Tìm người tài nên tìm cửa hiếu môn
Tự Đức dâng roi
Một câu chuyện về bậc quân vương hết sức tận hiếu, nghe lời mẹ, đó là tích: "Tự Đức dâng roi".
'Việt Nam Sử Lược' chép lại, vua Tự Đức sẵn sàng đưa roi lên cho mẹ để chịu đòn mỗi khi mắc lỗi. Lên ngôi năm 18 tuổi, trị vì đất nước 36 năm, vua Tự Đức rất coi trọng bổn phận làm con với mẹ là Hoàng thái hậu Từ Dụ. Những điều mẹ dạy, ông đều cẩn thận ghi lại vào “Từ Huấn Lục".
Từ Dụ Hoàng thái hậu truyện, trong bộ 'Đại Nam liệt truyện' viết: “Đức vua phụng sự mẹ chí hiếu lắm. Bà thường muốn nghe đọc sách sử, vua thuận theo ý bà. Chẳng có khi nào dám trái ngược, chừng nào mẹ hết muốn nghe, bảo thôi đọc thì vua mới thôi. Chẳng những việc đọc sách sử mà bất cứ chuyện gì, vua cũng nhất nhất nghe theo ý mẹ”.
Trong Đại Nam liệt truyện có chép lại việc, vua Tự Đức một lần đi săn tại rừng Thuận Trực gặp phải lũ lụt không kịp về giỗ vua cha Thiệu Trị. Biết mình đã phải tội, về đến hoàng cung ông liền lên kiệu đến thẳng cung Diên Thọ nơi Hoàng thái hậu ở để xin chịu tội mặc dù trời đang đổ mưa.
Ông dâng chiếc roi mây đặt trong mâm son, để trên ghế rồi nằm xuống chịu đòn. Đức Từ Dụ ngồi quay mặt vào màn một hồi lâu không nói lời nào, sau mới lấy tay hất chiếc roi đi.
Tuy không phạt roi nhưng Hoàng thái hậu căn dặn nhà vua phải ban thưởng cho quan quân cực khổ đi hầu ngự, rồi sáng hôm sau hãy vào hầu lạy. Lúc đó, vua Tự Đức mới đứng dậy, lạy tạ lui về.
Bà từng răn dạy vua Tự Đức: “Biết lỗi với ta chỉ là phụ, biết lỗi với dân mới là chính”. Nghe lời dạy bảo của bà, Tự Đức không chỉ là vị vua hiếu thảo mà còn là một vị vua anh minh. Trong hàng ngàn những câu chuyện về đạo hiếu trên đất Việt xưa, câu chuyện trên đã phần nào làm tăng thêm lòng tự hào của những người con đất Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét