Ảnh Khám lớn (Maison Centrale de Saigon), những năm 1920
Câu chuyện ngồi tù khám lớn Sài Gòn
Tôi (GS Trần Văn Giàu) qua cửa Khám Lớn* (khám lớn sài gòn Số 1, ở Ðường Lagrandière – nay là đường Lý Tự Trọng Quận1).lần đầu tiên vào giữa năm 1930, sau khi trong số mấy trăm sinh viên và lao động Việt Nam biểu tình trước điện Elysée (dinh Tổng thống Pháp) đòi thả chiến sĩ khởi nghĩa Yên Bái, mười chín người bọn tôi bị bắt giam rồi bị trục xuất về nước.
.
Lần thứ hai tôi vào Khám năm 1933 về tội “vô gia cư”. Tội “vô gia cư” là cái quái gì? (Ai đi làm “cách mạng chuyên nghiệp” cũng có những nơi tạm trú, hai, ba, năm, bảy nơi; nhưng lần đó Pháp nó khảo mãi, tôi khai là tôi ở trên xuồng ba lá rày đây mai đó trên sông rạch, không có nhà ở; trong mình tôi không có tài liệu cách mạng, chỉ có một cái giấy thuế thân của người khác, cho nên, lần này, theo pháp luật toà chỉ có thể kêu án tôi về tội “vô gia cư”). Và, lần thứ ba, tôi vào Khám Lớn năm 1935, lãnh án năm năm tù; lần này tôi ở đủ cho đến 1940.
.
“Biệt thự S”, khám nhỏ trong Khám Lớn
Cổng sắt hai lớp, có một đội cai ngục tây và mã tà nam túc trực. Chính giữa sân trong, một lầu chuông cao nhìn xuống toàn bộ các buồng có cửa song sắt chứa nổi một ngàn tù nhân. Suốt gần tám mươi năm chưa nghe nói có một người tù nào trốn khỏi Khám Lớn. Năm 1916, nghĩa quân Thiên địa hội của Nguyễn Hữu Trí (1) đông mấy trăm người vũ trang bằng gươm dao, búa tạ, chày vồ, không phá nổi cửa khám, tường khám nhằm giải thoát “hoàng đế” Phan Xích Long và chính trị phạm, rốt cuộc phải rút lui thất bại.
.
Khám Lớn vững chắc lắm. Vậy mà từ năm 1937, chính quyền thực dân thấy cần phải xây thêm một cái khám nhỏ riêng biệt trong vòng thành của cái Khám Lớn; khám nhỏ đó, Tây gọi là Bâtiment S; S là “spécial”, đặc biệt, chúng tôi gọi là “biệt thự S”, để nhốt riêng vài ba bốn người tù chính trị mà chúng cho là nguy hiểm đặc biệt, trong số đó có tôi.
.
Tây sợ chúng tôi cưa song sắt, khoét vách tường, vượt ngục chăng? – Không phải! Có ai vượt nổi Khám Lớn bao giờ? Vậy mà phải xây riêng một khám nhỏ trong Khám Lớn vì lẽ gì? – Vì lẽ rất đơn giản là: từ ngày chính phủ Mặt trận bình dân lên cầm quyền ở Paris, toà án Sài Gòn nói chung không xử án chính trị nặng lắm như trước: thường nhất là ba tháng, sáu tháng, một, hai năm tù đối với những người biểu tình, bãi công, làm báo. Anh chị em ta vào Khám Lớn đông lắm, từng tốp, từng tốp, vào ít lâu lại ra, ra vào như đi chợ, như đi học.
.
Trong Khám Lớn lúc này, tù “cố cựu” rất ít: hầu hết chính trị phạm của thời 1930-1935, đã được chính phủ Mặt trận bình dân “ân xá”; số được ân xá có hàng trăm, hàng ngàn, từng đợt, từng đợt. Tôi “lọt sổ” hoài; tôi được Tây xếp gọi lên cho hay “không được ân xá” đâu đến ba lần, không phải do tôi làm đơn mà do đoàn thể, do trạng sư. Nhưng tôi không thất vọng; không thất vọng vì chưa hề hy vọng được ân xá.
.
Mình vào tù đến bốn lần thì Tây nó biết chắc mình sẽ có ngày vào tù lần thứ năm. Anh Tôn Đức Thắng lãnh án hai mươi năm khổ sai, bốn lần nặng hơn mình, vậy mà ai nghe nói anh ấy có hy vọng gì đâu để mà thất vọng? Vả lại tù Khám Lớn Sài Gòn được bạn bè, gia đình thăm viếng mỗi tuần một lần, quà bánh, báo chí có đủ; nhất là ở tù mà vẫn có công tác cách mạng sôi nổi thì an tâm quá đi chớ!
.
Công tác của tôi là huấn luyện tù nhân mới vào và sắp ra, họ đông tới hàng trăm, thường xuyên là hàng mấy chục. Trường Khám Lớn có nhiều giảng viên kinh nghiệm, lý luận, trình độ khá cao. Tụi tôi tổ chức ba bậc huấn luyện lý luận cách mạng và kinh nghiệm hoạt động sơ, trung và cao. Vô tù thành ra đi vào trường học chính trị. Trường học được mở liên tục mà khỏi phải mướn nhà, khỏi phải nuôi cơm. “Kinh tế” biết mấy. Khám Lớn góp phần đào tạo hàng trăm cán bộ cho các đoàn thể cách mạng ở bên ngoài. Tôi lúc ấy là “Chủ tịch hội đồng giáo sư đỏ”.
.
Tôi viết xong trên mười đầu sách; đều là “sách giáo khoa”; sách được giấu trong tường; đục tường lấy ra một cục gạch thì có một tủ sách. Cơm nước xong, cửa Khám đóng lại, thì lấy sách ra đọc. Sàn xi măng là bảng đen, gạch vụn là phấn; một số Thầy Chú dám bí mật đem giấy bút cho chúng tôi.
.
Bài vở viết ra được đánh morse từ khám nam ở trên xuống khám nữ ngay ở dưới. Đánh morse thì nằm sấp để tai sát sàn, lấy một bù lon quấn vải gõ vào sàn, khám dưới nghe được, chép lại, “phát hành” đi các khám cũng bằng cách đó. Ngoài công tác liên lạc chính thức thì chuyên viên morse khám nam, anh Nguyễn Hữu Thế*, và chuyên viên morse khám nữ, chị Đinh Thị Tiếu, nói gì với nhau, có trời mà biết, chỉ biết rằng, ra tù, hai cô cậu thành vợ, thành chồng với nhau.
.
* Nguyễn Hữu Thế, giáo học, bị kết án 7 năm tù (1935-1942), 10 năm quản thúc.
Trích hồi ký Trần Văn Giàu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét