự đắc, lên xe bus, con ngồi ghế, mẹ đứng một bên, mua đồ ăn ngon, trẻ vô tư lấy ăn, không hề nghĩ gì đến bố mẹ bên cạnh…

Cuối cùng nhiều người không khỏi than thở rằng: Mình hy sinh cho con nhiều đến vậy, nhưng sao chúng càng lúc càng ích kỷ?

Hơn nữa, những đứa trẻ ích kỷ thường có ham muốn chiếm hữu rất mạnh mẽ, muốn có được thứ gì, chúng sẽ nghĩ mọi cách để có được thứ đó. Đến khi lớn lên, tham vọng ích kỷ sẽ không ngừng phình to, có khi sẽ vì để có được thứ mình muốn mà bất chấp thủ đoạn.

Để con trẻ chịu cực một chút cũng là cách giúp trẻ tăng thêm dũng khí, bồi dưỡng nhân cách, chuẩn bị hành trang vững bước trên con đường nhân sinh sau này; để khi chúng bước vào xã hội, trong cuộc đời đầy sóng gió, có thể thể hiện được đầy đủ giá trị của mình.

Thuỳ Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét